Ngày 4/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo Quy hoạch Hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, triển khai thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013, trong giai đoạn vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đáng ghi nhận.

Thời điểm năm 2019, các chỉ tiêu về lượng khách, tổng thu du lịch đã vượt xa các chỉ tiêu dự báo của quy hoạch đã được phê duyệt với các con số là 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và 755 nghìn tỷ đồng. Hệ thống sản phẩm du lịch đã từng bước được hình thành rõ nét theo các định hướng quy hoạch. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ ở các đô thị, các trọng điểm du lịch và đặc biệt là dải ven biển. Hoạt động du lịch sôi nổi, diễn ra quanh năm ở khắp các địa phương.

Hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương cũng không ngừng được đổi mới và hoàn thiện cùng sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của hệ thống doanh nghiệp du lịch đã tạo thành sức mạnh tổng thể để thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch trên phạm vi cả nước, tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Việt Nam tuy đã có sự phát triển theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập, nhiều khó khăn và điểm nghẽn chưa có giải pháp thỏa đáng, chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước; phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.

Nhằm tiếp tục phát huy các nền tảng phát triển ở các giai đoạn quy hoạch trước, nắm bắt bối cảnh với những cơ hội và các khó khăn thách thức, ngành Du lịch Việt Nam cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cũng như làm nền tảng vững chắc cho các định hướng phát triển du lịch tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Theo đó, Dự thảo Báo cáo Quy hoạch Hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, tăng chất lượng và khả năng cạnh tranh. Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa.

Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; gắn kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực và liên kết giữa các vùng, các địa phương và với quốc tế. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo; phát huy yếu tố con người Việt Nam; bảo vệ môi trường, ứng phó linh hoạt và hiệu quả với rủi ro, biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Dự thảo cho biết, 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong giai đoạn này là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị.

Trong đó, du lịch biển đảo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế như Hạ Long, Lăng Cô, Vĩnh Hy, Nha Trang, Cam Ranh… và các đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý…

Trong đó, ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh, đảo Phú Quốc và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhằm tạo dựng thương hiệu và vị thế cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới, gồm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao. Trong đó du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP. Du lịch thể thao gắn với thể thao biển, thể thao mạo hiểm, du lịch golf. Du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp tài nguyên tự nhiên từ khí hậu, nguồn khoáng nóng... và các bài thuốc, liệu pháp y học cổ truyền.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến góp ý cho việc hoàn thiện quy hoạch như việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; chính sách quản lý, phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại Việt Nam; vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch; việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khoẻ, du lịch thể thao; gắn phát triển du lịch với chuyển đổi số, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia trong phát triển du lịch...

 

Thái Hải