Tại sao phải lột trần quá khứ?

Tự truyện được hiểu là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, thường được viết bằng văn xuôi trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm. Nếu hiểu theo nghĩa này thì “Tâm thành và lộc đời” của NSƯT Thành Lộc, “Đằng sau những nụ cười” của danh ca Khánh Ly, “Chuyện tình không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Sống cho người sống cho mình” của NSND Kim Cương… là những tác phẩm văn học đúng nghĩa.

Ở đó, người đọc có thể hình dung một cách rõ nét và chân thực nhân vật chính với những câu chuyện “lần đầu được kể” và “câu chuyện đã được kể nhiều lần”. Và khi gấp những trang sách lại, người đọc cảm thấy trân trọng hơn tài năng và nhân cách của những người nghệ sỹ chân chính. Qua đó, người đọc được lan truyền cảm hứng để sống đẹp và sống yêu thương hơn.

Bìa tự truyện Đằng sau những nụ cười của danh ca Khánh Ly.
Bìa tự truyện "Đằng sau những nụ cười" của danh ca Khánh Ly.

Tuy nhiên, loạt tự truyện của các sao Việt gần đây như: Long Nhật, Hương Giang Idol, Thương Tín, Lâm Chi Khanh, Sơn Tùng M-TP… lại khiến cho khái niệm “tự truyện” được hiểu theo một nghĩa khác. Đó là những cuốn sách dài ngắn khác nhau nhưng có đặc điểm chung là kể lại những câu chuyện quá khứ theo hướng “sốc - sex - sến”… mà khi đọc qua người ta dễ ngỡ ngàng.

Cách đây 5 năm, 9 kỳ tự truyện của ca sỹ Long Nhật trên một kênh truyền thông đã khiến không ít người đi từ trạng thái ngỡ ngàng… tới sốc. Những câu chuyện quá khứ đã được “vén màn” một cách quá trần trụi khiến cho nam ca sỹ này nhận cảm thông thì ít mà chỉ trích thì nhiều. Anh buộc lòng phải dừng ý định xuất bản tự truyện vì sợ người thân đau lòng.

Cuốn tự truyện “Một đời giông bão” của nghệ sỹ Thương Tín cách đây 2 năm cũng gây ra không ít giông bão khi kể “tuốt tuồn tuột” những câu chuyện “sống để dạ, chết mang theo”. Trong cuốn sách dày gần 200 trang giấy này, câu chuyện mà người ta cảm nhận được không phải là một “tài tử màn ảnh” bằng da bằng thịt phía sau những vai diễn để đời mà là một người đàn ông có quá nhiều những “ái ố” khó cảm thương.

Mới đây, Lâm Chi Khanh với tự truyện “Lột xác” cũng gây ra bao điều tranh cãi khi xới lại những câu chuyện quá khứ với một nam ca sỹ tên Đ.T, người mẫu V.T và cầu thủ bóng đá Đ.Đ. Những câu chuyện quá khứ tưởng chừng như ngủ yên được xới lại không hẳn để vẽ nên một cuộc đời mà chủ yếu là “đánh bóng”. Vì lẽ đó mà không ít người đã tỏ ra bất bình pha lẫn phẫn nộ khi chính những câu chuyện đó có khả năng phá vỡ hạnh phúc của những người liên quan.

Mới đây, “Chạm tới giấc mơ” của Sơn Tùng M-TP trở thành một “hiện tượng” khi chỉ sau 2 ngày ra mắt đã phải tái bản vì cán mốc 10.000 cuốn. Cuốn sách cũng tương tự như những cuốn tự truyện gần đây đó là kể lại chặng đường quá khứ đã đi qua với những thăng trầm và vinh quang của một chàng trai từng bước khẳng định mình. Tuy nhiên, sự khác biệt rõ nét nhất đó là những câu chuyện kể trong cuốn sách được nhân vật “tôi” chủ đích hướng đến việc truyền cảm hứng nên không có yếu tố “sốc - sex - sến” như những cuốn tự truyện gần đây.

Vội vàng ra tự truyện sẽ tạo ra những mặt trái khó lường

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng - Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí & Tuyên truyền Hà cho rằng, dưới gốc độ cá nhân, bản thân bà ủng hộ việc viết tự truyện hoặc hồi ký. Bởi “con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” vì thế đằng sau mỗi số phận hoặc cuộc đời của mỗi con người trong những cuốn tự truyện/hồi ký là số phận của một cộng đồng, một dân tộc.

Tuy nhiên, không đơn giản là ai muốn viết cũng được. Những người viết được hồi ký hoặc tự truyện là những người có vị trí xã hội, có độ chín chắn trong nhận thức, có trải nghiệm - chiêm nghiệm, có độ đằm của tuổi tác…

“Tôi thấy, xu hướng viết tự truyện hoặc hồi ký của nhiều bạn trẻ hiện nay không nhằm mục đích ôn lại cuộc đời mình hoặc ghi chép sự kiện liên quan đến cuộc đời mình để sau này con cháu hiểu mình hơn mà họ hướng tới một điều gì đó khác hơn. Đôi khi vì mục đích khác đó mà ở một chi tiết hoặc một câu chuyện nào đó bị đẩy đi quá xa, tạo nên những phản ứng trong công luận. 

Viết tự truyện/hồi ký như thế nào là nên cẩn trọng bởi không phải cứ câu chuyện của mình, mình thích thì mình kể mà nó sẽ liên quan đến rất nhiều người khác.

Tự truyện hoặc hồi ký không giống nhật ký. Nhật ký là cho riêng mình còn tự truyện hoặc hồi ký là cho người khác đọc, trong đó có tính chất nghệ thuật và tính xã hội. Những người chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ độ chín trong nhận thức, chưa có chiêm nghiệm về cuộc đời để thẩm định những gì mình nói… đã vội vàng ra tự truyện sẽ tạo ra những mặt trái khó lường trước. Người Trung Quốc có câu: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, 50 tuổi may ra mới đủ để chiêm nghiệm về cuộc đời”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Danh ca Khánh Ly cho rằng, dù viết tự truyện là tiết lộ nhiều bí mật về cuộc đời nhưng bà sẽ không bao giờ nhắc đến người đã khuất. Bởi lẽ, nếu người được nhắc đến còn sống, bà viết gì sai, người ta còn có thể phản bác lại được nhưng người đã khuất không cần phải nói đến làm gì nữa mà hãy xem đó là kỷ niệm của riêng mình. Nói là thế nhưng trong hàng trăm trang cách của “Đằng sau những nụ cười”, Khánh Ly tự vẽ về mình bằng những câu chuyện khiêm nhường và chân thật. Ở đó, người ta thấy được một danh ca bên cạnh một người đàn bà đã đi qua nhiều thăng trầm, suy thịnh.

Riêng Sơn Tùng M-TP thì thú nhận, cậu mong thông qua câu chuyện bản thân để truyền cảm hứng đến các bạn trẻ, mọi người có thêm động lực thực hiện ước mơ. Bởi thời gian không chờ đợi ai và mỗi người chỉ có một tuổi trẻ để sống và theo đuổi. Vì lẽ đó, tự truyện của Sơn Tùng M-TP không có “sốc - sex - sến” và không có những điều quá trần trụi. Cuốn sách do đó mà được đón nhận và không tạo ra ồn ào nào đáng nói.

Thực tế, bản thân nghệ sỹ Thương Tín sau khi ra tự truyện đã phải hối hận nhìn nhận: “Tôi đã bán chuyện đời tư của tôi với cái giá quá rẻ. Nếu biết trước sự việc sẽ diễn ra như thế này, tôi thà im lặng và mang theo những bí mật đó cho đến ngày cuối đời…”.

Theo Hà Tùng Long/Dân trí