Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cùng ngư dân giữ biển

Thứ bảy, 11/06/2011 - 23:07

Việc Trung Quốc từ lâu vẫn thực hiện "lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông, trong đó bao gồm cả một khu vực rộng lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật pháp quốc tế đã lộ rõ dã tâm muốn biến Biển Đông thành "ao nhà” của họ. Để đảm bảo thực thi "lệnh cấm đánh cá”, Trung Quốc đã "bật đèn xanh” cho các đội ngư chính và hải giám ngang ngược lùng sục trên Biển Đông nhằm "triệt tiêu” các ngư dân Việt Nam đang hành nghề ngay trên chính ngư trường truyền thống của cha ông mình.

Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển của Tổ quốc

"Khi nói để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm và là nét đặc trưng. Chúng ta phải tăng cường các hoạt động đánh cá vùng biển xa, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hình thành lực lượng kiểm ngư, phát triển Trường Sa ngày càng tốt lên, giao lưu giữa biển đảo và bờ...” - (Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh).

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát mới đây cho biết Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã lắng nghe và ủng hộ đề án thành lập lực lượng kiểm ngư do Bộ này đang soạn thảo. Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), lực lượng kiểm ngư ra đời sẽ là lực lượng bảo vệ để ngư dân vững tâm ra khơi. Khi có kẻ cố tình xâm phạm chủ quyền nước ta, kiểm ngư có quyền áp dụng các biện pháp từ xua đuổi, xử phạt, nổ súng cảnh cáo đến các biện pháp cứng rắn.

Với hầu hết người dân Việt Nam ngày nay, những gì xảy ra với tàu Bình Minh 02 vừa qua và mới đây là với tàu Viking 02 không có gì lạ lùng và khó hiểu. Đó chính là biểu hiện của sự "leo thang” gây hấn ngày càng cao hơn của Trung Quốc trong mưu đồ "nuốt trọn” Biển Đông mà từ lâu đã được nước này công bố bởi "đường lưỡi bò” phi lý. Với tấm bản đồ tự vẽ chiếm gần 80% diện tích Biển Đông chẳng được ai công nhận, Trung Quốc đã tự "bày binh bố trận”, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như các quy ước hành xử của những quốc gia văn minh, một mình tạo nên căng thẳng trong khu vực và ngày càng gia tăng mức độ căng thẳng đó hòng biến các vùng biển bình yên trở thành các vùng tranh chấp. Sự kiện "Bình Minh 2”, rồi tiếp theo là "Viking 02” do đó càng cho thấy đây không phải là hành động đơn lẻ mà rõ ràng là một trong rất nhiều hành vi nằm trong chuỗi chính sách của Trung Quốc được chuẩn bị công phu, lâu dài nhằm tung hỏa mù, dùng tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa để ngụy trang cho mục tiêu "nuốt trọn” Biển Đông.

Việc Trung Quốc từ lâu vẫn thực hiện "lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông, trong đó bao gồm cả một khu vực rộng lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật pháp quốc tế đã lộ rõ dã tâm muốn biến Biển Đông thành "ao nhà” của họ. Để đảm bảo thực thi "lệnh cấm đánh cá”, Trung Quốc đã "bật đèn xanh” cho các đội ngư chính và hải giám ngang ngược lùng sục trên Biển Đông nhằm "triệt tiêu” các ngư dân Việt Nam đang hành nghề ngay trên chính ngư trường truyền thống của cha ông mình. Theo các nhà nghiên cứu, các tàu ngư chính và hải giám của Trung Quốc thực chất là những phương tiện có khả năng quân sự. Đó là những tàu rất to, chạy rất nhanh, có trang bị vũ khí, nhưng lại được sử dụng dưới cái "mác” dân sự. Với các phương tiện "trá hình” như vậy, những năm qua Trung Quốc ngày càng gia tăng mức độ đàn áp ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam một cách thô bạo. Không chỉ dừng lại ở việc cướp bóc, trấn lột phương tiện, tài sản, tiền bạc, ngư cụ của ngư dân Việt Nam, có nhiều bằng chứng cho thấy các lực lượng ngư chính, hải giám Trung Quốc đã xâm hại tính mạng, sức khoẻ và xúc phạm nhân phẩm ngư dân Việt Nam ngay chính trên vùng biển Việt Nam. Mới đây, ngày 1-6-2011, nhiều tàu Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển cách đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ 05 hải lý và nổ súng đuổi tàu cá PY-92305TS của ngư dân Lê Văn Giúp (Tuy Hòa, Phú Yên). Cùng thời điểm đó, tàu cá BĐ-91189TS của ngư dân Nguyễn Dũng (Quy Nhơn, Bình Định) cũng bị nhiều tàu Trung Quốc tấn công bằng súng AK ở tọa độ cách bờ biển Ninh Thuận khoảng 100 hải lý. Theo đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên, 3 chiếc tàu có vũ khí tấn công ngư dân Phú Yên ở gần đảo Đá Đông là tàu của hải quân Trung Quốc.

Những vụ việc trên đây cho thấy giữa tuyên bố của Trung Quốc với hành động thực tế của họ là rất khác biệt, thậm chí có khi "nói một đàng làm một nẻo”. Về hiện tượng này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận định: "Bộ trưởng Lương Quang Liệt phát biểu tại Shangri-La rất tầm cỡ, rất hòa hiếu, thiện chí. Chúng ta chờ những hành động cụ thể thể hiện thiện chí đó. Còn với một đất nước có một sự quản lý chặt chẽ như Trung Quốc, việc cấp dưới đi ngược lại ý kiến cấp trên là điều khó xảy ra. Vụ tàu Bình Minh 2 nghiêm trọng ở chỗ trước đây Trung Quốc cũng đã đâm tàu và cắt cáp rồi, nhưng khu vực xảy ra là ở vùng ngoài 200 hải lý hoặc vùng tranh chấp. Còn đây là vào rất sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, không phải tàu cá đâm tàu cá mà đây là tàu chấp pháp xử lý một tàu dân sự trong vùng biển Việt Nam. Thứ ba, đó là hành vi bạo lực”. Nói về chuyện làm thế nào để có thể bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc trong tình hình hiện nay, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Khi nói để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm và là nét đặc trưng. Chúng ta phải tăng cường các hoạt động đánh cá vùng biển xa, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hình thành lực lượng kiểm ngư, phát triển Trường Sa ngày càng tốt lên, giao lưu giữa biển đảo và bờ... Một điểm nữa là tuyên truyền trong nhân dân. Nhân dân ta rất yêu nước, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ Tổ quốc. Cần tuyên truyền để dân ta hiểu Công ước Luật Biển 1982 là thế nào, Biển Đông của chúng ta đến đâu, chúng ta phải hành xử thế nào, các nước hành xử ra sao... để mỗi người đều có tinh thần đấu tranh nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, đấu tranh chính xác để các nước tâm phục khẩu phục, chứ không phải chỉ là những lời nói suông. Chúng ta cũng phải tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng thế giới biết ai đúng ai sai”.

Biết là cần phải động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho ngư dân bám biển, giúp ngư dân giữ biển cũng đồng nghĩa với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển. Thế nhưng, nhiều năm qua không ít ngư dân Việt Nam đã khánh kiệt về tài sản hoặc tổn hại sức lao động khi nhiều lần bị các tàu Trung Quốc trấn lột, bắt bớ, đối xử vô nhân đạo... Họ không còn khả năng đi biển, không còn đủ sức để bám giữ ngư trường quen thuộc của cha ông nữa. Trong khi đó tàu cá Trung Quốc thì lại ngang nhiên tràn vào hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam với sự bảo vệ của các lực lượng có vũ trang của Trung Quốc. Đại tá Nguyễn Trọng Huyền cho biết thêm: "Gần đây tàu cá Trung Quốc xâm phạm nhiều hơn trong vùng biển nước ta. Theo thông tin ngư dân báo về, trung bình mỗi ngày vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến quần đảo Trường Sa có từ 120 đến 150, cá biệt có những ngày lên đến hơn 200 tàu cá Trung Quốc khai thác trong vùng biển nước ta. Trước đây tình hình tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta đã từng xảy ra, nhưng chưa bao giờ nhiều như thế. Phần lớn tàu cá Trung Quốc đều có công suất lớn, lại có tàu hải giám bảo vệ nên ngư dân ta đã gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững ngư trường”.

Thuyền trưởng tàu cá Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, người 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ trái phép khi ông đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cho biết: "Đây là vùng biển Việt Nam. Ông nội tôi đánh cá ở đây. Cha tôi đánh cá ở đây và bây giờ tôi đánh cá ở đây. Đó là lịch sử của chúng tôi và là chủ quyền của chúng tôi”. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị Trung Quốc bắt giữ, lấy hết phương tiện, tài sản, ông Lưu đã trở nên khánh kiệt. Cuộc sống gia đình đang rất khó khăn và ông không còn khả năng để ra biển nữa vì không có tiền mua tàu. Nhưng ông vẫn khẳng định, một ngày nào đó nếu có điều kiện sắm lại tàu thì Hoàng Sa vẫn là ngư trường mà ông lựa chọn. Không phải chỉ có một mình thuyền trưởng Mai Phụng Lưu suy nghĩ và đang gặp khó khăn như thế. Trên dải đất ven biển miền Trung ngày nay người ta dễ dàng bắt gặp không ít ngư dân Việt Nam có tâm trạng và hoàn cảnh như ông Lưu. Ngư dân Tiêu Viết Là (Bình Sơn, Quảng Ngãi), người cũng từng bị Trung Quốc bắt giữ trái phép nhiều lần, bị tịch thu hết phương tiện, nói: "Chúng tôi ý thức rằng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, vùng biển này là thuộc chủ quyền Việt Nam nên chúng tôi ra đó đánh bắt cá là hợp pháp. Tuy nhiên, ra Hoàng Sa ngư dân chúng tôi liên tục bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản, không còn khả năng đi biển nữa. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, chế độ hỗ trợ cho ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Làm như vậy để tạo điều kiện cho chúng tôi có vốn để sản xuất, tiếp tục bám biển góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa”.

Lẽ nào một dân tộc từng chứng minh sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của mình bên một vùng biển có chiều dài hàng nghìn cây số nay lại có thể "bó tay” ngồi nhìn những ngư dân suốt cuộc đời gắn bó với biển, chấp nhận đối mặt với phong ba, vừa mưu sinh cho gia đình vừa khẳng định chủ quyền cho Tổ quốc trên các ngư trường quen thuộc từ ngàn đời qua nay lâm vào tình cảnh tuyệt vọng như thế này sao? Mọi người dân Việt Nam đều đang trông đợi Chính phủ có những biện pháp cụ thể để tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân quyết tâm cùng nhau giữ biển.

(Đaidoanket)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm