Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hồi sinh nơi tâm lũ

Thứ năm, 02/01/2014 - 08:00

(Thanh tra)- Là huyện miền núi có sông Ngàn Phố bắt nguồn từ giáp biên giới Việt - Lào rồi chảy suốt chiều dài của huyện, nên cứ vài ba năm, Hương Sơn, Hà Tĩnh, lại hứng chịu một trận lũ nặng nề. Trận lũ tháng 10/2013 vừa qua, Hương Sơn là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất khu vực với tất cả 100% xã, thị trấn bị ngập lũ; thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cơn lũ đi qua, cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và nhân dân cả nước, người dân tâm lũ Hương Sơn đã nhanh chóng gượng dậy gây dựng lại cuộc sống…

Các đoàn cứu trợ về với bà con Hương Sơn sau lũ. Ảnh: Xuân Thành

Trong bản đồ lũ lụt ở Hà Tĩnh, Hương Sơn luôn là địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Trận lũ tháng 10 vừa qua, tất cả các xã, thị trấn ở Hương Sơn đều ngập sâu trong lũ. Trên thượng nguồn, các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 thì lũ quét càn qua, cuốn trôi hết hàng ngàn tấn lương thực, hàng ngàn con gia súc, gia cầm, nhiều công trình hạ tầng và cả nhà cửa của người dân; vùng hạ huyện, nhiều xã như: Sơn Tân, Sơn Long, Sơn An, Sơn Mỹ, Sơn Thịnh… thì lũ  nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà và ngâm cả tuần mới rút hết nước. Bao nhiêu tài sản trong nhà, ngoài đồng của người dân đều ra sông ra biển. Hàng trăm người dân bỗng chốc trắng tay… Cả Hương Sơn tan hoang sau lũ với thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng… Rau màu của người dân Hương Sơn. Ảnh: Xuân Thành

Cơn lũ tàn khốc mới đi qua chưa lâu, nhưng hôm nay, tâm lũ Hương Sơn đã hồi sinh nhanh chóng đến không ngờ…


Trong cái giá lạnh của những ngày Đông, chúng tôi có dịp trở lại để tìm hiểu cuộc sống của người dân Hương Sơn, nơi mà cách đây chưa lâu là một cảnh hoang tàn do lũ phá. Dọc 2 bên quốc lộ 8A,  thay màu bạc phếch sau lũ, nay là một màu xanh ngút ngàn của những ruộng ngô, ruộng khoai và các loại rau màu đang chờ ngày thu hoạch. Đi sâu vào các làng, các xã, những công trình, đường sá sạt lở, hư hỏng, nay cũng được sửa sang lại đàng hoàng. Xa xa hơn nữa, trên những vườn đồi, cam bù đặc sản Hương Sơn đã vàng rộ, sẵn sàng phục vụ bán Tết. Trong tất thảy thôn, làng, đàn hươu, đàn trâu bò, lợn, gà… đã hồi sinh. Cuộc sống mới, hơi thở mới đang hiện hữu nơi tâm lũ Hương Sơn mang theo một dự cảm ấm no của một mùa Xuân tươi đẹp…

Người dân Hương Sơn trồng rau chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Xuân Thành

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ tâm sự rằng, không phải chỉ khách xa đến, mà chính những người lãnh đạo cốt cán như các anh cũng khó tin là quê hương mình hồi sinh nhanh đến như vậy. Suy nghĩ ấy không phải là tự ti, nhưng, nếu ai có tận mắt chứng kiến cảnh tan hoang từ đầu đến cuối huyện sau cơn lũ tháng 10/2013 vừa qua, thì mới biết rằng, sự hồi sinh như ngày hôm nay là điều không hề đơn giản.


Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thọ thông báo nhiều kết quả nổi bật của huyện, trong đó, nói nhiều về khắc phục hậu quả lũ lụt, đặc biệt là ổn định cuộc sống sinh hoạt, khôi phục sản xuất vụ Đông… Ông Thọ rất tự hào vì Hương Sơn quê mình luôn dẫn đầu toàn tỉnh, chiếm đến 2/3 diện tích sản xuất vụ Đông của tỉnh. Giờ, ông càng tự hào hơn, khi lũ phá hết 2.500ha ngô và rau màu vụ Đông, thì sau lũ, huyện đã khôi phục sản xuất, nâng diện tích vụ Đông lên đến 2.700ha. Hàng trăm ha rau, củ, quả đã bắt đầu cho thu hoạch; nhiều diện tích còn lại đang được bà con chăm sóc để bán dịp Tết. Nhìn màu xanh ăm ắp khắp đồng trên ruộng dưới, cũng đủ biết rằng, người dân Hương Sơn sẽ có cuộc sống ổn định nhờ những luống rau ngút ngát này…  

Hươu vàng Hương Sơn. Ảnh: Xuân Thành     Thắc mắc về việc bây giờ đã muộn lịch thời vụ, nhưng người dân vẫn trồng ngô Đông rất nhiều, ông Thọ cười, giải thích: “Cái hay của Hương Sơn là ở chỗ đó. Nếu mưa thuận gió hòa, sản xuất đúng thời vụ, thì vừa có sản phẩm ngô bông, ngô hạt, vừa có thân ngô, lá ngô phục vụ chăn nuôi. Nhưng bây giờ, lũ lụt phá hỏng, chậm thời vụ, chúng tôi lại trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Nhờ những đồng ngô non này mà đàn hươu, đàn trâu, bò phát triển được tốt hơn…”.


Nhân chuyện này, ông Thọ kể về chuyện con hươu và nghề nuôi hươu ở Hương Sơn. Ông cho biết, nuôi hươu là nghề truyền thống hàng trăm năm nay ở Hương Sơn. Hươu bây giờ là vật nuôi chủ lực của huyện. Toàn huyện có tổng đàn lên đến 30.500 con. Năm 2013, thu hoạch 8,2 tấn nhung và 10.000 con hươu giống, trị giá gần 150 tỷ. Nhiều gia đình đang trở nên giàu có nhờ nuôi hươu theo mô hình trang trại quy mô lớn. Số hộ có đàn hươu từ 10 - 50 con ở Hương Sơn bây giờ đếm không xuể. Các mô hình 50 con/hộ tuy mới nuôi vài năm nay, nhưng đều đã cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh nghề nuôi hươu, Hương Sơn còn tập trung phát triển mạnh nuôi trâu bò, lợn, gà… Đàn trâu bò hiện tại 31.500 con, đàn lợn 31.700 con, gia cầm 348.000 con… đưa lại một nguồn thu nhập đáng kể nhân dân; góp phần xóa đói giảm nghèo cực kỳ hiệu quả cho địa phương.

Đặc sản cam bù Hương sơn. Ảnh: Xuân Thành

Bên cạnh chăn nuôi, ông Thọ còn kể nhiều về hiệu quả của cây đặc sản cam bù Hương Sơn. Lần theo giới thiệu của ông, chúng tôi ghé về một số vùng xã miền núi để tham quan các trại cam bù đặc sản. Ghé vào các xã Sơn Trường, Sơn Mai… chúng tôi bị mê hoặc trước những trại cam bù vàng rộm trải dài tít tắp theo các sườn đồi. Cũng như hươu, cam bù Hương Sơn là loại cây đặc sản mà không nơi nào có được. Hàng trăm hộ gia đình ở Hương Sơn giàu lên từ cam bù, với thu nhập mỗi mùa hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều gia đình thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.  Ghé trại cam gần 6ha của anh Linh ở Sơn Mai, chúng tôi thật sự bị hút hồn bởi miên man cam bù đã đến kỳ vàng rộm. Tuy gia đình không tiết lộ, nhưng theo một cán bộ địa phương cho biết, năm nay, gia đình này thu nhập không dưới 3 tỷ đồng từ trại cam này. Cứ mỗi dịp gần Tết, khách thập phương lại về thu mua cam bù Hương Sơn để bán đi trăm ngả.  Các hộ trồng cam bù nhỏ lẻ khác, cứ dịp gần Tết lại cắt cam bù ra bán đầy 2 bên quốc lộ 8A. Nhìn những dãy cam bù bày bán dài 2 bên đường cũng cảm nhận được sự ấm no của người trồng cam bù Hương Sơn….

Cam bù Hương Sơn. Ảnh: Xuân ThànhThiên tai thì khốc liệt nhưng sức vươn của con người là bất diệt. Mới cảnh hoang tàn cách đây chưa lâu,nay quay lại Hương Sơn, đã căng tràn một sức sống mới. Trên cánh đồng xác xơ, màu xanh ấm no đã tràn ngập. Trên các sườn đồi, các vườn nhà của người dân Hương Sơn, màu vàng mọng của cam chanh,vàng rộm của cam bù cũng toát lên một màu no ấm. Trong các trang trại và ô chuồng chăn nuôi, đàn hươu vàng cũng đang đua nhau dâng đời những cặp nhung hồng tươi đầy sức sống… Những gam màu tươi sáng ấy đang hiện hữu trên đất trời Hương Sơn, đưa đến một cuộc sống ấm no đủ đầy cho người dân vùng rốn lũ vốn chịu nhiều cơ cực…

Đất trời Hương Sơn đang thực sự hồi sinh sau lũ dữ!

Nguyễn Xuân Thành

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm