Hồn nhiên “xài chùa”  
 
Thời gian gần đây, vi phạm bản quyền SHTT trong lĩnh vực âm nhạc đã vượt ra ngoài biên giới và trở thành vấn nạn nghiêm trọng, làm xấu xí bộ mặt của đời sống nhạc Việt.

Thu hút sự chú ý lớn nhất của dư luận trong năm 2018 là “Người lạ ơi” của Orange và Karik. Đạt 100 triệu lượt nghe chỉ sau hai tuần, MV đạt 100 triệu views chỉ sau 39 ngày, ca khúc này đã trở thành hiện tượng của V-Pop cho tới khi dính nghi vấn đạo nhạc, với hai tác phẩm What If và Anh vẫn nhớ của hai nghệ sĩ Robin Wesley và Nah. Nghệ sĩ lòng vòng giải thích mãi, khán giả mới hiểu là ê kíp đã áp dụng mô hình “mua bản sound rồi phóng tác tuỳ ý”. Đáng ngạc nhiên rằng đây lại là kiểu làm nhạc rất phổ biến trong V-Pop hiện nay. 

Trong suốt năm 2018, danh sách những vụ việc lùm xùm đạo sound, đạo beat, đạo ý tưởng, đạo hình ảnh trong MV… đang ngày một dài. Không dừng lại ở những lùm xùm, tố cáo và kiện tụng giữa các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn trong nước như trước đây, vi phạm tác quyền giờ đây đã mở rộng biên độ ra ngoài biên giới, với chủ thể sáng tạo bị xâm phạm quyền SHTT đều là nghệ sĩ nước ngoài. Ca sĩ Phúc Bồ tham gia chương trình Sao đại chiến bằng cách “lấy cảm hứng từ tác phẩm” Body của Mino và Okey Dokey của Zico. Đinh Đại Vũ bê cả cảnh quay trong MV DNA của nhóm nhạc nổi tiếng BTS vào MV Em muốn cái gì đây. MV 102 Hater của Lil Shady bị người hâm mộ Hàn Quốc phát hiện giống ca khúc của B.I (iKOn). Người ta và anh của Lê Thiện Hiếu có bản phối giống hệt Till the morning comes của nhóm nhạc Marauders. Em là duy nhất của Tóc Tiên bị nghi ngờ đạo Chuyến tàu ly biệt của Triệu Vy, với phần điệp khúc giống y hệt. Thu Thuỷ “mượn” cả hình ảnh lẫn kịch bản trong MV của Eunji (A Pink) để biến thành của mình…     

Đặc biệt, V-Pop có một cái tên luôn gắn liền với cụm từ “nghi án đạo nhạc” mỗi  khi ra mắt bất cứ một sản phẩm mới nào, đó là Sơn Tùng M-TP. Mặc nghi ngờ bủa vây, mặc dư luận luôn đặt những dấu hỏi to đùng quanh cả loạt ca khúc Em của ngày hôm qua, Không phải dạng vừa đâu, Chắc ai đó sẽ về, Chúng ta không thuộc về nhau….với danh sách những nghệ sĩ nước ngoài bị “mượn mà không hỏi” ngày một dài (G-Dragon, Adele, Jung Yong Hwa, Charlie Puth và Selena Gomez…), Sơn Tùng vẫn là ca sĩ cực kỳ thành công về mặt thương mại, vẫn đắt sô quảng cáo, vẫn giữ ngôi vị số một trong các bảng xếp hạng lượt nghe/tải và nhờ thế, vẫn kiếm được rất nhiều tiền. 

Sơn Tùng M-TP

 

Điều đáng nói là phần lớn những sản phẩm âm nhạc bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm SHTT nói trên đều lọt vào danh sách hit, đều liên tiếp thiết lập những kỷ lục ấn tượng khi đạt số lượt xem/nghe/tải rất lớn trên các trang chia sẻ và cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Điều đó đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ “làm liều” kể trên đã hưởng lợi rất lớn từ việc vi phạm bản quyền, từ việc ăn trộm chất xám từ phía các đồng nghiệp nước ngoài tài năng. Sau những nghi vấn vi phạm bản quyền đặt ra từ phía công luận (mà tỉ lệ chính xác rất lớn), các nghệ sĩ đều phải thú nhận rằng mình có “mượn”, “lấy cảm hứng” một phần chất xám nào đó của đồng nghiệp nước ngoài.  Thói quen giải quyết vi phạm quyền tác giả bằng “tình”, thay vì bằng “lý”; chế tài xử phạt chưa thật sự nghiêm khắc và mang tính răn đe đã khiến nhiều nghệ sĩ coi đạo - nhái là chuyện bình thường, thậm chí có người còn cố tình lạm dụng để nhanh nổi tiếng. Nếu không may bị dư luận phát hiện, họ chọn cách nói lời xin lỗi… rồi thôi. Bởi vụ việc đáng xấu hổ ấy sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng mà “thủ phạm” hiếm khi phải nhận hình phạt nghiêm khắc nào. 

“Chơi dao lắm có ngày đứt tay”

Những nghệ sĩ thiếu tài, thừa tật quen thói “chôm chỉa” quên mất một điều, họ đang dần tham gia vào sân chơi toàn cầu. Và những đồng nghiệp nổi tiếng mà họ chọn vi phạm quyền tác giả đều là công dân của những quốc gia có nền công nghiệp văn hoá cực kỳ phát triển, với hệ thống luật pháp bảo hộ SHTT đầy đủ, nghiêm minh. Kỷ nguyên số giúp tác phẩm của họ được mở rộng biên độ khán giả tới mọi châu lục. Nhưng kỷ nguyên số cũng khiến mọi hành động gian dối, phạm pháp đều rất dễ bị phát hiện. Và hệ luỵ mà họ phải nhận lại, không thể dùng lời xin lỗi quấy quá là giải quyết xong. 
       
Tháng 10 năm 2017, Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh đã từng là một MV đặc biệt thành công, với con số 30 triệu lượt xem (views) trên kênh YouTube. Sau khi vụ việc vi phạm bị nhạc sĩ Zack Hemsey phát hiện ra, MV này đã lập tức biến mất khỏi YouTube, đồng nghĩa với 30 triệu views quý giá đã “bốc hơi”. Để xử lý khủng hoảng, Noo Phước Thịnh đã chọn cách gỡ bỏ phần nhạc nền “xài chùa”, phát hành lại bản mới và cho đến thời điểm này đã thu hút được gần 17 triệu lượt xem, sau hơn một năm tồn tại. Nhưng động thái sửa chữa đó không giúp Noo tránh được vụ kiện, với khoản bồi thường thiệt hại lên tới 850 triệu đồng. 

Trước đó, MV Sống xa anh cũng đã hồn nhiên sử dụng hai đoạn nhạc, từ hai bản hoà âm Icarus và Glimme of Hope của nhà soạn nhạc Ivan Torrent mà không mua tác quyền khiến ca sĩ trẻ Bảo Anh có nguy cơ phải nộp số tiền phạt cộng phí tác quyền lên đến 10 nghìn Euro. May mắn hơn đồng nghiệp Noo Phước Thịnh, sau quá trình thương lượng, sau lời xin lỗi muộn mằn, Bảo Anh chỉ phải bỏ ra 100 triệu đồng mua tác quyền mà  không phải đối mặt với những rắc rối về mặt pháp lý sau đó. 

Noo Phước Thịnh

 

Nâng cao nhận thức là việc cần làm ngay 

Ngay khi nhận được phản hồi tác phẩm có dấu hiệu vi phạm, sản phẩm âm nhạc ngay lập tức sẽ bị gỡ khỏi các trang chia sẻ trực tuyến uy tín, đồng nghĩa với số lượt xem/nghe/tải đo đếm thành công, thu hút quảng cáo của nó sẽ bị xoá sổ. Sau đó, chủ thể quyền có thể áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền SHTT của mình như “yêu cầu phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại/yêu cầu cơ quan có thảm quyền xử lý hành vi vi phạm/ khởi kiện ra toà án hoặc trọng tài” (Điều 198 Luật SHTT). 

Mọi vi phạm sẽ được giải quyết bằng luật. Không có chỗ cho những thanh minh, xin lỗi theo kiểu xuê xoa cho có. Mọi thiệt hại về vật chất và tinh thần đều được đong đếm bằng khoản tiền bồi thường rất lớn. Sau khi toà tuyên án, người vi phạm còn phải đối mặt với những hậu quả nặng nề: Bị công chúng tẩy chay, bị người hâm mộ quay lưng, mất cơ hội đứng trên sân khấu, bị lưu vào “sổ đen” của những đơn vị thu âm - phát hành uy tín của nước ngoài dẫn đến cơ hội xâm nhập thị trường quốc tế bị đóng cửa vĩnh viễn. Đó là chưa kể, nhiều vi phạm nhỏ lẻ cộng lại sẽ tạo nên một hình ảnh showbiz Việt méo mó, không chuyên nghiệp, không có ý thức thượng tôn pháp luật trong con mắt bè bạn năm châu. 

Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, những vụ việc đáng buồn kể trên đã đặt ra những vấn đề mới, những yêu cầu mới từ thực tế cuộc sống liên tục biến thiên khiến nhiều đối tượng liên quan phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận cũng như nỗ lực tìm ra hướng giải quyết thực trạng gây nhức nhối từ nhiều năm nay.

Ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang manh nha hình thành, với những bước đi chập chững đầu tiên tiếp cận và chinh phục sân chơi toàn cầu. Không chỉ hướng tới công chúng trong nước, giờ đây các tác giả đang nỗ lực đưa tác phẩm vươn mình ra ngoài biên giới, với tham vọng mở rộng biên độ công chúng hưởng thụ. Nhưng nhạc Việt chỉ có thể đi xa, khi mỗi thành tố tạo nên ngành công nghiệp này chủ động nhận biết quyền và nghĩa vụ, trong hoạt động bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ cho chính mình và cho cả cộng đồng, tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam, các công ước bảo hộ bản quyền và thông lệ quốc tế.

Huyền Nga