Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 340.000 lượt, tương đương thời điểm trước khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. So với 3 ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (9-11/4), lượng khách dịp này đã cao hơn 250.000 lượt khách, gấp 2,6 lần.

Sau hàng loạt các chương trình, sự kiện du lịch như “Carnaval Hạ Long 2022”, “Festival áo dài 2022”, bước vào “mùa vàng du lịch” hè 2022, Quảng Ninh ghi dấu ấn sâu đậm với du khách trong và ngoài nước khi tổ chức thành công sự kiện SEA Games 31.

Với “sức hút” riêng của mình, trong 5 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến với Quảng Ninh ước đạt 4,3 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 8.900 tỷ đồng, hoàn thành và vượt trước chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 8%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2021.

Bước sang quý III/2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách. Để thu hút du khách trong dịp hè, Sở Du lịch tập trung làm mới các sản phẩm, phát triển các loại hình như du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch chăm sóc sức khỏe, trong đó, tập trung khai thác các giá trị văn hoá ẩm thực cũng như giá trị các di sản.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch sinh thái, đa dạng trải nghiệm và khai thác tốt loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…). Ngoài ra, chủ động áp dụng công nghệ vào hoạt động du lịch, khuyến khích các đơn vị tham gia vào các nền tảng du lịch trực tuyến, tạo điều kiện cho du khách tra cứu thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán trực tuyến.

Cùng với chính sách kích cầu, làm mới các sản phẩm du lịch của tỉnh, các địa phương trong tỉnh cũng đang nỗ lực thay đổi, khai thác lợi thế và tiềm năng để phục vụ du khách.

Điển hình như tại Vân Đồn - địa phương có thế mạnh với loại hình du lịch biển đảo, huyện cũng đã chủ động thực hiện tốt việc đảm bảo môi trường du lịch an toàn, bình ổn giá cả tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng phục vụ du khách.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng mô hình sản phẩm du lịch đêm trên vịnh Bái Tử Long; quan tâm lắp đặt mở rộng hệ thống wifi miễn phí tại khu vực bến tàu du lịch, điểm du lịch Quan Lạn - Minh Châu.

Theo định hướng của tỉnh, huyện tiếp tục triển khai đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường, phát triển du lịch thế mạnh của huyện như du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm, văn hóa ẩm thực...

Còn tại huyện vùng cao Bình Liêu - địa phương thu hút khách với du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khám phá… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch mùa hè gắn với các hoạt động, chương trình như: Leo núi, giới thiệu, trải nghiệm thiên nhiên biên giới, văn hóa, bản sắc dân tộc Tày, Dao, tắm thác Khe Vằn, bóng đá nữ...

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, sau dịch Covid-19, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp và địa phương đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, cho ra đời những sản phẩm du lịch mới, đem đến những tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch và giúp du khách an tâm.

“Thay vì chỉ quan tâm đến giảm giá dịch vụ đơn thuần, giờ đây, du khách đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch có chiều sâu về chất lượng, đa trải nghiệm, về với thiên nhiên... Việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu của du khách được xem là điều kiện để du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển bứt phá” - ông Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.

Trọng Tài