(Thanhtra)- Chiều ngày 22/3, tiếp tục làm việc tại Hội trường, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.
Tại buổi làm việc, có 21 lượt đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; Về danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; Cơ chế, chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô; Cơ chế, chính sách trong quản lý dân cư và bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; Cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính; Trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội…
Theo báo cáo giải trình, dự thảo Luật Thủ đô đã được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII và được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Sau Kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý. Đến nay, dự thảo Luật Thủ đô được chỉnh lý gồm 4 chương, 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.
Thảo luận về dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành một đạo luật riêng cho Thủ đô để Hà Nội phát huy một cách cao nhất vai trò là trung tâm chính trị của cả nước. Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã kịp thời tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, mặc dù đã được chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này vẫn chưa nêu bật được tính đặc thù chỉ riêng có của Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội), đây là một đạo luật khó bởi nó động chạm tới nhiều lĩnh vực từ đất đai, môi trường… cũng như một số quy đình của Hiến pháp. Chính vì vậy, dự thảo Luật này cần phải được bàn thảo căn cơ và kỹ hơn để khi thông qua không phải băn khoăn về tính khả thi và hợp hiến của nó. Mặt khác, nếu coi Hà Nội là một đô thị đặc biệt thì nó phải có những điểm khác biệt hẳn so với các tỉnh thành khác chứ không phải vẫn là những quy định chung về quản lý hành chính, trật tự an ninh xã hội như dự thảo. Bên cạnh việc nhấn mạnh cần phải tìm ra tính đặc thù cho Thủ đô, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng cho rằng, Luật cần có một điều, khoản quy định: mọi cơ chế chính sách, mọi tiêu chí do Hà Nội ban hành không được vi phạm các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật Thủ đô trên thực tế nhiều địa phương đã thực hiện như việc quy định mở các cung đường mới phải bảo đảm rộng 50 mét trở lên nhiều nơi khác đã làm. Giờ đưa vào Luật Thủ đô, liệu những địa phương khác có tiếp tục được làm hay không?
Còn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) lại tán thành việc dự thảo Luật giao cho Thủ đô cơ chế đặc thù về tài chính. Tuy nhiên cần phải quy định thật cụ thể. Theo đại biểu, cần quy định rõ cao hơn là bao nhiêu? Hay về quy định “Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô...”, ưu tiên theo nguyên tắc nào. Đại biểu cũng cho rằng, cần quy định hết sức cụ thể ngay trong Luật, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng “xin, cho” khi Luật được ban hành.
Nhiều đại biểu tán thành việc thông qua Luật Thủ đô tại Kỳ họp này. Tuy nhiên cũng lưu ý Ban soạn thảo cần khẩn trương chỉnh lý một số điều khoản trong dự thảo Luật. Đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, báo cáo lại với Quốc hội để Quốc hội có căn cứ xem xét quyết định tại phiên họp cuối cùng của Kỳ họp này.
Sáng 23/3, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phương Hiếu