Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Muôn kiểu vượt sông Ba

Thứ ba, 17/04/2012 - 14:05

(Thanh tra)- Đã nhiều năm nay, dù mùa khô hay mùa mưa, hàng trăm học sinh và người dân ở hai huyện Kbang và Krông Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn vượt sông Ba đi học và xử lý công việc bằng cách lội sông hoặc đi đò. Đáng nói, nhiều con đò không có áo phao, phao cứu sinh và các trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khác, gây mất an toàn đối với hành khách.

Hiểm nguy rình rập trên những chuyến đò qua dòng sông Ba

Lội sông đi học

Đã gần 1 tháng kể từ ngày suýt bị ‘thủy thần” khai tử, em Nguyễn Thị Hằng, học sinh lớp 6A, trường THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Kbang, huyện Kbang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Lúc tan trường ra về, nước sông Ba dâng cao đến nửa người nên em được anh Lê Ngọc Sơn (lớp 7A, cùng trường) cõng. Lúc đó, dòng nước chảy xiết nên em và anh Sơn bị cuốn trôi gần chục mét. Cũng may chúng em được anh Nguyễn Công Long, lớp 11A6, trường PTTH Lương Thế Vinh và bạn bè cứu”.

Em Trương Thị Thùy Vân, học sinh lớp 6A3, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Kbang) cũng suýt chết đuối vì bị đẩy trôi bất ngờ. May mắn lúc đó, học sinh Lê Văn Trường, lớp 8C, trường THCS Lê Quý Đôn đang đi tới, đã bơi ra kịp thời cứu Vân thoát chết.

 Không riêng gì Hằng và Vân, từ đầu năm tới nay có rất nhiều học sinh ở tổ dân phố 21, thị trấn Kbang suýt chết khi vượt sông Ba đi học. Hầu hết những trường hợp bị đuối nước đều là học sinh lớp 6, 7. Nhiều em còn bị cuốn trôi mất sách vở và xe đạp, như trường hợp em Nguyễn Văn Phòng, học sinh lớp 8C, trường THCS Lê Quý Đôn.

Người dân địa phương cho hay, ngoài cách vượt sông Ba, còn có một con đường bộ đi qua xã Đông để đến các trường THCS, THPT ở thị trấn Kbang. Song, con đường này quá xa, lại khó đi nên việc vượt sông Ba dù con nước lớn hay nhỏ được cho là “phương án tối ưu” để các em tới trường nhanh nhất, kể cả những buổi học phụ đạo ban đêm. Chỉ khi nào tới bờ sông, thấy nước sông lên quá cao, các em mới được ba mẹ đưa qua hoặc quay trở lại đi con đường đó.

Chủ quan với… hà bá

Năm 2007, cầu Bung bắc qua dòng sông Ba, nối thị trấn Phú Túc với các xã Krông Năng, Ia Dreh, Ia Rmok, Chư Drăng và Uar (thuộc huyện Krông Pa) bị sập, do sự “rút ruột” công trình của các đơn vị thi công. Để sang được thị trấn Phú Túc, người dân các xã nói trên và học sinh phải chầu chực tại các bến sông để “lụy đò”.

Ban ngày, mỗi hành khách phải trả 10.000 đồng, ban đêm giá tăng gấp đôi cho cả người và phương tiện, hàng hóa. Nhìn con thuyền chòng chành vượt sông trong lúc nước ngấp nghé mạn thuyền, bản thân tôi và cô bạn đồng nghiệp rất lo sợ, nhưng nét mặt của mọi người trên chuyến đò hôm ấy vẫn thản nhiên. Không những vậy, họ còn nhìn tôi với vẻ xa lạ khi tôi hỏi chủ đò về chiếc áo phao. Chủ đò Kpă Hai, ở buôn Jan, xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) khẳng định: “Có áo phao nhưng tôi để ở nhà, không mang ra bởi sợ ban đêm bọn xấu lấy trộm. Với lại, mùa mưa nước sông dâng cao mới dùng đến áo phao, chứ nước cạn thế này ai cần dùng. Tôi đưa đò bao năm nay có xảy ra sự cố nào đâu...?”.

Chủ đò Kpă Hai còn cho biết: Mỗi ngày, đò qua lại hơn 40 lượt. Mỗi chuyến đò như thế không cố định số lượng người, mà phải tùy theo nhu cầu của khách qua sông. Có ngày, nhiều người cần phải lên huyện giải quyết công việc, ngoài việc chuyên chở hàng chục con người, chủ đò cũng đành phải liều mình chất thêm từ 10 - 12 xe mô tô và hàng hóa.

Nhiều con đò khác ở các bến sông thuộc các xã Ia Dreh, Krông Năng... cũng không mang theo áo phao, phao cứu sinh và các trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khác. Để đối phó với ngành chức năng, một số đò cũng có áo phao, phao cứu sinh nhưng chất lượng không bảo đảm; rất ít khi mang ra đưa cho khách sử dụng. Khi được hỏi “Tại sao không đưa áo phao cho hành khách mặc khi qua sông”, một chủ đò cho biết: “Cũng có lần đưa cho khách mặc nhưng họ từ chối. Có lẽ vì họ thấy không cần thiết, hoặc vì lo bụi bẩn từ những chiếc áo phao dính vào quần áo, gây mất vệ sinh...”.

Sự chủ quan của những khách qua sông, cộng với sự thờ ơ của các chủ phương tiện vượt sông đã tạo nên những hiểm họa không thể lường trước được. Chưa kể, khi thuyền cập bến, hành khách còn chen lấn, xô đẩy, giành nhau lên bờ.

Được biết, trên địa bàn huyện Krông Pa, dọc theo dòng sông Ba này có 5 bến đò tự phát. Hàng ngày, từ 5 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm, những chuyến đò vẫn rời bến sang ngang; mang theo tính mạng của chủ đò và hàng chục con người.


Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm