Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 15/03/2013 - 19:55
(Thanh tra) - Theo Bộ Tư pháp, đã là quyền thì công dân có quyền yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý và được trưng cầu dân ý trong những trường hợp hiến định, luật định. Điều 30 Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp quy định "công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân" là chưa thể hiện đây là quyền công dân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Hà
Dự thảo có tính dự báo và ổn định lâu dài
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ý kiến chung của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp nhất trí với Dự thảo báo cáo kết quả của Bộ cho rằng, nội dung Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội XI của Đảng về định hướng phát triển đất nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo đã có nhiều đổi mới trong việc phân công thực hiện quyền lực, xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ chế bảo đảm dân chủ đã có những tiến bộ.
Cùng với đó, Dự thảo đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dự thảo Hiến pháp đã đặt nền móng pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn được đúc kết trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Xét về tổng thể, Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị phản ánh đặc thù chính trị - pháp lý được ghi nhận tại các bản Hiến pháp của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng một số quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện trong Cương lĩnh, Nghị quyết của Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 2 và 5 (Khóa XI) và Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chưa được thể chế hóa triệt để, nhất là về kiểm soát quyền lực, về phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tư pháp. Nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, chính quyền địa phương còn một số vấn đề cụ thể chưa được giải quyết thấu đáo...
Cần thiết lập cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc An, việc ghi nhận quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp cần đi cùng với những quy định về các cơ chế bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Do quyền con người, quyền công dân đa dạng, phong phú, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy Hiến pháp chỉ nên ghi nhận các quyền cơ bản nhất. Hơn nữa, các quy định tại Hiến pháp cũng không nên quá chi tiết, chỉ nên có tính chất nguyên tắc, định hướng. Hiến pháp cần xây dựng được nguyên tắc chung trong việc giao quyền và hạn chế quyền con người, quyền công dân để không chỉ áp dụng cho những quyền được ghi nhận trong Hiến pháp mà cả những quyền chưa được quy định trong Hiến pháp.
Ông An đề xuất, việc trao quyền có thể được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, còn việc hạn chế các quyền phải do Hiến pháp và văn bản luật quy định. Các quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp cần phù hợp với các Điều ước Quốc tế và có cân nhắc tới các Điều ước Quốc tế đa phương khác mà Việt Nam đang hướng tới tham gia.
Nhiều ý kiến đề xuất cần nghiên cứu, kế thừa Điều thứ 7 của Hiến pháp năm 1946 và đưa vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp quy định “tất cả công dân Việt Nam đều có quyền tham gia vào bộ máy Nhà nước và công cuộc xây dựng đất nước theo tài năng và đức hạnh của mình” nhằm tạo cơ sở hiến định để huy động nhân tài, trí tuệ, sức dân trong xây dựng Nhà nước và phát triển đất nước.
Trong các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân nên thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “theo quy định của luật” hoặc “do luật định”.
Về Điều 30, nhiều ý kiến cho rằng đã là quyền thì công dân có quyền yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý và được trưng cầu dân ý trong những trường hợp hiến định, luật định, không phải khi Nhà nước tổ chức mới có quyền. Cho nên cần quy định “công dân có quyền biểu quyết về những vấn đề quan trọng của đất nước theo luật định”.
Ai "tuýt còi" Quốc hội?
Góp ý về nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp tại Điều 120 Dự thảo, ThS Trần Ngọc Định (Trường Đại học Luật Hà Nội) đưa ra quan điểm: Là một thiết chế mới được bổ sung với mục đích nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ Hiến pháp nhưng Dự thảo đã thiết kế một cơ quan chỉ tham gia một phần nhỏ trong việc bảo vệ Hiến pháp với cơ chế bảo vệ rất yếu và gần như chỉ là sự bổ sung cho cơ chế hiện nay theo nghĩa thành lập một cơ quan tư vấn, tham vấn, giúp cho Quốc hội giám sát việc tuân thủ Hiến pháp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương chứ không có chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan này và càng không có quyền ra quyết định, phán quyết về các vi phạm Hiến pháp.
Không những thế, việc quy định như dDự thảo chưa thực sự trả lời được câu hỏi “ai "tuýt còi" Quốc hội?” trong trường hợp có nguy cơ một đạo luật vi hiến vẫn có thể được cơ quan lập pháp thông qua dù đã có khuyến nghị của Hội đồng Hiến pháp. Một số chức năng quan trọng như giải thích Hiến pháp, kiểm tra tính hợp hiến của các cuộc bầu cử, trưng cầu ý dân đã không được ghi nhận.
Theo ông Định, việc định danh cơ quan bảo vệ Hiến pháp là rất quan trọng. Phương án đặt tên là Tòa án Hiến pháp là phương án tối ưu, thể hiện sự quyết tâm theo mô hình Tòa án Hiến pháp với thẩm quyền phán quyết mạnh mẽ, thể hiện sự kiểm soát quyền lực của tư pháp đối với lập pháp và hành pháp. Trường hợp còn ý kiến khác nhau hoặc băn khoăn về tư pháp kiểm soát lập pháp thì có thể định danh theo mô hình Hội đồng Bảo hiến và phải thể hiện mạnh mẽ thẩm quyền của cơ quan này.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự tán thành và đề nghị nên thành lập Tòa án Hiến pháp có chức năng phán quyền nhưng vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì nếu quy định như dự thảo thì thực chất đấy chỉ là cơ quan tư vấn của Quốc hội, chưa phải là thiết chế kiểm soát quyền lực, không có khả năng bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp.
Làm rõ quyền hành pháp và quyền lập pháp trong ban hành văn bản luật
Thảo luận tại hội nghị, đa số các ý kiến đều nhất trí với tên Chương, nội dung Chương VII đã quy định đảm bảo hợp lý vị trí của Chính phủ trong tổ chức quyền lực tương ứng với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp, tán thành với các quy định tại Dự thảo.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp trong việc ban hành văn bản luật, chẳng hạn Chính phủ có quyền đề nghị Quốc hội chưa thông qua dự án luật hoặc quyền rút lại dự án luật do Chính phủ trình trong những trường hợp do luật định; đề xuất với Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét lại đạo luật đã được thông qua. Vì theo nguyên tắc quyền lực Nhà nước có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước, Chính phủ (quyền hành pháp) có quyền kiểm soát Quốc hội (quyền lập pháp).
Liên quan đến chính quyền địa phương, các ý kiến đều cho rằng các quy định về chính quyền địa phương trong dự thảo có một số điểm mới và có những ưu điểm nhất định khi quy định rõ việc thành lập HĐND ở các đơn vị hành chính được thực hiện theo quy định của luật, có tính tới sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị và vấn đề phân cấp. Đồng thời, UBND không nhất thiết phải do HĐND bầu. Nhưng, so với yêu cầu khắc phục những tồn tại, bất cập của các quy định trong Hiến pháp hiện hành về chính quyền địa phương mà Báo cáo số 32 của Chính phủ đã nêu trong quá trình tổng kết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, còn nhiều điểm chưa đáp ứng.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương đề xuất cần bổ sung một điều quy định về nguyên tắc phân công nhiệm vụ, phân cấp giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp như tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X và XI đã khẳng định. Cụ thể: Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, được bảo đảm các nguồn lực tương xứng để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được phân cấp theo quy định của luật.
Hồng Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà