Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đào tạo, thu hút nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng

Thứ năm, 11/07/2013 - 21:31

(Thanh tra) - Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Phó Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thảo Nguyên

Chỉ tiêu 1.200, tuyển được... 14

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Vũng Áng đến 2015 là trên 67.000 người. Tính đến 30/6/2013, đã có 12.465 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng, trong đó có 5% là người nước ngoài (chủ yếu làm việc cho các nhà thầu).

Nhu cầu nguồn nhân lực tại Khu Kinh tế Vũng Áng là rất lớn, song công tác đào tạo nguồn nhân lực (nhất là đào tạo trình độ đại học) chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Trong năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao chỉ tiêu và phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định cơ chế tuyển sinh đại học đặc thù đối với 1.200 chỉ tiêu cho Khu Kinh tế Vũng Áng. UBND tỉnh đã giao cho Trường Đại học  Hà Tĩnh làm đầu mối với các trường đại học trong cả nước tuyển sinh, nhưng kết quả chỉ tuyển được 14 chỉ tiêu là sinh viên, đang học ngành Xây dựng tại Trường Đại học  Vinh.

Lý giải việc thu hút nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cho rằng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, một số ít doanh nghiệp điều chỉnh, giãn tiến độ đầu tư nên nhu cầu và thực trạng sử dụng lao động hiện nay chưa sát với các số liệu điều tra, dự báo ban đầu. Không ít doanh nghiệp lại chưa đưa ra lộ trình tuyển dụng cụ thể; các cơ sở đào tạo còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhận lực lại chưa đủ mạnh và hấp dẫn....

Tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các nhà doanh nghiệp đã nêu lên nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cho hay, rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay, tỉnh đã quyết định có chính sách hỗ trợ đối với sinh viên có hộ khẩu thường trú  tại tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 50% học phí trong khóa học; 100% tiền ở ký túc xá hàng tháng. Đối với các trường được giao đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng được hỗ trợ kinh phí đào tạo (ngoài học phí) tính cho sinh viên cả 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình. Theo tính toán, nếu tuyển đủ  1.200 chỉ tiêu thì kinh phí dự kiến là 12 tỷ /năm.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư  Nguyễn Thế Phương, không chỉ có đào tạo mà cần xây dựng chính sách khác, đặc biệt là tiền lương để thu hút lao động ở các tỉnh xung quanh, đồng thời chú ý đến các chế độ  bảo hiểm, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, bệnh viện cho lao động đến làm việc tại đây...

Các ý kiến cũng đề nghị các cơ sở đào tạo cần chú trọng đào tạo các chuyên ngành như: Điện, cơ khí, hóa lỏng… và phải đào tạo từ thực tiễn chứ không đào tạo theo lý thuyết. Khi doanh nghiệp tuyển người thì người lao động phải đáp ứng được công việc đơn vị, chứ không để doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Chủ động rà soát, đào tạo, thu hút nhân lực

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận công tác đào tạo và bảo đảm nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng đã được các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh, các cơ sở đào tạo triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều chính sách đã được Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh ban hành tạo tiền đề quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu Kinh tế Vũng Áng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp với các doanh nghiệp rà soát nhu cầu nhân lực, định kỳ hàng quý cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo. Các cơ quan chức năng rà soát lại các thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đối với việc phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm đến với người dân; giới thiệu và triển khai các mô hình các trường đào tạo gắn với doanh nghiệp thu hút nhân lực về Khu Kinh tế Vũng Áng làm việc; xây dựng phương án đào tạo ngoại ngữ cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần triển khai quyết liệt quy hoạch xây dựng chung, có phương án chuẩn hóa hệ thống nhà dân của người dân địa phương cho ở trọ, có kiểm tra quản lý, bảo đảm yêu cầu tối thiểu đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động. Đồng thời, rà soát lại và tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền để thu hút học sinh, sinh viên tốt nghiệp, lao động có hộ khẩu thường trú tại Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận về làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng; khuyến khích học sinh theo học các ngành nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của Khu Kinh tế Vũng Áng.

Phó Thủ tướng lưu ý: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước rất khó khăn, trong những năm tới, tỉnh Hà Tĩnh, các cơ sở đào tạo cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cấp cho công tác đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực; bàn giải pháp tăng tỷ lệ sinh viên đã qua đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc.

 Khu Kinh tế Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích quy hoạch là 22.781 ha và là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

Hiện tại, Khu Kinh tế Vũng Áng có trên 226 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh, trong đó có 77 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 26 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 28 dự án đang triển khai xây dựng các hạng mục công trình. 


Việc thu hút, đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng đã được sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng của Chính phủ, các bộ, tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ năm 2010 đến năm 2013 là 832 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 560 tỷ đồng, tỉnh 204,3 tỷ đồng, nguồn khác 68,1 tỷ đồng) và ngân sách chi cho sự nghiệp đào tạo từ năm 2010 đến 2012  của tỉnh là trên 164 tỷ đồng, tăng hàng năm

Thảo Nguyên

.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm