Nhiều ý kiến về chất lượng xe buýt

Nhiều video, hình ảnh được người dân ghi lại, tài xế xe buýt cố tình vi phạm an toàn giao thông (ATGT), ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy trên vỉa hè, chèn ép các phương tiện khác... gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra khiến người dân bức xúc. 

Như trường hợp mới đây, xe buýt tuyến số 29 (Chợ nông sản Thủ Đức - Phà Cát Lái) biển số 51B-084.96, chạy trên đường Tô Ngọc Vân hướng từ ngã tư Gò Dưa ra Phạm Văn Đồng, khi đến trước cây xăng Tam Bình thì lấn qua làn đường ngược chiều tông vào hai xe đang chạy theo hướng ngược lại. Sau đó tài xế xe buýt đánh lái trở lại bên phải thì va tiếp một xe máy khác chạy cùng chiều. Hậu quả tai nạn làm một người thương nặng và xe máy trong tình trạng bể nát, biến dạng, hai người còn lại bị trầy xước.

Hay trường hợp xe buýt số hiệu 81 (chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn - Lê Minh Xuân) lưu thông sai làn đường. Dù đèn đỏ tại ngã tư Trần Văn Giàu - Thanh Niên còn hơn 20 giây, xe này vẫn ngang nhiên vượt với tốc độ cao, sự việc xảy ra mới đây, đã được người dân ghi lại khi giao lộ có đông đúc người và phương tiện lưu thông qua lại.

Chị Nguyễn Thị Lan, quận Tân Bình, TP HCM bức xúc: “Xe buýt khi muốn tấp vô là tấp thôi, bật đèn xi nhan cái là tấp vô liền, tài xế rất hay vượt ẩu, luồn lách vượt trái dù không đủ điều kiện, kính chiếu hậu xe ô tô của tôi đã có lần bật ngửa vì xe buýt cố tình vượt trái chèn ép”.

Ở góc nhìn khác, bạn Nguyễn Minh Quân (quận 3, TP HCM) đang là sinh viên và thường xuyên sử dụng xe buýt đi học chia sẻ: “Các tuyến xe buýt kết nối với trường đại học là rất cần thiết cho sinh viên, nhất là các bạn ở xa đi từ trung tâm lên phía làng Đại học. Xe buýt giờ rất tiện lợi, biết trước giờ đến, điểm chờ, giá tiền, tuy nhiên, cơ sở vật chất cần phải nâng cấp hơn nữa, đôi khi có những chiếc xe đã cũ và xập xệ”.

Còn bà Nguyễn Thu Hà (TP Thủ Đức), một hành khách của tuyến xe buýt 19, sử dụng xe buýt là phương tiện chính để di chuyển từ nhà vào trung tâm TP cho hay, đối với đối tượng là người lớn tuổi, đi xe buýt an toàn, không lo mưa nắng và giá rất rẻ.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) Công an TP HCM, từ đầu năm đến tháng 6 đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách và xe buýt, làm chết 9 người, bị thương 9 người.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TP HCM cho biết: "Để hạn chế tình trạng xe khách cũng như xe buýt vi phạm về trật tự ATGT trên địa bàn thành phố, Phòng CSGT sẽ tiếp tục tuần tra kiểm soát công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh để nâng cao hiệu quả trong công tác tuần tra kiểm soát cũng như phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xe khách, xe buýt vi phạm. Qua đó chấn chỉnh tình hình chấp hành pháp luật giao thông của đội ngũ lái xe, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cũng như tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố".

Trợ giá hay không, cần lựa chọn đúng đơn vị thầu đảm bảo dịch vụ tốt

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thừa nhận, xe buýt TP HCM còn hạn chế, đôi khi quên đi chất lượng phục vụ, có kiểm soát nhưng chưa thực sự chặt chẽ. “Nếu chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào tiền và sản lượng, thì chưa đủ. Nó là bài toán của tổng thể từ mạng lưới, tốc độ lan toả và mức độ hài lòng của người dân. Do đó, chúng ta sẽ phải tiếp thu ý kiến người dân để phục vụ, mặt khác chúng tôi phải làm việc với đơn vị vận tải để hài hoà lợi ích”, ông Hưng nói, và cho biết thêm, một số hợp tác xã, xe buýt loại hình không trợ giá, chất lượng xe buýt không được tốt một phần là do lịch sử để lại.

Về vấn đề trợ giá, ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho rằng, VTHKCC bắt buộc phải có trợ giá. Giải pháp là sao cho trợ giá hiệu quả nhất. “Chúng ta phải đảm bảo trợ giá ổn định, không thể năm nay có nhiều tiền thì chạy nhiều, sang năm ít tiền thì chạy ít đi. Sở GTVT TP HCM cần có kế hoạch lâu dài. Đây là vấn đề tất yếu cần đầu tư, quan tâm”, ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng cho rằng, các phương tiện VTHKCC phải trợ giá mới hoạt động được. Với khái niệm VTHKCC trên thế giới hiện nay, nếu không trợ giá không làm được, phải khẳng định như thế, nhưng trợ giá ở mức nào, doanh nghiệp và Nhà nước chịu ở mức nào.

Trợ giá nhiều hay ít là do doanh nghiệp đề xuất, Nhà nước luôn khuyến khích tiệm cận được tuyến nào không phải trợ giá, tuyến nào phải trợ giá thì xem xét triển khai, sao cho trợ giá ít nhất, mang lại quyền lợi cho người dân tốt nhất.

Về phía doanh nghiệp, ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang cho biết, ủng hộ chính sách phát triển xe buýt, có trợ giá cũng như không trợ giá. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng nhận cả các tuyến không trợ giá, để bớt đi gánh nặng cho ngân sách. “Chúng tôi không bao giờ tận thu khách hàng, luôn minh bạch từ giai đoạn thầu và luôn có chính sách cho học sinh, sinh viên, người yếu thế. Với tiềm lực sẵn có, nếu có cơ hội khai thác các tuyến buýt nội đô, tuyến ngắn cần lên xuống liên tục ở Hà Nội, TP HCM, Phương Trang sẵn sàng tham gia, kể cả không trợ giá”, ông Ánh nói.

Về vấn đề trên, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu. “Chúng tôi, người quản lý, phải tính toán để cấp cho phù hợp”, ông Hưng nêu rõ.

Nhiều chuyên gia khẳng định với Báo Thanh tra, nếu lựa chọn đúng các đơn vị thầu là các doanh nghiệp có năng lực thực sự, chuyên nghiệp trong phục vụ và có năng lực tài chính, có tâm, ắt hẳn sẽ có dịch vụ tốt nhất cho người dân. Chỉ như vậy ngân sách sẽ không bị lãng phí hằng năm, mà người dân còn được thụ hưởng dịch vụ tốt, đường phố sẽ bớt tắc vì người dân sẽ đi xe buýt thay vì sử dụng xe cá nhân…

Nghiêm Lan