Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 30/12/2013 - 07:00
(Thanh tra) - Dải Trường Sơn hùng vĩ chạy qua địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế..., nơi có cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống từ bao đời nay. Trải qua chiến tranh và biến đổi, hiện nay không còn những ngôi làng, ngôi nhà cổ bên những con suối róc rách, bên sườn đồi hoang sơ giữa đại ngàn nữa. Song, người Cơ Tu vẫn cư trú quây quần bên nhau, theo ý thức tự quản, đoàn kết thành một khối chặt chẽ. Đây chính là điều kiện tiên quyết để người Cơ Tu bảo tồn được nét văn hóa đặc sắc được trường tồn theo thời gian...
Lễ hội đâm trâu.
Người Cơ Tu xem rừng là cội nguồn văn hóa, rừng là chỗ dựa vững chắc trong đời sống, nên làng Cơ Tu được hình thành trên vùng đất cao ráo nằm sát rừng, có hình tròn hay bầu dục, có tầm nhìn rộng, thoáng mát, dễ giao lưu, dễ quản lý bảo vệ và yêu cầu là gần nguồn nước.
Làng được đặt tên là Crmoon, phía bên ngoài của làng là các dãy nhà dân, nằm giữa là Gươl, ngôi nhà chung, được dựng tại khu vực trung tâm của sân làng, các nhà khác của dân làng đều hướng về nhà Gươl. Gươl là biểu tượng văn hoá, là niềm kiêu hãnh, là nơi hội tụ văn hóa vật thể và phi vật thể của người Cơ Tu. Nhà Gươl làm nơi sinh hoạt, hội họp giải quyết mọi công việc, giáo dục con cháu và đặc biệt đây là nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ngày nay, Gươl là nhà văn hóa, là nơi hội họp để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Do mang tính uy nghiêm nên ngày xưa làng quy định chỉ có đàn ông và thanh niên mới được ngủ qua đêm tại Gươl. Thanh niên mới cưới vợ hay vợ đang có thai, hoặc người nhà có tang và đàn bà, con gái thì cấm kỵ ngủ tại nhà Gươl.
Ông Briu Liếc, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu về chính dân tộc Cơ Tu của mình, cho biết: “Trong sinh hoạt của làng, người Cơ Tu bình đẳng, dân chủ bàn bạc, ai gặp khó khăn, hoạn nạn có làng giúp đỡ, ai bắt được thú rừng, hay kiếm được vật quý cũng không hề tiếc nuối, tự nguyện đến Gươl dâng nộp cho làng, để chia đều cùng hưởng chung. Người cống nạp rất phấn khởi, tự hào công mình có đóng góp vào việc chung...”. Nét đầy tính nhân văn là, người phụ nữ có thai được dân làng đương nhiên công nhận thai nhi ấy là thành viên trong làng và được chia phần thịt tươi như bất kỳ người nào khác, kể cả người chết chưa giáp năm cũng được chia phần để gia đình cúng hương hồn.
Người Cơ Tu rất mến khách, dân làng dành tất cả những món ngon nhất và lấy rượu đãi khách. Khi mời rượu, chủ nhà uống trước, khách uống sau để thể hiện rượu của làng an toàn tuyệt đối, khi được mời rượu phải cầm hai tay thể hiện sự kính trọng. Chủ nhà mời rượu thường hay nói lý, để thưa chuyện với khách: “Tuy hết sức cố gắng bằng lòng nhiệt thành nhưng rượu nhạt, mồi tanh, mong khách thứ lỗi…”. Khách cũng nên đáp lại lời cảm ơn, sự thịnh tình của chủ nhà mà không có gì để đáp đền nổi...
Trong gia đình, người Cơ Tu theo chế độ phụ hệ, con theo cha, vợ về nhà chồng, ngày xưa còn có tục lệ “mua vợ”, nhưng ngày nay trai gái yêu nhau, gia đình hai bên thống nhất thì đăng ký với chính quyền, tổ chức cưới hỏi. Vợ chồng cùng sống bình đẳng, hạnh phúc, không có bạo lực trong gia đình và hiếm khi có cặp vợ chồng ly dị nhau. Họ luôn dạy dỗ con cái nhỏ nhẹ, kín đáo, ngoan hiền và không trộm cắp…
Khi mùa Đông đi qua, hoa Pơlang khoe sắc khắp núi rừng, cũng là lúc dân làng Cơ Tu mở hội đâm trâu, mừng lúa mới. Đây là lễ hội nổi bật nhất, mang tính cộng đồng và tồn tại lâu đời nhất của người Cơ Tu. Việc tổ chức lễ hội này kéo dài từ 2 - 3 ngày và do Hội đồng Già làng quyết định.
Trước khi vào hội, các nam nữ trong làng đều hăng hái với công việc, kẻ vào rừng săn bắt thú chim, người đục đẽo cột nêu rồi trang trí hình chim, hoa văn có độ cao từ 3 - 5m. Trời vừa sáng ngày khai hội bắt đầu, các bàn cúng tế được bày ra, chiêng trống nổi lên cùng với lời hát tế trâu, cầu mong Giàng và các thần linh của núi rừng ban cho “mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...”.
Tiếp đó, một con trâu to béo được buộc chặt bằng dây mây dài vào cột nêu và các chàng trai khỏe mạnh dùng cây dao nhọn, dài, chạy vào đâm trâu. Theo quan niệm, việc đâm trâu phải để từ từ cho nó chết mới thể hiện sức mạnh dai dẳng, thì dân làng sẽ gặp nhiều may mắn. Khi trâu chết hẳn, già làng hớt miếng đuôi trâu ném vào chiếc phễu trên cột nêu, cắt sọ trâu treo tại cột chính của nhà Gươl, rồi mới mổ thịt và mở tiệc vui hội.
Khái quát một số nét về văn hóa làng của người Cơ Tu, cho thấy bản sắc rất riêng biệt và có giá trị to lớn trong việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng bào Cơ Tu đã và đang cùng với các dân tộc anh em khác đoàn kết chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, vững mạnh…
Nguyên Phê
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền