Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế phục hồi chậm không giúp cải thiện việc làm

Thứ năm, 23/01/2014 - 12:46

(Thanh tra) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo mới nhất cho thấy, thất nghiệp tăng nhẹ ở Việt Nam trong năm 2013, cùng với tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương cao hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không thể cải thiện được thị trường lao động thế giới.

Theo Báo cáo xu hướng việc làm toàn cầu 2014, thất nghiệp toàn cầu trong năm 2013 đã gần chạm mốc 202 triệu người, tăng trưởng việc làm còn yếu, thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt nhóm lao động trẻ và một lượng lớn người có khả năng lao động vẫn nằm ngoài thị trường lao động. Nhiều khu vực đã tạo ra được lợi nhuận, nhưng phần lớn lợi nhuận lại được chuyển vào thị trường tài sản, không thuộc nền kinh tế thực, nên gây tổn hại không nhỏ đến triển vọng việc làm trong dài hạn. 

Theo xu hướng hiện tại, đến năm 2018 sẽ có thêm 200 triệu việc làm được tạo ra. Tuy nhiên, con số này thấp hơn con số cần thiết có thể đáp ứng số người mới gia nhập thị trường lao động đang ngày càng tăng. “Điều cần làm ngay lúc này chính là việc cải tổ lại chính sách. Cần nỗ lực hơn nữa để tăng tốc độ tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện điều này”, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh.

Triển vọng việc làm tại Việt Nam nhìn qua có vẻ khả quan. Điều tra lao động việc làm quý 4/2013 được Tổng cục Thống kê công bố hôm 20/1 với sự hỗ trợ của ILO, cho thấy số lượng việc làm nhiều hơn trước, tăng 862.000 việc làm (khoảng 1,7%) trong quý 4/2013 so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh nhất thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ở mức 4,8% so với năm 2012. Phần lớn việc làm mới được tạo ra thuộc khối dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. 

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 1,81% đến 1,9% so với cùng kỳ năm 2012, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên toàn cầu.

Báo cáo đã chỉ ra nhu cầu cấp bách giúp thanh niên tham gia vào lực lượng lao động. Khoảng 74,5 triệu người dưới 25 tuổi hiện thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu ở mức hơn 13%, nhiều hơn gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp thậm chí lớn hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trong nước nói chung, ở mức 5,95% trong quý 4/2013. Mặc dù tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều so với thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trẻ ở khu vực thành thị tiếp tục ở mức cao, hơn 11% trong giai đoạn này. 

Tại các nước đang phát triển, việc làm phi chính thức vẫn còn phổ biến. Theo báo cáo của ILO, tốc độ cải thiện chất lượng làm việc đang chững lại. Điều này có nghĩa là số người lao động có thể thoát nghèo giảm đi. Trong năm 2013, số người lao động sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, dưới 1,25 USD/ngày, chỉ giảm thêm 2,7% trên toàn cầu. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất suốt thập kỷ qua nếu không kể những năm bị khủng hoảng trực tiếp.

Việt Nam ghi nhận tốc độ gia tăng 2,2% trong nhóm việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm lao động tự làm hoặc lao động gia đình) trong quý 4/2013 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng số việc làm chỉ tăng 1,7%. Kết quả là, việc làm dễ bị tổn thương tại Việt Nam chiếm tới 62,1% tổng số việc làm. Con số này cao hơn nhiều so với mức chung của thế giới (47,7%).

“Đây là một chiều hướng đáng lo ngại. Nhiệm vụ tăng cường hệ thống an sinh xã hội và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang việc làm chính thức là rất cần thiết, giúp hỗ trợ giảm nghèo, tăng cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế”, Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhận định.

Ông Gyorgy Sziraczki cũng chỉ ra rằng, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo để công tác này đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, giúp lao động trẻ có được việc làm bảo đảm với năng suất lao động cao là những nhiệm vụ “hết sức quan trọng”.


Cũng theo báo cáo của ILO, với 23 triệu người trên toàn cầu ước tính đã rời khỏi thị trường lao động do chán nản và thời gian thất nghiệp ngày càng kéo dài, cần áp dụng triệt để hơn những chính sách tích cực về thị trường lao động để giải quyết tình trạng trì trệ và không đồng bộ giữa kỹ năng và yêu cầu công việc.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm