Ngày 12/8, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin về kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT trong năm học vừa qua.

Theo ông Cương, năm học qua, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát hệ thống trường học trên địa bàn TP đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tính đến tháng 6, toàn TP có 2835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học.

Toàn ngành đã triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ 1.233 cán bộ giáo viên hơn 4 tỉ đồng.

Trao hơn 10.000 thiết bị học trực tuyến trị giá hơn 30 tỉ đồng. Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm.

Năm 2022, Hà Nội có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1.464 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được quan tâm thực hiện.

Tính đến tháng 6, tỉ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 64,3%. Trong đó, trường công lập đạt 79%. TP cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5ha…

Để chuẩn bị cho năm học mới, ông Trần Thế Cương kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép TP quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục do Hà Nội có nhiều trường số lượng học sinh quy mô lớn.

Ông Trần Thế Cương bày tỏ thêm: Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó.

Điều này gây khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội, chẳng hạn như với một số trường chuyên, một số trường trọng điểm Quốc gia, đặc biệt là những trường có 45 lớp học trở lên. Số trường này chiếm tỷ lệ rất lớn trong các cơ sở giáo dục ở Hà Nội.

"Do chỉ có tối đa 2 phó hiệu trưởng, các trường này gặp khó khăn trong hoạt động. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ xem xét lại nội dung này. Nên chăng cho phép những trường có 45 lớp trở lên được phép có 3 phó hiệu trưởng" - ông Cương đề xuất.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị, Chính phủ cho phép ký hợp đồng lao động trong lúc chờ tuyển biên chế với nhân viên làm công tác chuyên môn như cán bộ y tế, thư viện trường học, nhân viên thiết bị, văn thư, tâm lý học đường... do hiện nay Chính phủ chưa cho phép ký hợp đồng lao động với đối tượng này.

Người đứng đầu ngành Giáo dục Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn TP và một số quận nội thành học sinh có nhu cầu học tập rất lớn. Từ đó dẫn tới tình trạng một số trường, địa bàn quá tải về quy mô trường lớp khiến dư luận quan tâm.

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị, Bộ GD&ĐT cùng phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn Quốc gia.

Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao.

Hải Hà