Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mơ về 1 cây cầu

Thứ hai, 11/03/2013 - 14:17

(Thanh tra) - Dự án cầu treo qua làng Mạ đã được khảo sát, thiết kế, lập dự toán cụ thể, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cầu treo vẫn còn “treo” tới nay.Làng Mạ, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá, là nơi quần tụ của 52 hộ dân tộc Thái, với 215 nhân khẩu, nằm biệt lập bên kia bờ sông Chu. Mối giao lưu với thế giới bên ngoài chỉ có cầu nối duy nhất là những tấm mảng kết bằng luồng, nứa. Mùa lũ, nước chảy xiết và dâng cao thì ngôi làng hầu như hoàn toàn bị chia cắt hẳn với thế giới bên ngoài hàng tháng trời. Những nhu yếu phẩm hàng ngày không thể giao thương được, các em học sinh phải nghỉ học, người ốm đau thì chỉ còn nằm chờ nước xuống mới mong có cơ hội sang bên kia cứu chữa…

Các em học sinh đang đợi thuyền sang sông

Đi cùng chúng tôi là chị Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, một trong những trí thức trẻ tình nguyện đến với vùng khó khăn theo Đề án 600. Từ phía bờ bên này nhìn sang bên kia, lấp ló dưới những tán lá kè xanh mơn man là những mái lều tranh khói bay nhè nhẹ, dưới gần mép sông những con trâu thong thả gặm cỏ… không gian thật nên thơ biết mấy. 

Nhưng, khi bước chân vào cuộc sống thực tế mới thấy nó khắc nghiệt đến nhường nào. Từ đường cái được thảm nhựa dẫn thẳng lên Cửa Đạt, chúng tôi rẽ vào con đường đá lởm chởm. Chị Huyền phóng xe đi trước dẫn đường lao vùn vụt, còn chúng tôi đèo nhau thì loạng choạng và cuối cùng “hạ cánh” ở bãi đá cuội, may mà chỉ hơi đau một chút, không ai bị sứt mẻ gì.

Phía bờ sông đã có khoảng hơn chục học sinh lớp 3, 4 đang ngồi đợi thuyền sang đón. Em nào, em nấy mặt mũi lấm len, quần áo nhem nhuốc, lếch thếch khiến chúng tôi chạnh lòng. Thời điểm này đang là mùa khô nên mực nước sông không lớn. Một số học sinh nam đi học về con tranh thủ cởi phăng quần áo, nhảy ùm xuống sông tắm thoả thích.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm Nguyễn Thị Huyền cùng PV đến thăm 1 hộ dân làng Mạ


Ngồi bên bụi cây đợi thuyền, em Lữ Văn Đạt, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Xuân Cẩm, như đang trầm ngâm về điều gì đó. Thấy chúng tôi hỏi, Đạt trả lời rất lễ phép: “Nhà cháu nghèo lắm, bố mẹ làm quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn. Nếu không phải là học sinh giỏi có khi cháu đã bị buộc thôi học từ lâu. Ở xóm cháu, nhiều anh chị cứ lớn hơn chút là nghỉ học đi làm kiếm cái ăn. Nhiều hôm đi học trong bụng đói meo, nó cứ sôi sùng sục, cháu cũng muốn nghỉ học lên đồi chặt luồng, trồng sắn, nhưng bố, mẹ cháu cứ bảo “đời chúng tao khổ vì không biết chữ, giờ cho mày ăn học để lớn lên thoát cái cảnh nghèo, không phải đói quanh năm, suốt tháng nữa”. Cháu ước mơ lớn lên làm bác sỹ vì làng cháu chưa có ai làm bác sỹ để giúp người nghèo trong xóm”.

“Mong mỏi của cả làng là có 1 cây cầu treo để người dân có thể qua lại không phải phụ thuộc vào thời tiết. Để việc khám, chữa bệnh, học hành, giao thương buôn bán được thuận lợi, không bị cô lập với bên kia sông” - Trưởng làng Mạ Vi Văn Tiên nói.

Còn em Lữ Thị Oanh, học sinh lớp 3, thì bẽn lẽn đứng vân vê tà áo chằng chịt các mũi vá. Ước mơ của em bình dị và thực tế biết bao nhiêu: “Cháu ước làng cháu có 1 cây cầu bắc qua sông để chúng cháu đi học không phải lênh đênh trên thuyền nữa. Bố cháu có bán con lợn cũng không phải gọi mãi mới có người mua hoặc phải đóng củi, khiêng lên bè bơi đẩy qua sông. Mẹ cháu hàng ngày có thể chở lá kè, các thứ khác sang bên chợ huyện bán lấy tiền. Chúng cháu sẽ được bố, mẹ mua cho quần áo, sách vở mới”. 

Đang trò chuyện với các em thì chiếc thuyền sắt đã cập bến. Mọi người lần lượt lên thuyền. Người chèo thuyền là ông Vi Văn Bành, 61 tuổi, ngụ trong xóm. Ông Bành chở đò tính đến nay cũng đã nhiều năm. Trước thì ông chèo con thuyền độc mộc, năm 2012, Tổ chức Tầm nhìn tài trợ cho xóm chiếc thuyền sắt và dây cáp vắt qua sông. Ông Bành được xóm hợp đồng chèo thuyền hàng tháng 80kg lúa. Ông dựng chiếc lều tranh ngay cạnh bờ sông để túc trực lỡ khi trái gió trở trời, ai đó trong xóm đau, ốm, sinh nở còn kịp thời đưa sang sông. 

Các em học sinh lên thuyền


“Bao nhiêu năm chèo đò, tôi thấy thương người dân làng Mạ quá, nhất là các cháu học sinh. Người dân đã nghèo rồi còn cách trở đò ngang. Chẳng buôn, bán giao thương cái gì được. Các anh, chị qua xóm thời điểm này là mùa cạn, chứ mùa lũ thì không thể sang được. Các cháu cũng phải nghỉ học. Nếu không thì làng phải huy động lực lượng trai tráng, trẻ, khoẻ, người chống, người chèo may mới sang được bờ bên kia. Chẳng may nhà nào có người ốm, đau thì khổ trăm bề. Nhiều người đành bó tay chờ chết bởi sự cách trở này” - ông Bành cho biết.

Từ làng Mạ nhìn sang bờ bên kia là đền Cô Thác Mạ, một trong những ngôi đền linh thiêng trong khu vực. Đầu Xuân, du khách thập phương khắp các nơi đổ về đây đông cứng. Con đường từ bến sông dẫn vào làng được đổ bê tông rộng gần 1m, theo chị Huyền cho biết, đây là dự án thuộc Chương trình 135 mới được hoàn thiện, cũng chỉ vài km. “Nếu các anh lên đây thời điểm trước thì rất lầy lội, không thể đi giày, dép được” - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm nói và dẫn chúng tôi vào nhà ông Vi Văn Tiên, Trưởng làng Mạ. 

Ông Tiên vóc người nhỏ nhắn nhưng tính tình thì thẳng thắn, dễ gần. Trưởng làng tâm sự: “Làng tôi còn nghèo nhưng người dân thì mến khách lắm, hôm nay mời các anh nhà báo ở lại cho biết cái tình làng Mạ. Chẳng mấy khi các anh sang được tới nơi, vào mùa mưa có muốn sang cũng không được. Cả làng có 52 hộ, đa phần là hộ nghèo, chỉ có chưa đầy 5,4ha đất trồng lúa. Mưa thuận, gió hoà thì năng suất cũng được trên dưới 1 tạ/sào. Còn đa phần là vài chục kg, không thì mất trắng. Đất rừng cũng chẳng có mấy, mỗi hộ chỉ có vài sào, chủ yếu là trồng luồng, keo. Tổng thu nhập cả năm cũng chỉ 3 - 4 triệu đồng là tối đa. Lương thực không đủ ăn nên chăn nuôi cũng lèo tèo vài con gà, con vịt. Năm 2010, làng có trạm điện hạ thế, mới vận động 1 người dân vay mượn đầu tư chiếc máy xay xát nhỏ để tiện chế biến”. 

Cũng theo Trưởng làng Mạ, cả làng hiện có 43 cháu đi học từ mầm non tới cấp 3. Mẫu giáo và lớp 1, lớp 2 thì có điểm trường bên này rồi, các cô sang dạy thôi. Còn từ lớp 3 trở lên các cháu phải đi sang sông đi học, vất vả, nguy hiểm lắm. Nước cạn, trời quang, mây tạnh thì còn chèo thuyền đưa sang chứ nước lớn, mưa to là phải cho các cháu nghỉ học. Nếu không phải huy động bà con ra vừa chống, vừa chèo mang con sang bên bờ gửi trọ học. Chi phí càng ngày càng tốn kém hơn, việc học của các cháu có phần bị ảnh hưởng. Lịch sử từ ngày lập làng đến nay mới có 1 cháu đi học đại học ở phía Nam. 

Làng Mạ nằm tách biệt bên kia sông


Ông Vi Văn Tiên cho biết thêm: Vì cách trở sông nên việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn. Nhu yếu phẩm hàng ngày sang sông mua thì đắt đỏ, còn sản phẩm mình sản xuất, chăn nuôi ra bán chỉ còn nửa giá. Nếu bình thường giá lợn 40.000 đồng/kg thì khi bán ở làng này chỉ có 24.000 đồng/kg. Mà phải đợi họ sang mua, không thì mình đưa sang chẳng biết bán thế nào còn bị ép giá… Khổ nhất vẫn là chuyện ốm đau, sinh nở. Vào mùa lũ, có khi làng bị cô lập tới vài tháng. Chẳng may đau, ốm lúc này đành cắn răng chịu, rồi cầu trời bệnh tình đừng nặng hơn để đợi nước xuống mới mong sang được bờ bên kia. “Mong mỏi của cả làng là có 1 cây cầu treo để người dân có thể qua lại không phải phụ thuộc vào thời tiết. Để việc khám, chữa bệnh, học hành, giao thương buôn bán được thuận lợi, không bị cô lập với bên kia sông” - Trưởng làng Mạ Vi Văn Tiên nói.

Ghé thăm một số hộ dân, đa phần đều tuyềnh toàng, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ. Những đứa trẻ nheo nhóc, lem luốc khiến ai cũng thương cảm. 

Được biết, dự án cầu treo qua làng Mạ đã được khảo sát, thiết kế, lập dự toán cụ thể, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cầu treo vẫn còn “treo” tới nay. Hơn thế nữa, làng Mạ nằm trong quy hoạch chi tiết khu đô thị Cửa Đạt đã được phê duyệt. Chỉ vì con sông Chu chảy qua mà cả làng Mạ bị cô lập, cách trở, cái đói, nghèo, thất học cứ đằng đẵng theo sau. Ngồi trên con thuyền sắt trở ra, làng Mạ cứ khuất dần trong những tán kè xanh mơn mởn, cái vẻ đẹp đó càng làm tương phản lên sự khốn khó của người dân. Cả làng cần lắm 1 cây cầu để tiến gần hơn tới những phương thức sản xuất, cách làm mới, tiến gần hơn tới ấm no, hạnh phúc…

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm