Có lẽ, chẳng ai như NSƯT Trung Anh. Bởi, mặc dù rất nổi tiếng nhưng lại luôn tự nghĩ rằng mình…bất tài. Anh cũng ít muốn nói về bản thân hay gia đình mình, vì anh nghĩ "nói nhiều sẽ thành ra kể lể, mất hay".

Bất cứ chuyện gì, Trung Anh cũng ngại nói, chỉ khi nhắc tới công việc là anh phấn chấn, thoải mái một cách khác thường. Dù, anh thừa nhận, khi bước chân vào lớp diễn viên kịch, anh không hề có một chút tình yêu nghệ thuật nào.

Trở thành diễn viên chỉ vì không muốn "làm 1 thằng ăn bám"

Mẹ tôi mất sớm, bố đi bước nữa, tôi không muốn phụ thuộc gia đình nên quyết tâm tìm mọi cách để thoát ly. Chẳng phải vì dì là người không tốt mà tôi ép mình phải thoát ly đâu. Chỉ đơn giản vì tôi ngang tàng, không muốn làm 1 thằng ăn bám.

Lương “Bổng”: Trong 5 năm khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi sao mình không phát điên! - Ảnh 1.

NSƯT Trung Anh.

Năm 17 tuổi, biết nhà hát Kịch tuyển diễn viên, tôi nghịch ngợm đi thi với suy nghĩ: Đỗ thì đi học, đi học là có thể không phải phụ thuộc gia đình nữa. Thú thực, lúc ấy tôi cũng chẳng có chút gì gọi là "tình yêu với nghệ thuật" đâu. Tôi chỉ tìm một lối đi cho mình mà thôi.

Ấy thế mà tôi đỗ, và đỗ rồi thì đi học thôi. Nhưng có một điều kỳ diệu, đó là khi mới bước vào trường, tôi không hề có chút đam mê nào với sân khấu nhưng sau 4 năm ra trường, tình yêu với các vai diễn, với sân khấu đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào không hay.

Nhưng vừa ra trường thì tôi cùng anh Đỗ Kỷ, Trọng Trinh, Quốc Khánh được lệnh điều động nhập ngũ. Chúng tôi chỉ có 3 ngày tập trung ở Gia Lâm, sau đó lên thẳng biên giới để huấn luyện và công tác.

Lương “Bổng”: Trong 5 năm khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi sao mình không phát điên! - Ảnh 2.

Trung Anh thi tuyển làm diễn viên chỉ vì không muốn ăn bám bố và mẹ kế.

Trong 2 năm tôi tại ngũ thì các bạn trong lớp diễn viên kịch của tôi được giữ lại và trở thành 1 đoàn riêng của nhà hát. Tôi xuất ngũ, lẳng lặng trở lại đoàn và nghiễm nhiên được xem như 1 thành viên.

Ấy thế nhưng, cái khoảng thời gian 2 năm, khi tôi lăn lê trên biên giới thì các bạn học cùng lớp ngày xưa đã tiến xa trên con đường tôi luyện bản lĩnh sân khấu. Tôi cảm thấy mình tụt hậu trước sự tiến bộ vượt bậc của các bạn và lạc lõng trước nhịp phát triển chung của cả đoàn".

Phải mất hơn 5 năm, tôi cứ "vất vưởng" với những vai quần chúng, với chân "chạy cờ" trong đoàn kịch. Đó là khoảng thời gian khó khăn, khủng hoảng nhất đối với tôi.

Không phải tôi lăn tăn chuyện vai chính vai phụ hay chuyện tiền thù lao cho mỗi vai diễn đâu. Nói thực, ngày ấy khó khăn, cát-xê của diễn viên đóng vai chính cũng chẳng chênh lệch là bao so với người thủ vai phụ.

Điều khiến tôi day dứt, dằn vặt chỉ là liệu mình cứ làm vai quần chúng đến bao giờ? Mình đã tụt hậu như vậy, liệu có thể tiếp tục theo nghề được hay không? Thậm chí, đã có thời điểm tôi xin được đóng "kíp", nghĩa là vai chính đó đã được giao cho người khác rồi, tôi chỉ xin được tập diễn theo người ta thôi, nhưng cũng không được chấp nhận. Tôi cảm thấy thật sự buồn.

Cùng thời điểm ấy, có rất nhiều nghệ sĩ có tài nhưng không chịu được sự thiếu thốn, khó khăn đã bỏ nghề và rẽ ngang đi kinh doanh, đi xuất khẩu lao động… Điều đó cũng khiến tôi bị tác động tâm lý ít nhiều".

Quyết tâm làm diễn viên vì…bất tài

Suốt thời gian đó, trong đầu nặng suy tư, tôi sống rất vật vờ, lang thang nay đây mai đó vì chẳng biết quyết định như thế nào, chẳng biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Điều tệ hơn cả là tôi không có ai để chia sẻ những suy nghĩ của mình, ngay cả với những người thân trong gia đình.

Lương “Bổng”: Trong 5 năm khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi sao mình không phát điên! - Ảnh 4.

"Tôi thuộc dạng bất tài, ngoài nghề diễn thì chẳng biết làm gì nữa cả".

Sau cùng, tôi quyết định sẽ theo nghề. Tại sao tôi lại quyết định như vậy ư? Không có cú hích nào về mặt sự nghiệp hay tâm lý cả đâu. Đơn giản vì tôi thuộc dạng bất tài, ngoài nghề diễn, tôi chẳng biết làm cái gì khác để kiếm sống. Hơn nữa, nếu có chuyển hướng vào lúc ấy thì cũng đã quá muộn màng.

Nhận ra điều đó, tôi quyết tâm theo nghề và tự an ủi mình rằng: Thôi thì cứ làm đi, thành công hay thất bại coi như tùy vào cái duyên của mình với nghề.

Kể từ đó, tôi dồn hết tâm sức cho sân khấu. Kể cả khi được giao 1 vai nhỏ xíu, tôi cũng vắt óc tìm cách thể hiện sao cho tốt nhất có thể. Thế rồi dần dần từ vai quần chúng, tôi được giao vai phụ, rồi tới vai thứ chính và cuối cùng cũng được trở thành nam chính của đoàn.

Bây giờ nghĩ lại quãng thời gian hơn 5 năm thực sự khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi tại sao mình không "phát điên" hoặc trầm cảm. 

Lương “Bổng”: Trong 5 năm khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi sao mình không phát điên! - Ảnh 5.

"Quãng thời gian hơn 5 năm trời ấy thực sư rất khủng khiếp".

"Vì cưới được vợ mà tôi mới tin vào duyên số"

Tôi có một cái dở, đó là rất kém trong việc giao tiếp. Chính vì giao tiếp kém nên tôi mới lấy vợ muộn như thế. Thậm chí, tôi lấy được vợ là do duyên số chứ cũng không phải vì "giỏi tán".

Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã sống rất "co cụm". Tôi ngại phải trò chuyện với những người lạ, vì cảm thấy không được thoải mái. Số bạn bè của tôi không nhiều, và tôi chỉ chơi với những người thật sự thân thiết.

Vì vậy, tôi chẳng có có hội gặp gỡ hay hẹn hò với cô gái nào cả. Ngày ấy, tôi còn sống ở khu Thái Thịnh, cách nhà vợ tôi bây giờ một đoạn đường ngắn. Tình cờ mấy lần gặp nhau, trò chuyện rồi thành thân quen.

Lương “Bổng”: Trong 5 năm khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi sao mình không phát điên! - Ảnh 6.

"Tôi có một cái dở, đó là rất kém trong việc giao tiếp".

Mà nói thực, cô ấy cũng là người bắt chuyện trước, chứ không phải tôi. Vì tôi biết mình không giỏi ăn nói. Một lần, đến nhà cô ấy chơi, thấy có cuốn tạp chí, tôi mở ra xem và thấy bài viết về mình trong đó.

Thấy tôi tần ngần cầm cuốn tạp chí, cô ấy bảo: "Em đã biết về anh từ rất lâu rồi". Lúc đó, tôi hơi bất ngờ và cảm thấy rất thích thú. Thế rồi chúng tôi thành vợ thành chồng. Và từ đó, tôi tin vào duyên số. 

Đến bây giờ cách sống của tôi cũng không thay đổi. Tôi vẫn "giao tiếp kém" và ngại tiếp xúc với mọi người, cứ đi về đến nhà là tôi ở lỳ trong phòng để đọc sách, chăm cây.

Lương “Bổng”: Trong 5 năm khủng khiếp ấy, tôi vẫn tự hỏi sao mình không phát điên! - Ảnh 7.

Gia đình NSƯT Trung Anh.

Đôi khi, có những việc cần "ngoại giao", vợ yêu cầu tôi đi vì nghĩ tôi sẽ có "lợi thế" hơn. Những lúc cần kíp thì tôi vẫn đi thôi, nhưng trong tâm chẳng thoải mái chút nào.

Nhiều người cũng hỏi, rằng tính cách tôi như vậy, sao có thể làm nghệ thuật được. Đó là hạn chế của tôi, nhưng nó đã là tính cách thì không thể sửa được.

Tôi khó nói chuyện được với người khác một cách cởi mở, thoải mái. Chỉ khi trò chuyện về công việc, tôi mới dễ dàng bộc lộc lòng mình. Vì nghiệp diễn đã ăn vào máu thịt, đã giúp tôi được bộc lộ những điều mà trong cuộc sống tôi không thể nói thành lời".

Theo Thảo Nguyên, Thành Đạt (Trí Thức Trẻ)