Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắc mới trên chiến địa xưa

Thứ bảy, 29/03/2014 - 08:33

(Thanh tra) - Trở lại vùng đất Cheo Reo năm xưa, nơi đã chứng kiến sự thất bại thảm hại và cuộc tháo chạy kinh hoàng của Quân đoàn 2 Ngụy, dấu tích chiến tranh giờ đã bị thời gian xóa nhòa. 39 năm đã trôi qua, vùng đất một thời lửa đạn giờ đã khoác lên mình một bộ áo mới với những buôn làng trù phú, những thị trấn, thị tứ sầm uất nối tiếp mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn của lúa, mì, bắp…

Vùng Cheo Reo, nay là thị xã Ayun Pa đã vươn mình mạnh mẽ.

Quá khứ bi hùng

Gần 4 thập niên đã trôi qua, nhưng nhiều người dân phố núi Pleiku và thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai (tên mới của địa danh Cheo Reo, Phú Bổn) vẫn không quên những giây phút kinh hoàng trong cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên của đám tàn quân Ngụy. Hàng ngàn người dân ở đây đã bị cưỡng ép phải di tản, bị dồn lại ở sông Bờ, Cheo Reo, Phú Bổn. Họ phải chịu đói, chịu khát, phải ăn lá rừng, uống nước sông để tồn tại. 

Bà Trần Thị Mai (71 tuổi), nhà ở đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku, cũng từng hòa trong đoàn người tháo chạy hôm đó. Nhớ lại thời khắc xưa, bà Mai không thể ngăn nổi dòng nước mắt: “Buổi chiều 16/3/1975, khi tôi đang bán hàng ở chợ thì một đám tàn quân Ngụy kéo đến và ép tất cả bà con tiểu thương phải bỏ nhà cửa theo chúng rút chạy. Trong lúc hoảng loạn, tôi và chồng cũng chỉ kịp dắt theo 3 đứa con hòa vào dòng người chạy miết theo hướng Chư Sê (Đường 7). Sau đó, cả đoàn người kẹt cứng tại Phú Bổn và may mắn được bộ đội giải phóng cứu thoát. Giờ đây, được sống trong hòa bình, no ấm nhưng ký ức về cuộc tháo chạy kinh hoàng đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”. 

Cùng hoàn cảnh như bà Mai, gia đình ông Nguyễn Tiến Hùng ở Phú Bổn (thị xã Ayun Pa ngày nay) cũng bị một đám lính Ngụy ùa vào, ép vợ chồng ông và 4 người con phải di tản cùng dòng người và xe ken đặc trên đường.

39 năm trước, sau thất bại ở Buôn Ma Thuột, địch đã lên kế hoạch rút quân về đồng bằng để bảo toàn lực lượng. 13 giờ chiều ngày 15/3/1975, cuộc di tản của Quân đoàn 2 Sài Gòn chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã. Thiết đoàn 19 và Lữ đoàn 6 Biệt động quân mở đường từ Pleiku đi Phú Túc. Tiếp đó là bộ phận còn lại của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 2 kỵ binh thiết giáp, các đơn vị bộ binh, hậu cần. 

Sáng 16/3, đội thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự hơn 2.000 chiếc kèm hơn 2.000 phương tiện giao thông dân sự đã đến được Cheo Reo. Sáng 17/3, địch chạm súng với lực lượng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, quân ta án ngữ ngay chân đèo Tô Na. Cả một đoàn xe di tản khổng lồ bị ứ lại Cheo Reo. Từ chiều 17 đến sáng 18/3, địch sử dụng Lữ đoàn 7 Biệt động quân có sự yểm trợ của không quân, pháo binh và thiết giáp nhưng đều bị quân ta đẩy lùi. Những cánh đồng xanh mướt minh chứng cho sự hồi sinh của đất và người vùng Đông Nam Gia Lai.

Trưa 18/3, địch điều Lữ đoàn 25 Biệt động quân cùng Lữ đoàn 2 thiết kỵ từ tuyến sau vượt lên mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường. 9 giờ sáng 19/3, các đơn vị của địch bị vây tại Cheo Reo chấm dứt kháng cự, chỉ có Thiết đoàn 9 và Liên đoàn 16 Biệt động quân về được Củng Sơn - Phú Yên, với ít thiệt hại thương vong nhất. 

Toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên đã được giải phóng hoàn toàn, góp phần thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước năm 1975.

Hồi sinh sau lửa đạn

Trong cái nắng oi ả của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi có dịp về thăm lại Đường 7 (Quốc lộ 25 ngày nay). Từ TP. Pleiku, xe chúng tôi thẳng tiến theo con đường nhựa trải dài, thẳng tắp. Những con đường đầy ổ gà, ổ voi thuở nào giờ hầu hết đều được trải nhựa khang trang, đã tạo điều kiện đi lại cho bà con thuận lợi, dễ dàng. Bà con vùng đất anh hùng xưa, hôm nay đã có thể tự hào về thành quả mà cách mạng mang lại cho họ. Đó là một cuộc sống ấm no hạnh phúc, phát triển từng ngày. Những bãi đất trắng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề nay đã mọc lên những vườn cây xanh tốt, quả trái trĩu cành. 39 năm sau ngày giải phóng, các “ấp chiến lược” dọc con đường 7 năm xưa giờ đã phát triển thành những khu dân cư trù phú. 

Đoạn khởi đầu của Quốc lộ 25 đi qua thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê - “thủ phủ hồ tiêu” của cả nước, với diện tích trên 3.000 ha. Các triệu phú trồng tiêu mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng trở lên đếm không xuể. Phía bên kia cầu sông Bờ nhà cửa đã mọc san sát. Thị xã Ayun Pa, một đô thị cấp IV trẻ trung, năng động nơi ngã ba sông đang vươn mình thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Gia Lai. Những dãy phố dài dọc theo đường 7 từng bị máy bay, đạn pháo của địch bắn phá tan hoang, thiêu cháy thành tro tàn giờ đã san sát nhà tầng, nhà xây sầm uất. Rồi Quốc lộ 25 sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m. Và mai này, cảng Vũng Rô, tỉnh Phú Yên được hoàn thiện đầu tư nâng cấp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn, khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đi vào hoạt động, lúc đó việc vận chuyển hàng hóa lên Tây Nguyên và ngược lại trên Quốc lộ 25 sẽ vô cùng thuận tiện và kinh tế.

Phía dưới đèo Chư Sê, năm 1992, công trình đại thủy nông Ayun Hạ có sức tưới 13.500 ha khởi công xây dựng đã biến vùng đất khô cằn vùng Đông Nam Gia Lai như: Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa trở nên màu mỡ, cây cối nảy mầm tươi tốt. Sự hồi sinh kỳ diệu này đã làm cho cuộc sống của người dân ổn định hơn, số hộ nghèo giảm hẳn và và số tỷ phú ngày càng nhiều như: Già làng Nay Yak ở làng Ia Yơn và gia đình ông Rômeo ở xã Ia Pia; ông Đinh Nhiêu ở làng Kte Lớn, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện; ông Nguyễn Văn Hồng ở phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa; ông Nguyễn Kim Tống ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa…

Hơn 20 năm trước, gia đình ông Rômeo là một trong những hộ nghèo của xã. Hai vợ chồng sống trong căn nhà rách nát, bầy con nheo nhóc, bữa đói bữa no. Từ khi, có nguồn nước Ayun Hạ, ông Rômeo học theo người Kinh trồng lúa nước, trồng điều và nuôi bò. Với tính cần mẫn lao động, chẳng bao lâu gia đình ông Rômeo đã có lúa đầy nhà, bò đầy chuồng và hạt điều phơi đầy sân. Từ cảnh nghèo đói, kinh tế gia đình đã cải thiện rõ rệt, không những đủ ăn mà còn có của ăn của để và mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt như ti vi, xe công nông, xe máy... Không những vậy, ông còn vận động bà con đồng bào Ja Rai trong xã học theo cách làm của mình và nhiều người đã thành công. 

Còn ông Đinh Nhiêu ở làng Kte Lớn, nguyên là Tiểu đội phó của Huyện đội H11, tỉnh Gia Lai, từng trực tiếp tham gia truy kích địch trên đường 7 năm xưa, được xem như một người mở đầu cho công nghệ trồng lúa nước đối với đồng bào Ja Rai ở các xã phía Bắc huyện Phú Thiện. Nhờ tiếp cận kỹ thuật trồng cây lúa nước từ ông mà cuộc sống của bà con ở những vùng này đã cải thiện rõ rệt.

Ông Vũ Thanh Lâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Thiện cho biết: “Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, đời sống của người dân vùng Đông Nam Gia Lai nói chung và huyện Phú Thiện nói riêng đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, sau khi Nhà nước quan tâm xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ, kinh tế của bà con nhân dân huyện Phú Thiện phát triển hơn hẳn. Trước đây, chuyện đói giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra, thì nay hầu như không còn nữa, số hộ đói không còn, số hộ nghèo giảm đáng kể từ 22% xuống còn 19% (theo tiêu chí mới). Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 6.000 ha lúa nước 2 vụ và trên 25.000 ha cây trồng các loại khác, hệ thống kênh mương ngày càng được kiên cố hóa, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Trẻ em đến độ tuổi đi học đều được đến trường; dân trí trong vùng đã cao hẳn hơn trước…”.

Tháng ba Tây Nguyên đầy nắng và gió, dù đang là mùa khô nhưng những cánh đồng lúa nước dọc bờ kênh thủy lợi Ayun Hạ dưới chân đèo Chư Sê rất xanh tươi, đang “thì con gái”. Dọc theo Quốc lộ 25 là dòng sông Ba trong vắt, uốn lượn như minh chứng cho sự hồi sinh của đất và người Gia Lai sau một thời lửa đạn.

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất