Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo trì đường bộ: Vốn thiếu, công nghệ yếu

Thứ năm, 31/03/2011 - 07:40

(Thanh tra)- Quản lý, bảo trì, bảo dưỡng công là giai đoạn dài nhất của dự án (D.A) giao thông sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, vừa thiếu vốn, vừa yếu về công nghệ khiến cho mắt xích cuối cùng là khâu quản lý, bảo trì còn nhiều khó khăn.

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Nam cho biết, phát triển, nâng cao chất lượng mạng lưới đường bộ là nhiệm vụ khó khăn cần phải phấn đấu thực hiện. Nhưng, giữ cho mạng lưới đó không bị hư hỏng, xuống cấp càng khó khăn hơn nhiều lần. Thực tế cho thấy, đầu tư để bảo trì đường bộ có hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với đầu tư nâng cấp, cải tạo; đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục trong suốt quá trình khai thác, sử dụng công trình. Việc kéo dài tuổi thọ cho các công trình đường bộ còn giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tránh lãng phí. Giảm áp lực xã hội do phải đầu tư phát triển quá nhiều, không đủ kinh phí. 

Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp dành cho quản lý và bảo trì đường bộ còn hạn chế. Hầu hết được bố trí rất thấp không đáp ứng được nhu cầu. Có địa phương không bố trí hoặc sử dụng không hiệu quả. Việc bảo dưỡng đường bộ, nhất là đường giao thông nông thôn chưa được quan tâm, chỉ chú trọng đến nâng cấp cải tạo, đầu tư làm mới mà chưa chú ý bảo dưỡng các tuyến đường. 

Mạng quốc lộ trên địa bàn cả nước hiện có 93 tuyến với tổng chiều dài khoảng 16.758km và 4.239 cầu với chiều dài 144.539m. Mặc dù vậy, vốn bảo trì cho hệ thống quốc lộ này tính trong năm 2009 chỉ hơn 2.029 tỷ đồng. Năm 2010 có tăng lên hơn 2.541 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với thực tế nguồn vốn này vẫn rất thấp. 

Theo Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT, quản lý, khai thác, bảo trì công trình là giai đoạn dài nhất của D.A giao thông. Đây chính là giai đoạn đánh giá hiệu quả thực sự cũng như bộc lộ những khiếm khuyết của bước thực hiện đầu tư. Thông thường, các nhà thầu xây dựng luôn hướng đến lợi nhuận cao nhất có thể đạt được. Do vậy, các khiếm khuyết trong quá trình xây dựng chủ yếu bộc lộ sau khi hết hạn bảo hành. Khi đó, các khiếm khuyết sẽ do các tổ chức quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng phải gánh chịu và phải lấy từ vốn sự nghiệp kinh tế ra để khắc phục. 

Mặc dù quản lý, vận hành, bảo trì có ý nghĩa hết sức quan trọng, tuy nhiên, kinh phí cho việc làm này lại rất ít ỏi. Theo Bộ GTVT, hiện tại, vốn cho bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông do ngân sách Nhà nước cấp chỉ bằng khoảng 50% nhu cầu thực tế. Đối với vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải do phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính thì Bộ GTVT mới giao kế hoạch cho các cục quản lý chuyên ngành nên rất chậm và ảnh hướng nhiều đến tiến độ, chất lượng thực hiện sửa chữa định kỳ. 

Việc thực hiện quản lý, bảo trì hiện nay cũng chưa đồng bộ, tại nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng. Đối với các tuyến quốc lộ do các khu quản lý đường bộ thực hiện thì việc bảo trì suôn sẻ và thuận lợi hơn, Còn đối với những tuyến ủy thác cho địa phương thì chưa đồng đều. 

Những đơn vị đường bộ khi chuyển đổi mô hình cũng rất khó khăn bởi liên quan nhiều đến nhiệm vụ công ích, trong khi những Cty này đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lĩnh vực bảo trì đường bộ hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ. Các công nghệ mới thường chỉ được áp dụng vào giai đoạn đầu tư thi công mà ít khi đưa vào bảo dưỡng, bảo trì. Chính vì vậy, thực hiện quản lý, bảo trì hiện nay chủ yếu dựa vào thủ công, chắp vá. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc vừa thiếu vốn, vừa yếu về công nghệ khiến cho mắt xích cuối cùng là khâu quản lý, bảo trì còn là bất cập lớn. Việc vận hành bảo trì kém khiến cho các công trình có tuổi thọ ít, kém hiệu quả cũng không khó để lý giải. Thời gian tới, nếu không cải thiện được điều này, việc tăng cường chất lượng công trình giao thông tại tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư D.A cũng sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa.

Theo quy định của Nghị định 209/2009/NĐ-CP, các công trình xây dựng sau khi hoàn thành chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi được chủ đầu tư (CĐT) nghiệm thu. Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác phải bao gồm: CĐT, nhà thầu thi công xây dựng và đơn vị thiết kế công trình. Tuy nhiên, nếu CĐT xây dựng công trình không đồng thời là chủ sở hữu công trình sau này thì không được tham gia nghiệm thu. 

Hơn nữa, trong quá trình thực hiện D.A, các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cũng chưa đề cập tới sự tham gia của chủ sở hữu sau này. Đây chính là một bất cập lớn, tác động không nhỏ tới việc quản lý bảo trì sau khi D.A hoàn thành.

Nam San

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm