Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Yếu tay nghề, không tìm được việc làm

Thứ năm, 23/01/2014 - 13:14

(Thanh tra) - Là địa phương đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT) (thuộc Đề án 1956) trong những năm qua, thế nhưng Hà Nội vẫn chưa thu được hiệu quả tương xứng khi không ít lao động sau đào tạo còn yếu về tay nghề và không tìm được việc làm phù hợp.

Lao động nông thôn ở huyện Thường Tín, Hà Nội được đào tạo nghề thêu. Ảnh: Hữu Oanh

Đầu tư lớn, đầu vào cũng không nhỏ...

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Thị Bài cho biết, việc bố trí vốn cho chương trình dạy nghề theo Đề án 1956 được TP quan tâm hàng đầu. Năm 2011, TP bố trí 30 tỷ đồng, 2012 bố trí 99 tỷ đồng, năm 2013 hơn 90 tỷ đồng và năm 2014 mặc dù tình hình ngân sách còn nhiều khó khăn, song dự kiến TP cũng dành bố trí 42 tỷ đồng cho chương trình đào tạo nghề cho LĐNT.

Ước tính, trong 3 năm (2010 - 2012) Nhà nước đã đầu tư 39 tỷ đồng để mua trang thiết bị phục vụ cho dạy nghề của các cơ sở dạy nghề công lập của TP. Trong đó ngân sách Trung ương là 35 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4 tỷ đồng. Riêng năm 2013 ngân sách Trung ương bố trí 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề huyện Ba Vì.

Nhờ được quan tâm đầu tư lớn cho cơ sở vật chất và trang thiết bị, số lượng được đào tạo đầu vào cũng tăng lên đáng kể. Theo khảo sát các cơ quan chuyên môn, tại 18 huyện ngoại thành Hà Nội, thị xã Sơn Tây và quận Hà Đông thì nhu cầu học nghề năm 2013 của LĐNT là 75.573 người. Ban Chỉ đạo 1956 của TP đã triển khai dạy nghề được 1.280 lớp cho 44.006 người. Trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho 1.155 người với 33 lớp. Các nghề được tổ chức đa dạng, phong phú, tập trung vào 2 nhóm nghề nông nghiệp (chiếm 48%) và phi nông nghiệp (chiếm 52%). Theo thống kê của UBND huyện Hoài Đức, trong 3 năm qua (2011 - 2013), toàn huyện đã tổ chức được 70 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho 2.081 LĐNT, trong đó chủ yếu là lao động bị thu hồi đất canh tác. Trong khi đó, tại huyện Ba Vì, trong hơn 3 năm thực hiện Đề án 1956, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 12.358 LĐNT với 19 ngành nghề. Trong đó nghề có 8 nghề nông nghiệp, 11 nghề phi nông nghiệp... Đến nay, toàn TP có 216 cơ sở đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT, trong đó có 21 trường cao đẳng nghề, 27 trường trung cấp nghề, 40 trung tâm dạy nghề, 8 trường đại học, 13 trường cao đẳng, 10 trung cấp chuyên nghiệp, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Đào tạo nghề gắn với đơn đặt hàng của doanh nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Hà Nội. Ảnh do Trường Trung cấp nghề Hà Nội cung cấp

Đầu ra thiếu tính bền vững

Theo đánh giá của UBND huyện Hoài Đức, công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề chưa được thường xuyên nên người dân chưa hiểu hết được tác dụng của học nghề.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thì đánh giá, đào tạo nghề cho LĐNT là một việc làm cực kỳ khó khăn bởi người nông dân vốn có tính tự do, việc đào tạo trong thời gian 3 tháng liên tục là một thử thách không nhỏ.

Đánh giá về hiệu quả dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội cho biết, tính đến tháng 11/2013 đã có 21.752 người có việc làm sau đào tạo. Trong đó doanh nghiệp tuyển dụng được 2.750 người, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm được 3.809 người và tự tạo việc làm có 15.557 người. Tổng kinh phí hỗ trợ dạy nghề trong năm 2013 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là 129 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Hữu - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, hoạt động của Ban Chỉ đạo 1956 của một số huyện, thị xã chưa thường xuyên. Sự phối hợp giữa các cấp, phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện chưa chặt chẽ. Một số huyện chưa quan tâm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về dạy nghề nên chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về đào tạo nghề tại Phòng LĐTB&XH cấp huyện. Hiện nay TP vẫn còn 11/20 quận huyện, thị xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này.

Đặc biệt, khả năng tạo thêm việc làm cho LĐNT sau khi học nghề chưa nhiều, tính bền vững của công việc cho người lao động chưa cao. Một số lao động chỉ làm trong khoảng 3 - 4 tháng sau khi học nghề và thu nhập của người lao động sau học nghề còn thấp.

Điều băn khoăn nữa là các nghề được dạy chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học nghề đa dạng của LĐNT, trong khi một số nghề dạy chưa trực tiếp tạo việc làm cho người lao động mà chỉ mang tính chất hỗ trợ quá trình làm việc của người lao động như nghề tin học văn phòng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên và kinh phí đào tạo nghề còn thấp so với tình hình giá cả hiện nay, dẫn đến không triển khai được các khóa học có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ quy định của Nhà nước.

Thực tế, LĐNT như anh Nguyễn Đình Kiểm, thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức được tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức từ tháng 3 - 7/2013. Sau đào tạo tiếp thu được khá nhiều kỹ năng về trồng các loại nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ và mạnh dạn mở xưởng trồng nấm tại gia đình. Bước đầu, mô hình trồng nấm cho thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, sau thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất của gia đình anh gặp nhiều hạn chế do vốn ít, mặt bằng chật hẹp, tiêu thụ sản phẩm khó khăn... 


Một số học viên cũng phản ánh, sau đào tạo chưa thuần thục tay nghề nên chưa kiếm sống được bằng nghề đã học. Trong khi đó, đơn vị đào tạo nghề mới chỉ dừng lại ở Trung tâm Dạy nghề huyện nên chưa đáp ứng được một số nghề theo nhu cầu của học viên...

Đây là hàng loạt tồn tại cho thấy đầu ra, chất lượng đào tạo nghề còn thiếu tính bền vững. Hiệu quả thực hiện chương trình không được như mong đợi và chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra. Hơn nữa, nhiều hoạt động dạy nghề như khuyến công do Sở Công Thương tổ chức, khuyến nông của Sở NN&PTNT và dạy nghề cho LĐNT do Sở LĐTB&XH chủ trì thực hiện, dẫn tới sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

T.An - T.Văn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Thủ đô năm 2023, với sự tham gia của gần 3.000 người cao tuổi đến từ khắp các quận, huyện Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold. Đây là sân chơi giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng.

Vân Trang

14:15 13/12/2024
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định:  Nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định: Nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

(Thanh tra) - Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định. Đơn vị đã thực hiện tốt việc tổ chức quản lý, chữa trị, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, tạo việc làm, lao động trị liệu cho người nghiện ma túy.

Đức Tài

11:04 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm