Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lao động trở về từ Libya: Sẽ được hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới

Thứ ba, 08/03/2011 - 06:52

(Thanh tra)- Tình hình bất ổn chính trị tại Lybia đã khiến hơn 10.000 người lao động Việt Nam phải gấp rút về nước trước thời hạn. Mừng vui ngày trở về, nhưng phần lớn lao động Việt Nam đang canh cánh nỗi lo gánh nặng nợ nần.

Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, số lao động dưới 4 tháng chiếm chưa đầy 3% trong số hơn 10 nghìn lao động đang làm việc tại Libya, bởi từ tháng 5 - 10/2010, do phải sắp xếp lại thị trường lao động ngoài nước nên hầu như không có lao động nào xuất ngoại.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ tham mưu với Chính phủ để hỗ trợ cho lao động, tùy vào thời gian làm việc ở Libya 6 tháng hay 1 năm hoặc hơn để có chính sách cụ thể. Ngoài ra, có tới 90% lao động đi làm việc ở Libya qua các nhà thầu nước ngoài nên Cục sẽ chỉ đạo DN và các địa phương hỗ trợ thêm cho lao động học ngoại ngữ, nghề. 100% lao động đi làm việc ở Libya là nam giới và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, vì vậy, Cục sẽ rà soát lại các đơn hàng có nhu cầu về lao động xây dựng, tập trung tìm các thị trường có hợp đồng về xây dựng để ưu tiên lao động trở về từ Libya quay lại thị trường lao động xuất khẩu nhanh nhất.

Theo quy định của pháp luật, đây là trường hợp rủi ro bất khả kháng, bởi vậy, việc thanh lý hợp đồng và hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) sẽ được thực hiện theo đúng các quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) sẽ hoàn trả cho NLĐ phí môi giới theo nguyên tắc: Nếu chưa làm việc được thời gian hợp đồng thì hoàn trả 50%, nếu đã làm việc trên thời gian hợp đồng thì không hoàn trả. Thêm vào đó, DN sẽ trả lao động khoản phí dịch vụ thu trước (sau khi trừ những tháng đã làm việc). Ngoài 2 khoản lớn này, DN sẽ tính toán để hỗ trợ lao động tùy theo từng trường hợp và theo khả năng của DN.

Không chỉ NLĐ gặp khó khăn mà các DN đưa lao động sang Libya cũng bị thiệt hại nặng nề. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Nguyễn Lương Trào cho biết, từ khi xảy ra bất ổn tại Libya tới nay, các DN đã phải chi phí rất nhiều để đưa được lao động về nước và bảo đảm an toàn cho lao động còn bị mắc kẹt tại Libya cũng như các địa điểm sơ tán khác. Hơn thế, một số Cty còn cho NLĐ nợ tiền phí xuất cảnh. Trong số đó phải kể đến một số DN như: Cty Cổ phần Việt Thắng đã cho lao động nợ phí khoảng 4,5 tỷ đồng, Cty SoNa khoảng 3 tỷ đồng, Cty Cổ phần Việt - Nhật khoảng 5 tỷ đồng...

Các DN xuất khẩu lao động cho rằng, nếu như tình hình Libya hồi phục trở lại, cũng phải mất nhiều thời gian để ổn định tâm lý thì NLĐ mới sẵn sàng trở lại nước này. Trong đó, việc hỗ trợ NLĐ không may bị về nước trước hạn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là hết sức quan trọng nếu muốn khởi động lại thị trường này.

Còn nhớ, năm 2008 và 2009, những lao động bị về nước trước hạn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã không nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Do vậy, nếu như việc hỗ trợ lao động lần này không thỏa đáng sẽ khiến NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cảm thấy bất an, ảnh hưởng tới phong trào đi xuất khẩu lao động ở các địa phương.

Liên quan đến việc giải quyết thiệt hại cho lao động, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt tập trung lo sơ tán lao động về nước an toàn, sau đó mới tính tiếp đến phương án giải quyết hậu quả. “Nhưng, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các DN xuất khẩu lao động, sở LĐ-TB&XH các địa phương có lao động đi Libya phối hợp để hỗ trợ lao động về mặt tinh thần, đồng thời sớm làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho lao động trong vòng 2 tuần tới. Lao động nào có nhu cầu học nghề, học tiếng để đi thị trường lao động khác sẽ được ưu tiên”, ông Hải khẳng định.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, chắc chắn NLĐ sẽ được trợ giúp từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Mức hỗ trợ ra sao sẽ được Bộ LĐ-TB&XH xem xét, công bố cụ thể sau khi giải quyết xong vấn đề đưa tất cả lao động từ Libya trở về an toàn. Ngoài ra, NLĐ về nước sẽ được ưu tiên hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề trong vòng 12 tháng với lãi suất 0%...

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm