Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy: Liệu có hoàn tiền cho dân?

Thứ năm, 16/07/2015 - 09:16

Liên quan đến đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy, nhiều người đặt ra câu hỏi, nên dừng thu phí hay tiếp tục? Số tiền thu từ trước tới giờ được chi vào bảo trì hạ tầng như thế nào? Liệu có tu sửa đường không? Những phương tiện đã được chủ xe nộp phí bảo trì sau khi dừng thu thì có hoàn lại tiền cho dân hay không?

Việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy gặp phải nhiều khó khăn và bất cập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Để làm rõ vấn đề trong công tác thu phí đường bộ xe máy này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Người nộp, người không!

- Lý do gì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng kiến nghị lên Chính phủ dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Minh: Để thực hiện chính sách của Chính phủ triển khai thu phí bảo trì đường bộ xe máy và ôtô, các địa phương thành lập các quỹ bảo trì đường bộ địa phương thực hiện công tác thu phí xe máy.

Đến thời điểm này, 63 quỹ bảo trì đường bộ địa phương thành lập và ban hành mức thu xe máy và đã triển khai thu. Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu từ ngày 1/7/2015 nhưng theo một số thông tin trên báo chí có nói thành phố có ý định dừng việc thu phí xe máy, còn văn bản chính thức thì chưa có.

Trước sự bức xúc của người dân và những ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu lấy ý kiến các địa phương về tình hình thu phí xe máy, những khó khăn mà địa phương đang gặp phải và ý kiến của từng địa phương là nên dừng hay tiếp tục.

Đối với việc này vì sao Hội đồng quỹ họp và có ý kiến đề nghị dừng thu phí xe máy bởi trong cuộc họp ngày 14/7 vừa qua, có nhiều ý kiến của các bộ, ban, ngành liên quan đề nghị tiếp tục nghiên cứu và hỏi thêm các địa phương khi tổng hợp đủ và trên cơ sở đó để báo cáo Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến tiếp tục thu và không phải chính sách nào ban hành cũng nên dừng lại ngay mà phải có thời gian đánh giá.

Khi chúng tôi tổng hợp lại ý kiến các địa phương, mặc dù hầu hết các tỉnh, thành đều kiến nghị tiếp tục thu bởi nguồn thu này sẽ góp phần bảo trì đường bộ cho địa bàn trong khi nhu cầu bảo trì đường bộ tối thiểu so với nguồn vốn địa phương chỉ đáp ứng khoảng 30-40%. Riêng có Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thành phố có nguồn thu ngân sách lớn, nguồn thu từ xe máy không đáng kể nên họ không muốn thu.

Tuy nhiên, ngoài 2 thành phố trên thì Đà Nẵng và Khánh Hoà cũng dự kiến sẽ dừng thu phí xe máy.

- Theo ông, các địa phương có đang sử dụng nguồn kinh phí này hiệu quả hay không?

Ông Lê Hoàng Minh: Tôi đánh giá rằng các địa phương đang sử dụng nguồn kinh phí này rất hiệu quả. Nói đơn giản, một con đường chỉ cần bỏ ra vài tỷ hoặc vài trăm triệu đồng là đã làm đường êm thuận. Địa phương thu 5-10 tỷ đồng/năm thì họ sẽ sửa chữa được rất nhiều tuyến đường.

Nguồn tiền thu được quản lý rất chặt chẽ, được gửi ở kho bạc và chi theo quy định, nếu chi không đúng, kho bạc sẽ dừng lại ngay nên dù thu được một đồng cũng phải chi có hiệu quả.

- Nhiều địa phương mong có nguồn thu để sửa đường. Tuy nhiên, công tác thu phí cũng đang gặp các khó khăn, bất cập trong cách thu vì chưa có chế tài, phần lớn trông chờ ở sự tự giác của người dân. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Lê Hoàng Minh: Thực tế, v​iệc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đang gặp nhiều khó khăn do chế tài chưa đủ mạnh và chưa rõ ràng nên có hiện tượng người nộp, người không nộp nên người dân cảm thấy không công bằng.

Ngoài ra, khi giao quyền chủ động thu cho địa phương thì mỗi địa phương lại ban hành một loại phiếu thu khác nhau, dẫn đến việc không thuận lợi cho người nộp phí, người dân không biết phải cầm những giấy tờ gì ra đường.

Cá biệt, mô hình thu của các địa phương chưa đồng bộ, có nơi giao cho phường xã, nơi giao cho thôn xóm, càng xuống thấp bản thân những người đi thu phí cũng không nắm được chính sách của Nhà nước để phổ biến cho người dân nên người dân không nộp tiền.

Theo thống kê, mức thu hiện nay ngày càng sụt giảm so với yêu cầu. 

Cụ thể, khi thành lập Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ/năm với xe máy nhưng năm 2013 chỉ thu được 520 tỷ (đáp ứng khoảng 20%), năm 2014 thu khoảng hơn 500 tỷ, đến tháng 6/2015 mới thu được khoảng 180 tỷ (khoảng 7%).

Vừa rồi, các đoàn Đại biểu Quốc hội và người dân, báo chí đa phần không ủng hộ duy trì việc thu phí nên Hội đồng Quỹ đã họp và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng Bảy này về việc dừng thu phí đường bộ đối với xe máy.

Có hoàn trả tiền thu phí cho dân?

- Đối với những tỉnh đã thu phí bảo trì đường bộ xe máy thì liệu có hoàn trả cho người dân sau khi dừng thu?

Ông Lê Hoàng Minh: Phí bảo trì đường bộ xe máy không thu về quỹ Trung ương mà các địa phương tự thu và tự chi. Địa phương thu chi để bảo trì đường bộ nhưng các tỉnh, thành đều kêu rất khó khăn. Đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bảo bỏ thu nhưng vẫn có văn bản đề nghị quỹ hỗ trợ tiền để bảo trì đường.

Việc dừng thu là việc của địa phương. Nếu dừng thu thì khẳng định là hiện tại chưa có chính sách dừng, có dừng hay không còn chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu dừng thì sẽ thuộc trách nhiệm của địa phương sau đó Quỹ bảo trì Trung ương cũng như Bộ Giao thông Vận tải sẽ có ý kiến để người nộp phí và cơ quan Nhà nước có sự đồng thuận, đảm bảo sự công bằng cho người dân.

- Nếu không thu phí bảo trì đường bộ xe máy, bài toán nguồn vốn của địa phương bố trí sửa chữa đường xá, hạ tầng giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Lê Hoàng Minh: Một năm Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phải bảo trì 18.000km đường Quốc lộ với kinh phí khoảng 20.000 tỷ/năm. Trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 tỷ, trong đó 3.000 tỷ từ thu phí ôtô, 3.000 tỷ từ ngân sách Nhà nước như vậy mới đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu.

Địa phương cũng vậy, mỗi năm có khoảng 300.000km đường từ cấp tỉnh trở xuống cần bảo trì, nhu cầu lớn nhưng kinh phí cũng chỉ đáp ứng khoảng 30-40%/năm nên việc dừng thu phí xe máy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo trì.

Địa phương nào dự kiến dừng thu thì địa phương đấy phải chịu trách nhiệm về con đường địa phương đó quản lý, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, ngân sách tỉnh phải tự bỏ ra để sửa chữa.

Trước kia, khi chưa có Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, chúng tôi vẫn gửi sang Bộ Tài chính nhu cầu khoảng 15.000-18.000tỷ/năm cho việc bảo trì đường bộ nhưng Bộ Tài chính cũng chỉ đáp ứng khoảng 2.000-2.500 tỷ/năm.

Đối với việc thu phí xe máy để bảo trì đường bộ, nếu tiếp tục làm sẽ phải thay đổi nhiều thứ vì chính sách phải thay đổi theo thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chính sách đó chưa đi vào cuộc sống, chưa được sự đồng thuận của người dân thì chúng ta cần nghiên cứu điều chỉnh, thậm chí là dừng lại.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

Theo Việt Hùng/Vietnam+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm