Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 25/02/2014 - 14:05
Liên quan đến trụ cầu Vĩnh Tuy đã xuất hiện những vết nứt dọc kéo dài từ chân trụ H22 (ký hiệu trên bản vẽ là T22) lên đến cầu khoảng 20m, đại diện các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trụ cầu nứt không chỉ do co ngót bê tông mà còn nhiều nguyên nhân khác tác động đến.
Vết nứt dọc trụ cầu Vĩnh Tuy không chỉ do nguyên nhân co ngót bê tông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ngay sau khi phát hiện vết nứt tại trụ cầu Vĩnh Tũy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có báo cáo gửi Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và đơn vị này nhận định, vết nứt trụ cầu theo đánh giá ban đầu nguyên nhân có thể do co ngót bê tông, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ, vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn nhưng cần phải theo dõi.
Đề cập đến chất lượng thi công công trình, ông Nguyễn Quang Tuýnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thăng Long-đơn vị thi công các trụ cầu này cho rằng, trong quá trình triển khai thi công, nhà thầu đã tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy trình, quy phạm.
Khi công trình hoàn thành được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu đầy đủ. Công trình được bàn giao khai thác từ năm 2009 và đã hết hạn bảo hành từ lâu.
“Một cây cầu lớn như vậy mà chỉ quan sát bằng mắt thường rất khó đánh giá, phải để cơ quan chuyên môn dùng máy ‘siêu âm’ kiểm định, xem nứt bao nhiêu; chiều dài, chiều rộng, chiều sâu cụ thể như thế nào mới biết được,” ông Tuýnh khẳng định.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông đưa ra quan điểm phản bác lại nguyên nhân sơ bộ mà Sở Giao thông Vận tải đưa ra là trụ cầu Vĩnh Tuy nứt là do co ngót bê tông.
Đưa ra chính kiến của mình, phó giáo sư Nguyễn Phi Lân, Trưởng khoa Cầu-Đường, Đại học Xây dựng thẳng thừng loại trừ khả năng gây nứt do co ngót bê tông.
Lý giải về quan điểm trên, ông Lân đánh giá, hiện tượng trụ cầu Vĩnh Tuy co ngót bê tông chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Vì vậy, ông Lân đưa ra câu hỏi, cầu bị nứt do co ngót bê tông cần phải đặt câu hỏi tại sao trụ cầu không bị nứt từ những năm đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến 5 năm sau mới bị nứt? Và tại sao những trụ cầu khác không bị nứt mà chỉ có trụ đó bị nứt?
“Vết nứt ấy có rất nhiều nguyên nhân không chỉ là do co ngót bê tông mà còn có khả năng do chịu tải của trụ cầu yếu và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến.
Tuy nhiên, để đánh giá chính xác phải theo dõi trong thời gian dài xem vết nứt tiếp tục phát triển hay không,” ông Lân khẳng định.
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Xuân Cậy, Trưởng Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, để xác định chính xác nguyên nhân có đúng với kết luận của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hay không cần phải xem xét, giám định cụ thể.
Trước dư luận nêu ra ý kiến trụ cầu Vĩnh Tuy nứt có thể do đơn vị thi công đã xây gạch bên trong, ông Bùi Xuân Cậy hoàn toàn bác bỏ giả thiết này.
“Không có chuyện chủ đầu tư và đơn vị thi công xây bằng gạch ở trong. Một công trình mang tầm cỡ quốc gia như thế làm gì có chuyện xây bằng gạch. Muốn biết kết cấu có bị sao hay không thì phải đo, ‘thăm khám’ mới biết được nguyên nhân cụ thể,” ông Bùi Xuân Cậy nói.
Theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, để tìm nguyên nhân nứt trụ cầu, các cơ quan chức năng cần phải có cách tiếp cận chặt chẽ và khoa học về cấu tạo, tính chất hoạt động của kết cấu cũng như lịch sử thi công và khai thác sử dụng của cây cầu.
“Vết nứt dọc trụ cầu là biểu hiện bất thường. Đây là trụ bê tông rỗng, dạng nứt dọc có vẻ không phải dọc chịu lực thông thường. Cần thiết phải thành lập đơn vị kiểm định, sử dụng phương tiện kỹ thuật để ‘siêu âm’, tìm ra nguyên nhân sớm nhất. Đặc biệt, khi chưa tiến hành kiểm định mà kết luận do co ngót bê tông là hơi vội vàng và chưa thể khẳng định ngay được,” ông Trần Chủng cho hay.
Đánh giá về hướng xử lý vết nứt bằng việc bơm keo mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất, các chuyên gia giao thông phân tích, việc xử lý bằng công nghệ bơm keo sẽ rất tốn kém, có những chiếc cầu bị nứt khi sử dụng bằng công nghệ bơm keo có tổng kinh phí bằng với tổng kinh phí xây dựng trụ cầu (ví dụ như cầu Bãi Cháy).
“Việc bơm keo mà không còn xuất hiện nứt thì không sao, nếu vẫn tiếp tục nứt thì bơm keo không có tác dụng bởi keo chỉ có tính chất kết dính chứ không có tác dụng liên kết, chịu lực,” các chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Đặt câu hỏi đến vấn đề trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt như vậy thì kinh phí sửa chữa khắc phục sẽ do đơn vị nào chịu trách nhiệm, ông Trần Chủng cho biết: “Nếu công trình vẫn đang trong thời gian bảo hành thì nhà thầu phải bỏ kinh phí, còn nếu hết thời hạn bảo hành thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm ‘rút’ tiền túi ra sửa chữa”.
(VIETNAM+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà