Sắc màu cuộc sống mới

Từ trung tâm xã Pa Thơm, chỉ mất chừng 15 phút trên con đường êm thuận, chúng tôi đã đặt chân đến bản biên giới Púng Bon. Chiếc cầu treo kiên cố, sừng sững vắt ngang dòng Nậm Núa là sự kết nối, đưa văn minh về với bà con người Cống bản địa. Cây cầu mới được kiên cố, mở rộng thuận tiện cho người dân đi lại. Không những thế, các tuyến đường nội bản đều được cứng hóa bằng bê tông phẳng lì. Bên cạnh những nếp nhà gỗ kiên cố ở Púng Bon là một vài nóc nhà xây khang trang, lợp tôn xanh, đỏ…

Nếu như nhìn từ xa, nhiều người có thể mường tượng rằng ra cảnh tượng của bản vùng lòng chảo Điện Biên chứ không phải xa xôi tận miền biên viễn. Ít ai nghĩ được rằng chỉ khoảng hơn chục năm về trước thôi, bà con ở đây gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài và được biết đến là điểm “nóng” về ma túy.  

Phấn khởi về sự đổi thay này, anh Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản Púng Bon hồ hởi chia sẻ nhiều câu chuyện về cuộc sống nơi đây. Trong đó, ấn tượng hơn cả là đời sống của người dân trong bản đã và đang không ngừng được cải thiện.

Anh Liên cho biết: “Trước đây, Púng Bon khó khăn lắm mà nguyên nhân đói nghèo thì có nhiều. Do bà con chưa biết canh tác lúa nương, lúa nước, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chỉ dựa vào kinh nghiệm nên có những năm ảnh hưởng thiên tai, năng suất cây trồng kém hoặc có những hộ không chịu làm ăn; chăn nuôi thì nhỏ lẻ, manh mún”.

Thế nhưng, Púng Bon bây giờ đã khác trước rồi, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm; nhiều hộ vẫn còn khó khăn, nhưng cũng không thiếu cơm, thiếu gạo trong những tháng giáp hạt nữa. Có những hộ mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, đầu tư máy móc khai hoang lúa nước, trồng được nhiều thóc rồi bán lấy tiền trang trải sinh hoạt cuộc sống hàng ngày

leftcenterrightdel
Cây cầu bắc qua dòng Nậm Núa nối Púng Bon với bên ngoài đã được kiên cố hóa. Ảnh: Diệp Chi 

Nhà ông Lò Văn Mọng trước đây là một trong những hộ nghèo của bản. Từng phải luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo mà không tìm thấy lối ra. Nay được hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhất là Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên đã mở ra cho ông một con đường sáng để thoát nghèo.

Đầu tiên, ông Mọng được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Nhận thấy lúa nước đem lại năng suất cao, mỗi năm có thể trồng 2 vụ, ông mua máy móc để khai hoang ruộng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đến nay, gia đình ông trồng 5.000m2 lúa nước, 1ha lúa nương, 10 con trâu, bò, 3ha ao nuôi cá trắm, rô phi, lăng, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm; dựng được căn nhà khang trang, sạch đẹp.

Ông Mọng tâm sự: “Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tôi đều tham gia, tiếp thu kiến thức, về áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Mình phải quyết tâm thoát nghèo, để bản thân và con, cháu không phải thiếu cái ăn, cái mặc, được đi học đầy đủ”.

Tiếp sức cho Púng Bon

Đồng bào người Cống là một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nằm dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào. Nhiều năm qua, các chính sách dân tộc được lồng ghép, triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, ngày 28/2/2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành và phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2011 - 2020. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống 50% (2020).

Trong đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, giao thông đảm bảo lưu thông quanh năm; trường lớp học cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dạy và học. Các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ điều kiện sống, phát triển sản xuất, văn hóa thông tin, y tế, giáo dục... được thực hiện đầy đủ đúng chế độ. Sau gần 10 năm thực hiện, Đề án này đã tiếp sức cho người Cống ở Púng Bon vươn lên…

leftcenterrightdel
Những con đường nội bản Púng Bon đều được trải bê tông êm thuận. Ảnh: Diệp Chi 

Trưởng bản Púng Bon Lò Văn Hiệp chia sẻ: “Cuộc sống bà con ở đây chỉ thực sự thay đổi kể từ khi có các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đặc thù cho đồng bào Cống. Trước tiên là đầu tư đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm y tế... Cùng với đó là cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ, đảng viên thường xuyên bám bản, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cách trồng lúa nước, lúa nương, chăm sóc gia súc, gia cầm...”.

Không chỉ vậy, người dân đã thay đổi được nhận thức, biết làm gì cho cuộc sống tốt hơn, biết chuyển đổi giống lúa mới đem lại năng suất cao, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, không chăn thả rông gia súc. Ngoài trồng lúa nước, lúa nương và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, người dân Púng Bon đang tích cực mở rộng quy mô ao cá, tìm hướng phát triển kinh tế mới. Bản đã có nhiều hộ khá giả, thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, qua thời gian thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống nói chung, tại bản Púng Bon nói riêng cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Bà con đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán; đại đa số đồng bào được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy... Qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Diệp Chi