Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Huyền thoại một bến phà

Thứ ba, 11/02/2014 - 14:01

(Thanh tra) - Chiến tranh đã lùi xa, bến phà Địa Lợi nay không còn nữa. Nhưng những ký ức về nó thì vẫn còn in đậm bên dòng sông Ngàn Sâu và trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt.

Đường vào bến phà Địa Lợi giờ đây cỏ cây mọc um tùm hai bên. Ảnh: Bảo Quốc

Bến phà huyết mạch

Trong một chuyến công tác lên huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi đã may mắn được gặp ông Đặng Bá Hiệu (nguyên Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) - người chứng kiến sự ra đời và cũng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ bến phà Địa Lợi, bảo đảm huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Ông Đặng Bá Hiệu đã cùng với người dân huyện Hương Khê đương đầu với hàng ngàn “pháo đài bay” của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giữ vững bến phà Địa Lợi.

Năm 1952 - 1953, quân dân cả nước tích cực chuẩn bị vật tài cho chiến dịch Trung Lào. Để cho chiến dịch toàn thắng, Đảng ta đã có chủ trương mở những tuyến đường giao thông trọng điểm nhằm đảm bảo vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực ra tiền tuyến một cách thần tốc và an toàn nhất.

Chính từ đây, quốc lộ 15A đã trở thành một nút giao thông hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đoạn bắc qua sông Ngàn Sâu (thuộc địa phận xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) lại chưa có cầu. Trước tình thế đó, chính huyện Hương Khê đã giao cho dân quân xã Hương Thủy khẩn trương làm cầu phao để thông xe.

Nhờ có chiếc cầu phao, các đơn vị dân công hỏa tuyến, xe thồ đã vượt sông Ngàn Sâu một cách nhanh chóng, an toàn. Nhận thấy được tầm quan trọng của tuyến quốc lộ 15A, đặc biệt là chiếc cầu phao Địa Lợi, thực dân Pháp đã điều nhiều máy bay đến ném bom nhằm cắt đứt con đường huyết mạch.

“Tháng 2/1952, sau lần dội bom thứ nhất của thực dân Pháp, vào khoảng 15 giờ, đồng chí Phan Mỹ (Xã đội phó xã Hương Thủy) cùng với đồng chí Nguyễn Văn Toàn (Xã đội phó xã Hương Châu) ra kiểm tra mức độ hư hỏng của cầu phao Địa Lợi nhằm kịp thời sửa chữa, thì ngay lúc đó, chúng tiếp tục dội bom khiến hai đồng chí hi sinh”, ông Hiệu nhớ lại.

Bến phà Địa Lợi giờ chỉ còn lại là những ký ức. Ảnh: Bảo Quốc

Và trường kỳ chống Mỹ

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa ráo mực thì đế quốc Mỹ đã nhảy vào chiếm miền Nam và thực hiện đánh phá miền Bắc nhằm đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

Sau khi nhảy vào xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng trút hàng vạn tấn bom xuống mảnh đất Hà Tĩnh, bến phà Địa Lợi là một trong những địa điểm bị oanh tạc nhiều nhất. Trước tình thế đó, Đảng và Bác Hồ đã quyết định thay chiếc cầu phao bằng tre, nứa ở bến phà Địa Lợi thành một chiếc phà kiên cố, đường sá hai bên được mở rộng và bố trí người túc trực thường xuyên để thông xe ra tiền tuyến.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Địa Lợi và bến phà Địa Lợi đã trở thành trọng điểm đánh phá của B52 Mỹ. Bước vào giữa năm 1965, không quân Mỹ tăng cường bắn phá bến phà Địa Lợi khiến cho cầu phao Địa Lợi nhiều lần bị chìm. Để tránh ách tắc giao thông, nhân dân ba xã: Hà Linh, Phúc Đồng và Hương Thủy thuộc huyện Hương Khê đã kết hợp với các đơn vị giao thông mở thêm bến phà Địa Lợi B.

Dưới những trận mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ, như những con thoi, các chiến sĩ bảo vệ bến phà Địa Lợi đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc và đã bắn hạ được nhiều pháo đài bay của địch. “Khoảng 5 giờ sáng ngày 15/3/1967, nhiều tốp máy bay địch nối đuôi nhau bắn phá bến phà Địa Lợi. Nhờ được chuẩn bị tốt, các đơn vị pháo của chúng ta đã xuất sắc bắn cháy 3 chiếc máy bay chiến đấu và bắt sống hai tên giặc lái. Nhưng trong trận đánh này chúng ta cũng mất rất nhiều đồng chí”, ông Hiệu nghẹn ngào.

Trận đánh đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông Hiệu là Tết Mậu Thân năm 1968, khi nhiều tốp máy bay cùng lao đến bao vây Ngã ba Địa Lợi và oanh tạc từ bến phà A đến bến phà B. Trong trận đánh này, đế quốc Mỹ đã dùng đủ các loại bom kể cả bom từ trường nhằm phá hủy bến phà Địa Lợi. Tuy nhiên, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Hiệu cùng các chiến sĩ Công binh đã anh dũng chiến đấu với hàng trăm pháo đài bay không cho địch thực hiện được ý đồ của mình.

Hơn 30 năm trôi qua, bến phà Địa Lợi nay không còn nữa, nhưng những ký ức hào hùng về nó thì vẫn còn mãi in đậm bên dòng sông Ngàn Sâu. “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ, Tết, chúng tôi lại trở về thăm chiến trường xưa, vừa để ôn lại lịch sử oanh liệt của bến phà, vừa để tưởng nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống nơi đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc...”. Ông Đặng Bá Hiệu tâm sự.

Bảo Quốc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm