Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Học Bác để làm tốt công tác thanh tra

Thứ ba, 08/01/2013 - 06:46

(Thanh tra) - Thanh tra, kiểm tra là một trong những nội dung cơ bản, thiết yếu của quản lý Nhà nước, có liên hệ chặt chẽ với việc thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận rõ tầm quan trọng đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quản lý xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh tra, kiểm tra. Trong nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và trong những lời huấn thị của Người đã thể hiện rõ những tư tưởng và quan điểm về công tác thanh tra và cán bộ Thanh tra.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra

Theo Người, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường thanh tra, kiểm tra thì mới chống được các tệ nạn này. Người nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện chỉ có một cách là khéo kiểm soát”.

Thanh tra là nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế, răn đe, cảnh báo những hành vi vi phạm của các đối tượng quản lý. Tại hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc lần thứ nhất ngày 19/4/1957, Bác đã nói: “Nếu như Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa ra về các ngành, các địa phương, kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết; trên không thấu dưới, dưới không thấu trên”. Theo Bác, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, nếu không tất yếu sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, mệnh lệnh, từ đó sẽ mang đến những tác hại to lớn: “Khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân viên địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn”.

Công tác thanh tra còn phải đảm bảo nguyên tắc cụ thể, khách quan. Theo Bác, công tác thanh tra không thể dung nạp được bất kỳ một biểu hiện quan liêu nào. Người nói: “Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, ở địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ”. Thông tin mà thanh tra cung cấp cho cơ quan cấp trên, cho người lãnh đạo đòi hỏi độ chính xác rất cao, muốn vậy, người cán bộ Thanh tra phải có một thái độ tỉ mỉ, thấu đáo, đánh giá khách quan, Người khẳng định: “Thái độ của người cán bộ Thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan. Chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình”.  

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giải quyết KNTC

Trong công tác thanh tra, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết KNTC của công dân. Người luôn coi giải quyết KNTC chính là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. KNTC là một quyền cơ bản của công dân. Lời căn dặn sâu sắc của Người đã thể hiện điều đó: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, tố cáo, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, tố cáo. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ người dân Việt Nam thường cam chịu thiệt thòi do nhiều năm bị ách đô hộ phương Bắc và chế độ phong kiến đè nén. Cách mạng đã nâng họ lên với vai trò là người chủ của đất nước, thế nhưng tâm lý đó vẫn còn đậm nét trong mỗi con người, họ e ngại chính quyền, sợ phiền phức, mặc dù đã có sự động viên và Nhà nước ta đã cố gắng để người dân nói lên tiếng nói của mình. Đó cũng là yêu cầu đặt ra cho các cơ quan Nhà nước và CBCC Nhà nước, tất cả phải xứng đáng là công bộc của dân, giải thích tường tận, thấu đáo cho người dân hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước, phải giải quyết thấu tình đạt lý và đúng pháp luật những khiếu kiện, thắc mắc về những oan ức do cán bộ chính quyền làm sai.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ Thanh tra

Bác Hồ rất quan tâm đến cán bộ làm công tác thanh tra. Bác dạy rằng: Cán bộ Thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và giàu bản lĩnh. Đồng thời phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn.

Người đã chỉ rõ: “Cán bộ Thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Để làm gương cho người ta soi thì cán bộ Thanh tra phải thực sự có tài năng và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng. Người nói: “Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy”.

Do vậy, cán bộ Thanh tra phải luôn rèn luyện, tu dưỡng và có ý thức tự phê bình theo lời dạy của Bác “Cán bộ Thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”.

Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ Thanh tra phải trở thành kim chỉ nam cho việc rèn luyện đạo đức tác phong của người cán bộ Thanh tra và của cả ngành Thanh tra. Đó là đạo đức cách mạng không thể thiếu của người cán bộ thanh tra, đồng thời cũng rèn luyện cả tác phong công tác mà Người đã từng răn dạy: Phải đến tận nơi, xem tận chỗ; phải khách quan, tỉ mỉ, cẩn thận; phải dân chủ và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phát huy vũ khí phê bình và tự phê bình…


Nam Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm