Chưa bao giờ hết căm phẫn với… cha mình

Trời không cho ai tất cả bao giờ. Câu nói quen thuộc của người phương Đông hóa ra lại chẳng hề sai với cuộc đời luật sư - chính trị gia - nhà báo người Mỹ năm nay vừa tròn 31 tuổi Ronan Farrow. 

Chàng trai có vẻ ngoài cực bảnh này sinh ra trong một gia đình vô cùng nổi tiếng. Cha là nhà làm phim Woody Allen - cây đại thụ của nền điện ảnh thế giới với kỷ lục 23 lần được đề cử giải Oscar, 4 lần đoạt tượng vàng và mẹ là nữ diễn viên Mia Farrow từng là Đại sứ Thiện chí của Liên hợp quốc. 

Ronan Farrow được thừa hưởng một cách trọn vẹn trí tuệ hơn người của cha và nhan sắc của mẹ. Bằng chứng là bên cạnh vẻ ngoài từng khiến anh lọt vào danh sách “một trong những người đàn ông quyến rũ nhất thế giới”, “mỹ nam” làng truyền thông, Ronan Farrow còn sở hữu “tài năng không đợi tuổi”. 

Sẽ là nỗi ngỡ ngàng cho nhiều người nếu biết rằng chàng trai có gương mặt rất baby này từng được xem là “thiên tài nhí” khi 10 tuổi đã có khả năng đọc hiểu sách bậc trung học, 11 tuổi đã được Phân hiệu Simon’s Rock Đại học Bard mời học, trở thành sinh viên nhỏ nhất của trường, 15 tuổi đã có bằng đại học chuyên ngành Triết học và Sinh vật học; 16 tuổi được Học viện Pháp luật, Đại học Yale tuyển vào học; mới chớm qua tuổi 20 đã là… cố vấn trong Chính phủ Mỹ, là Người phát ngôn của Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc, cộng tác viên đắc lực cho nhiều cơ quan truyền thông lớn của Mỹ; là người trẻ nhất trong lịch sử Đài MSNBC được giao phụ trách riêng một chuyên mục… 

Tuy nhiên, bản lý lịch trích ngang đẹp như mơ ấy cũng chẳng xoa dịu được nhiều nỗi đau cứ âm ỉ dày xéo trong trái tim chàng trai trẻ. 

Ngày Ronan Farrow 5 tuổi cũng là ngày mẹ anh - bà Mia Farrow tận mắt chứng kiến chồng mình tằng tịu với… cô con gái nuôi Soon-Yi. 5 tuổi, Ronan Farrow chưa lớn nhưng cũng đủ để lưu vào một vùng kí ức trong anh rằng, kể từ ngày đó, tiếng cười đùa, cuộc sống hạnh phúc bình yên của cha mẹ cũng chấm dứt. Ngày qua ngày với mẹ anh là nước mắt, còn cha anh, bất chấp phản ứng dữ dội từ cả gia đình lẫn dư luận, báo chí, vẫn quấn như sam với cô con nuôi người Hàn Quốc kém ông tới… 35 tuổi. 

Bi kịch gia đình Ronan Farrow chưa kết thúc. Không lâu sau đó, bà Mia Farrow lên tiếng tố cáo chồng mình lạm dụng tình dục cô con gái nuôi khác là Dylan, lúc đó mới 7 tuổi. Vụ việc được đưa ra tòa và sau đó là những tháng ngày cha mẹ anh tranh cãi liên miên. 

Cho dù cuối cùng vì quá sợ hãi, Dylan đã không xuất hiện tại tòa án và vị đạo diễn được xử trắng án nhưng đọng lại trong tâm trí Ronan Farrow chỉ còn là nỗi ghê sợ, căm phẫn với chính người cha ruột của mình. Suốt bao nhiêu năm, từ khi còn là một cậu thiếu niên đến khi trở thành một thanh niên chín chắn, có lẽ đã không biết bao lần Ronan Farrow cứ dày vò bởi câu hỏi: Vì sao mọi chuyện lại thế? Vì sao một người chị nuôi mà anh vẫn xem như chị gái rốt cuộc lại là người tình của cha anh? Vì sao ông ấy là cha tôi, lại lấy chị gái tôi? Như thế tôi vừa là con của ông ấy, lại là em của ông ấy. Vậy thì còn thứ đạo lý gì? 

Những câu hỏi không bao giờ có được câu trả lời, và nhìn lại bi kịch của gia đình, trong nỗi thương mẹ, thương chị Dylan, Ronan Farrow nguyền rủa, căm hận và tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ với cha mình, muốn quên đi cái sự thật mà anh cho rằng là tủi hổ rằng anh là con trai của Woody Allen. 

Gia đình Ronan Farrow những ngày còn hạnh phúc

 

Chuyện kể rằng, hồi Ronan còn nhỏ, khi ông Woody đến thăm con trai, cậu bé đã uất ức lau sạch đến bật máu môi của mình sau cái hôn tạm biệt của người cha. 

Với nhiều người, thời gian có thể làm xóa nhòa, vơi bớt những nỗi đau. Còn với Ronan Farrow thì không. Nhiều năm sau này, khi đã ở độ tuổi 30, ngọn lửa căm phẫn trong anh vẫn ngùn ngụt cháy khi chứng kiến cha mình, bất chấp tất cả, vẫn nhởn nhơ trước tội ác, vẫn được ca tụng trong ánh hào quang, thậm chí còn trở thành đại diện của phong trào... chống quấy rối tình dục. 

Nỗi căm phẫn, bức xúc đã khiến Ronan Farrow, ngay tại thảm đỏ của một sự kiện lớn như Liên hoan Phim Cannes năm 2016, trước vô vàn ống kính truyền thông, một lần nữa thẳng thừng phê phán giới truyền thông đã cố tình lờ vụ cáo buộc Woody Allen lạm dụng tình dục con gái Dylan, rằng anh cảm thấy bất công vì truyền thông và nhiều người có tầm ảnh hưởng đã quên đi tội lỗi của cha anh, rằng các công ty PR hùng mạnh đứng sau Woody đã tung tiền bạc và quyền lực cho báo chí để mua lại những bài báo rửa sạch tội lỗi cho ông ta. 

Sự thôi thúc của lương tâm, trách nhiệm của người làm báo và Giải thưởng Pulitzer

Với Ronan Farrow, sự im lặng ấy của truyền thông là không thể chấp nhận được. Im lặng đồng nghĩa với đồng lõa và thỏa hiệp với tội ác và khiến rất nhiều nạn nhận bị xâm hại tình dục khác không thể lên tiếng. Mà anh biết những nạn nhân không thể cất lên tiếng nói bảo vệ mình, lên tiếng tố cáo thủ phạm như chị gái Dylan là không hề ít. 

Với anh, nhà báo là người mang trên mình sứ mệnh đưa tin đúng sự thật, bảo vệ sự thật. Vậy, không vì lẽ gì mà im lặng. Báo chí phải lên tiếng, không chỉ để phơi bày tội ác, đưa những tên tội đồ như cha anh ra ánh sáng, mà còn giúp những người bị hại dũng cảm hơn trong việc cất lên tiếng nói uất ức của họ, góp phần một môi trường xã hội mà ở đó, xâm phạm tình dục là một tội ác đáng bị trừng trị. 

Chính sự thôi thúc của lương tâm, trách nhiệm của người làm báo và cả chính bi kịch gia đình, chính những nỗi uất ức riêng trong tâm can, đã đưa Ronan Farrow đến với hành trình điều tra về tội ác của Harvey Weinstein, dù trước anh, cũng đã có rất nhiều nhà báo điều tra về vụ này, cho dù Harvey Weinstein là một ông trùm đầy thế lực tại Hollywood. 

Cẩn trọng, công phu và kiên trì hết mức, Ronan Farrow đã bỏ ra không dưới 10 tháng trời để tiếp cận, thuyết phục cho bằng được 13 người phụ nữ từng bị Harvey Weinstein xâm hại tình dục (vì phần đa trong số họ vẫn sợ hãi, e dè không dám lên tiếng), ghi âm lại làm bằng chứng. Chừng ấy tư liệu trong tay, là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Đúng như cảnh báo của đồng nghiệp và chính bản thân Ronan Farrow cũng trù liệu được, hành trình phanh phui tội ác ra ánh sáng không hề đơn giản. 

Cũng như ông bố Woody Allen của Ronan, quyền lực và tiền bạc của Harvey Weinstein đã đủ sức bịt miệng nhiều cơ quan truyền thông.  Là người của NBC nhưng NBC không những không ủng hộ mà còn từng ngăn cản anh phỏng vấn một nạn nhân, từ chối cung cấp thiết bị và nhân viên ghi hình. Khi đã có trong tay đầy tư liệu, Ronan muốn công khai những cáo buộc nhưng NBC không đồng ý, yêu cầu hủy bỏ loạt bài, cho rằng như thế vẫn chưa đầy đủ, chưa đạt “tiêu chuẩn xuất bản”. 

Tháng 9/2017 là thời điểm Ronan Farrow hiểu rằng, không thể chần chừ được nữa, những tư liệu báo chí của anh phải đến được với công luận. Anh hiểu rõ bản chất thật trong sự chần chừ, lưỡng lự của NBC. 

Ronan Farrow cùng mẹ (ngoài cùng bên phải) và Anabella Sciorra, Rosanna Arquette - hai nạn nhân của Harvey Weinstein - đã nhận lời trò chuyện cùng Ronan - tại lễ trao Giải Puitzer 2018. 

 

“Đánh hơi” được loạt bài của Ronan, Weinstein sai tay chân dọa đưa nhà báo trẻ ra tòa. Không sợ hãi, không bỏ cuộc, Ronan đã gửi bản thảo cho lãnh đạo tờ New Yorker. “Tôi đến với New Yorker, mang theo niềm hy vọng thông tin điều tra sớm được công bố, sẽ mang tính bùng nổ, và thật may mắn, David Remnick, Tổng Biên tập New Yorker phủ nhận ngay cái gọi là “không đạt được tiêu chuẩn xuất bản” của NBC” - Ronan nhớ lại. 

Loạt bài điều tra của Ronan, cùng với loạt bài điều tra song song nhưng độc lập của hai nhà báo nữ của New York Times, sau khi được tung ra, tháng 10/2017, thực sự đã là “quả bom” làm nổ tung cứ địa vững chắc của Weinstein. 

Trước hiệu ứng mạnh mẽ từ loạt bài báo, giới chức cấp cao của NBC ngại ngùng phân bua rằng, chuyện họ hủy bỏ loạt bài vì không đáp ứng được tiêu chuẩn “có thể xuất bản” là thông tin không chính xác từ Ronan Farrow, rằng họ trì hoãn việc đăng bài chỉ vì cảm thấy dữ liệu của Ronan còn thiếu sót, rằng bài báo của Ronan trên New Yorker đã đầy đủ hơn rất nhiều so với bản thảo mà họ từng được xem. 

Nhưng, những lời phân bua ấy chẳng khiến Ronan Farrow quan tâm. Điều khiến chàng nhà báo trẻ mãn nguyện là cùng với đồng nghiệp, anh đã góp phần phơi bày tội ác ra ánh sáng và trên hết là đã truyền được ngọn lửa của tự tin và sự dũng cảm tới những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục, để họ có thể đứng lên nói câu chuyện của mình, thổi bùng hơn nữa những phong trào chống xâm hại tình dục như MeToo. 

Việc có cho mình giải thưởng danh giá như Pulitzer với Ronan Farrow là điều rất đỗi hãnh diện, tự hào, nhưng phần thưởng lớn nhất với chàng nhà báo trẻ 31 tuổi, là đã làm được điều gì đó cho những người phụ nữ tội nghiệp và yếu thế, trong đó có chị gái Dylan của anh. 

Sau Giải thưởng Pulizer, Ronan Farrow trở thành mục tiêu săn đón của nhiều cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, anh đã ký hợp đồng làm việc 3 năm với HBO. Theo đó, Farrow sẽ phát triển và xuất hiện trong nhiều tập phim tài liệu điều tra số đặc biệt cho HBO đồng thời tham gia sản xuất cho một số chương trình khác của HBO.

Farrow cũng đang là cộng tác viên của The New Yorker và đang trong công đoạn hoàn thành cuốn sách của anh mang tên War on Peace: The End of Diplomacy and Decline of American Influence.

Trang Thư