Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Cái gì cũng thiếu

Thứ sáu, 25/10/2013 - 11:25

(Thanh tra)- Khu tái định cư (TĐC) được xây dựng với tiêu chí “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” nhưng dân bất an, không muốn dọn về.

Khu TĐC đã được nghiệm thu, bàn giao nhưng chỉ là bãi đất hoang cho cỏ mọc. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Kỳ I: Ở lại nơi nhiễm xạ 

Vẫn phải trồng cấy trên đất nhiễm xạ

Vượt 25km đường bị băm xới tả tơi bởi xe chở quặng, chúng tôi mới đến được bản Hạ Thành, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn. Đây là nơi quần tụ lâu đời của đại bộ phận bà con người Dao. Chỉ 8 hộ của Hạ Thành có nhà gỗ lợp được ngói còn những hộ khác đều ở trong những nhà tạm bợ. 82 nhân khẩu trong bản, mỗi khẩu chỉ được hơn 200m2 ruộng. Mỗi hộ cũng chỉ có 0,5ha đất trồng sắn. Đất đai ít, canh tác lạc hậu cộng với phóng xạ, bệnh tật nên Hạ Thành ngày càng nghèo quay quắt và gần như cô lập với bên ngoài. 

Chúng tôi hỏi: “Sao dân không ra khu ở mới”, Trưởng bản Lê Văn Chiêu chẳng nghĩ ngợi nhiều, nói ngay: “Không ai ra vì ở đấy cái gì cũng thiếu”.

Ông Chiêu bộc bạch, khi được tham gia các buổi làm việc của Ban Quản lý (BQL) Dự án (D.A) công trình xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Thọ, ông thấy trong hồ sơ thiết kế khu TĐC còn nhà văn hóa, hồ điều hòa và 1 trường mẫu giáo. Khi khu TĐC được bàn giao và đưa vào sử dụng, tất cả các thứ ấy đều không có. Mặt bằng chỉ là bãi đất đồi đươc san ủi thấp xuống với vài đường giao thông nội bộ…Trưởng bản Hạ Thành Lê Văn Chiêu: “Khu TĐC thiếu nhiều thứ quá nên không ai muốn dọn về ở”. Ảnh Dương Thanh Tùng

Dân Hạ Thành sợ nhất là nơi ở mới không có nước sinh hoạt và đất sản xuất. Muốn duy trì cuộc sống, dân phải quay về nơi ở cũ cách khu TĐC khoảng 5km, sản xuất trên đất đai, đồng ruộng bị nhiễm xạ. Biết là nguy hiểm khi ăn củ sắn củ khoai, hạt gạo trồng trên đất nhiễm xạ, nhưng dân Hạ Thành không còn sự lựa chọn nào khác.  

Ông Chiêu và dân Hạ Thành trò chuyện với chúng tôi với vẻ mặt đầy lo lắng, ưu tư. Theo họ thì, “di dân ra khỏi vùng nhiễm xạ là một chương trình không được tính toán kỹ nên không được dân ủng hộ”. Phần lớn nhà cửa của dân Hạ Thành đều rất tạm bợ, để nguyên thì còn gọi là cái nhà nhưng dỡ ra sẽ thành đống củi mục. Không ai dựng được nhà bằng củi mục nên đến khu TĐC, chắc chắn sẽ chẳng  thể nào có chỗ chui ra chui vào. Biết nhiễm xạ nguy hiểm, vẫn phải ở lại nơi cũ - những người dân Hạ Thành nói với chúng tôi như thế.

Thiếu nước, thiếu  điện, thiếu đất sản xuất cũng là tình cảnh chung ở 4 khu TĐC thuộc xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập. 4 hộ dân đã vào ở khu TĐC 3A đều không có nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày, phải phụ thuộc vào nguồn suối tự chảy. Mùa Hè còn có mưa, nhưng mùa Đông, mưa ít, suối cạn, nước đâu ra mà dùng - dân lo lắng đặt câu hỏi. 

Trách nhiệm là của… cấp trên!

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung Khúc Văn Xuyên cho biết, xã có hơn 200 hộ nằm trong vùng thiên tai, lũ quét bắt buộc phải di dời ra 4 khu TĐC mới. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng hơn 50% số dân ra ở, số còn lại vẫn đang sinh sống tại nơi ở cũ. Xã đang vận động những hộ này sớm ra nơi ở mới, nhưng xem ra còn rất khó khăn do một số khu TĐC thiếu điện, nước và đất sản xuất… 

Chủ tịch UBND huyện Yên Lập Nguyễn Trường Sơn cho rằng, người dân không mặn mà với khu TĐC là do đã quen tại nơi ở cũ. Tại nơi ở  cũ, đất đai canh tác cũng rộng hơn gấp 3 - 4 lần so với khu TĐC. Hầu hết các khu TĐC đều không có hệ thống nước sạch sinh hoạt. Một số hộ đã ra khu TĐC nhưng không đào được giếng nên không muốn ở lại - ông Sơn nói.

Chúng tôi đã tìm đến BQL D.A công trình xây dựng NN&PTNT Phú Thọ và được ông Nguyễn Đức Lương - Trưởng ban - cho biết: BQL D.A tỉnh chỉ thi công hạ tầng cho các khu TĐC, trong đó có khu TĐC Hạ Thành. Việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, quy hoạch ra sao là của các ban, ngành khác. Những điều kiện “cần, có, đủ” như nước, điện, đất canh tác đều thuộc trách nhiệm của cơ quan cấp trên. BQL D.A chỉ biết nhận công trình, nhận tiền và thi công đúng chất lượng. Công trình xong, nghiệm thu, bàn giao là BQL D.A công trình xây dựng NN&PTNT tỉnh không còn trách nhiệm nữa!

Việc thiếu nước sinh hoạt của khu TĐC Hạ Thành được ông Lương giải thích, theo thiết kế ban đầu, sẽ tận dụng nguồn nước tự có (suối) để hút hay dẫn chảy vào các bể chứa. Tuy nhiên, khi xong mặt bằng và hạ tầng TĐC nguồn nước tự có theo thiết kế lại… cạn kiệt. Để giải quyết vấn đề này, BQL D.A công trình xây dựng NN&PTNT đã xin bổ sung kinh phí, với số tiền là 3 triệu đồng/hộ dân để họ tự đào lấy giếng. “Bất cứ hộ dân nào nếu ra nơi định cư thì Ban sẽ trả tiền đào giếng ngay”, ông Lương nói.

Trưởng bản Hạ Thành Lê Văn Chiêu cho rằng, nước sinh hoạt ở khu TĐC không khác gì đặt dân trước “việc đã rồi”. Ông Chiêu và rất nhiều dân Hạ Thành hiểu rành rẽ thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đồi núi khắc nghiệt. Số tiền 3 triệu đồng cấp bổ sung sẽ không đủ để đào bất cứ cái giếng nào trên vùng đất đồi khô cứng. Nước là thứ tối cần thiết cho đời sống hàng ngày. Không có nước thì chẳng ai dại gì vào khu TĐC - ông Chiêu khẳng định.

Dương Thanh Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm