Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính phủ đề xuất 7 giải pháp cho giai đoạn tới

Thứ sáu, 21/10/2011 - 08:49

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII ngày 20/10/2011, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2012 và 5 năm 2011 - 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội.

• Lạm phát giảm dần

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2011, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Chính phủ đã phân tích kỹ tình hình, tham vấn các chuyên gia và ngay đầu tháng 2 đã ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02. Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã có Nghị quyết số 59 điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

“Đó là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, thể hiện bước tiến mới trong tư duy phát triển và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế đánh giá cao”, Thủ tướng khẳng định.

 Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thực hiện những quyết sách nói trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 có nhiều kết quả tích cực, theo báo cáo của Chính phủ, thể hiện trên các nội dung chủ yếu như: Lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển; tập trung chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; hoạt động khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo; cải cách hành chính đạt những kết quả thiết thực, phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại đạt những kết quả tích cực.

• Phấn đấu GDP năm 2012 tăng trưởng từ 6-6,5%


Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế thế giới rất khó dự báo, mặt khác chúng ta thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 mới được một năm; vì vậy, cần tiếp tục khẳng định mục tiêu tổng quát mà Đại hội 11 của Đảng đề ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm, đó là: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội. Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Từ các mục tiêu trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Cụ thể, về lạm phát: Năm 2012 dưới 10%, năm 2015 từ 5-7%; tăng trưởng GDP: Năm 2012 từ 6-6,5%, bình quân 5 năm 2011 - 2015 khoảng 6,5-7%...

• 7 nhóm giải pháp cho giai đoạn tới

 Năm 2012, việc ổn định kinh tế vĩ mô  được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Do đó, nhóm giải pháp đầu tiên là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.

Thứ tư, tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng,

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận một số yếu kém, bất cập như một số chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành, kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ thực hiện đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ còn lại của năm 2011, năm phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức rất nặng nề. Thủ tướng nêu rõ, bước sang năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải đồng tâm hiệp lực với quyết tâm, tinh thần đổi mới và năng lực sáng tạo cao nhất. Các cấp, các ngành các đơn vị phải khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngay sau khi được Quốc hội thông qua; lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm 2012 và Kế hoạch 5 năm  2011 - 2015 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.


(Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm