Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người thương binh tìm được 50 mộ liệt sỹ

Thứ năm, 25/07/2013 - 07:27

(Thanh tra) - “Ngày nào tôi còn chưa tìm được mộ đồng đội, là ngày ấy tôi còn băn khoăn, day dứt. Tôi sẽ đi và làm đến cùng, chỉ khi nào không còn sức nữa, tôi mới dừng lại”. Đó là những chia sẻ đầy cảm động của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu (phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) - người đã dành trọn phần đời còn lại để đi tìm mộ liệt sỹ.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu đang xem lại những lá thư cảm ơn của các gia đình liệt sỹ.

Đến phường Bạch Hạc, hỏi thăm về ông Dậu, ai cũng biết đó là một người đầy lòng nhân hậu và giàu nghĩa tình. Cả cuộc đời, người thương binh Nguyễn Ngọc Dậu vẫn lặng thầm đi tìm mộ đồng đội…

Nhập ngũ năm 1967. Năm 1978, kết thúc chiến tranh, ông trở về quê hương và chuyển ngành công tác tại Nhà máy Dệt Vĩnh Phú. Năm 1982, do đời sống khó khăn, ông quyết định xin nghỉ mất sức, ở nhà chăn bò và làm ruộng.

Từ khi xuất ngũ, trong thâm tâm ông vẫn không nguôi ý định được trở lại chiến trường xưa, đi tìm hài cốt của đồng đội, để đưa các anh trở về bên gia đình. Nhưng khi ấy, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, con cái lại còn nhỏ, nên ông đành “lực bất tòng tâm”. Ông nhớ lại, mỗi lần đi chăn bò, đều mang theo chiếc đài nhỏ, chăm chú nghe chuyên mục “Những người con hy sinh vì Tổ quốc” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó  cẩn thận ghi chép lại thông tin. Nhờ những thông tin quý giá của ông, rất nhiều gia đình đã tìm được mộ của người thân. “Hồi đó mức lương trợ cấp của tôi chỉ có 300 nghìn đồng mỗi tháng. Tôi dành số tiền ấy để mua tem gửi thư, thông tin tới các gia đình liệt sỹ”, ông nói.

Năm 2004, bất chấp sự phản đối quyết liệt của vợ con, ông quyết định bán đôi bò – tài sản quý giá nhất của gia đình, cộng với việc thế chấp bìa đỏ, được gần chục triệu đồng, ông quyết tâm lên đường vào Tây Nguyên tìm hài cốt liệt sỹ của Trung đoàn chiến đấu năm xưa.Trời không phụ lòng người, chuyến đi đầu tiên giúp ông tìm được mộ của liệt sỹ Hoàng Văn Thơm, quê ở Yên Nguyên, Chiêm Hóa, Tuyên Quang - người bạn thân của ông thời còn chiến đấu.Sau chuyến đi kéo dài 2 tuần ấy, ông trở về và càng thêm quyết tâm sẽ đi tìm mộ của nhiều đồng đội nữa. Vậy là, cứ dành dụm được ít tiền, ông lại vào Tây Nguyên - chiến trường năm xưa nơi ông cùng đồng đội đã chiến đấu, để tìm mộ liệt sỹ. Với ông, mỗi một chuyến đi là một kỷ niệm không bao giờ quên. Dù gian nan, vất vả, nhưng chứng kiến cảnh gia đình các liệt sỹ vui mừng, phấn khởi tìm được mộ người thân, ông lại càng có thêm động lực để tiếp tục hành trình của mình.Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu

Kỷ niệm ông nhớ nhất trong những chuyến đi là lần đi tìm mộ của liệt sỹ Phúc. Khi ấy, ông cùng gia đình liệt sỹ Phúc đã tìm được mộ, tuy nhiên lại có tới 2 ngôi mộ trùng tên, trùng địa chỉ, nên không đưa mộ về được. Vậy là, ông lại phải trở ra Bắc, nhờ chính quyền địa phương - quê hương của liệt sỹ Phúc xác nhận một số giấy tờ cần thiết, rồi vội vàng quay vào làm đầy đủ thủ tục để nhận mộ liệt sỹ Phúc đưa về quê an táng.

Tính đến nay, ông Dậu đã trực tiếp tìm được 50 hài cốt liệt sỹ và gửi hơn 500 bức thư thông tin về hài cốt liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc. Ông cho biết: Ban đầu trong suy nghĩ ông muốn đi tìm hài cốt của đồng đội chiến đấu cùng Trung đoàn, nhưng trong quá trình tìm kiếm, ông lại tìm được nhiều đồng đội thuộc các Trung đoàn khác. Ông lập một hồ sơ riêng, trong đó có hàng trăm tên tuổi của các liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Tây Nguyên xưa. Rồi sau đó, ông cẩn thận đánh dấu những liệt sỹ đã tìm được mộ, liệt sỹ nào chưa, để từ đó tiếp tục thu thập thông tin để thông báo tới gia đình các liệt sỹ.

Vừa tiếp tục câu chuyện, ông Dậu vừa mở cho chúng tôi xem chồng thư được ông cất giữ cẩn thận. Đó là những lá thư của các gia đình liệt sỹ nhờ ông mà đã tìm được mộ của người thân với những lời cảm ơn đầy xúc động và chân thành. Ông chia sẻ: “Có những gia đình đã đi tìm bao nhiêu năm qua mà không thể tìm được mộ người thân. Nhưng nhờ những thông tin mà tôi cung cấp, gia đình các đồng đội ấy đã tìm được mộ. Ngày nhận mộ, ai cũng vui mừng và xúc động”.

Đặc biệt, trong một chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ, ông đã cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 305 rà soát lại danh sách các chiến sỹ đã hy sinh, không có thân nhân thờ cúng. Sau đó, được UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương ủng hộ, ông đã xin được một khoảnh đất tại nghĩa trang An Thái (Việt Trì, Phú Thọ), tập kết toàn bộ 59 bộ hài cốt của liệt sỹ thuộc Sư đoàn 305. Hiện nay, khu nghĩa trang được ông và đồng đội thay phiên nhau chăm sóc.

Năm nay, ông đã bước vào tuổi 68. Ở cái tuổi này, lẽ ra ông đã được hưởng an nhàn để vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng, với phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, ông không cho phép mình ngừng lao động. Hiện, ông làm thêm công việc bảo vệ tại một công ty gỗ. Ông cho hay, ông đi làm kiếm thêm thu nhập, dành dụm số tiền ấy để đi tìm mộ đồng đội.

Bài, ảnh: Phương Nhung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm