+ Xin nghệ sĩ cho độc giả biết về việc “bén duyên” với nghệ thuật và “thương hiệu” Quang “Tèo”?

- Nghệ thuật hài đến với tôi như một lẽ tự nhiên. Bắt đầu nghiệp diễn với vai trò của một nghệ sĩ hát chèo, sau đó bất ngờ tôi rẽ sang Nhà hát kịch Quân đội, làm quen với thể loại kịch, rồi hài kịch và gắn bó cho đến tận bây giờ.

Ngay cả cái nghệ danh “Tèo” cũng đến với tôi hoàn toàn ngẫu hứng. Năm 1983, khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi có tham gia trình diễn tiểu phẩm giao lưu. Hồi đó, tôi được phân công vào vai một tên bị khoèo tay, khoèo chân có tên là Tèo.

Thực ra Tèo không bị khoèo mà chỉ giả vờ bị khoèo chân, khoèo tay, méo mồm và lợi dụng sự tật nguyền đó để đi buôn rượu lậu, tránh công an và qua mặt phòng thuế. Nhưng rồi có một lần vì khoèo mãi một kiểu, mỏi tay quá nên hắn đổi tư thế thì bị phát hiện và bị bắt. Vai diễn quá ấn tượng, nên từ đó đồng nghiệp thường gọi tôi là Quang “Tèo”. Nghe mãi thành quen, thấy nó như là máu thịt của mình. Nên giờ, nhắc đến Nguyễn Tiến Quang thì chắc nhiều người phải tần ngần, lắc đầu không biết là ai, nhưng chỉ cần nghe danh Quang “Tèo” thì mọi người đều nhớ đến anh chàng nông dân chân lấm, tay bùn nơi vùng quê khắc khổ với tiếng cười giòn tan trên sân khấu hài lâu nay.

+ Nghệ sĩ có thể “bật mí” về bí quyết thành công của mình?

- Tôi không dám nhận mình là thành công, nhưng cũng chấp nhận được, vì sau 33 năm cống hiến tôi cũng chỉ được phong là NSƯT. Gắn bó với nghề phải hài hòa, không nên nặng về mục đích kinh tế. Để sống được trong lòng khán giả thì nhất định phải lao động nghiêm túc, diễn thật tốt. Nghề gì cũng vậy, bên cạnh đam mê là trách nhiệm với nghề của mình thì chắc chắn sẽ thành công. Mấy chục năm đứng trên sân khấu, tôi không chỉ tự hào mình đã mua được xế hộp, gánh vác kinh tế cho gia đình mà điều khiến tôi hãnh diện nhất đó chính là “thương hiệu” Quang “Tèo” đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Không phải khoe, nhưng tôi đi đến đâu cũng được nhiều người yêu quý, đặc biệt là những lần đi lưu diễn ở các miền quê được nghe người dân gọi cái tên Quang “Tèo” thân thuộc, thấy vui lắm, tự hào lắm.

Quang “Tèo” tên thật là Nguyễn Tiến Quang, sinh năm 1962, tại làng Vòng (nay là Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), hiện mang quân hàm Thượng tá, thuộc biên chế của Nhà hát kịch Quân đội. Sau 33 năm công tác, anh đang được Nhà nước cho nghỉ chờ chế độ (tháng 6/2016) nhận sổ hưu, nhưng nghiệp diễn thì vẫn còn dài.
Để có được thành công này, tôi luôn biết ơn đến các đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn, NSND Khải Hưng. Chính đạo diễn Khải Hưng đã ghép Quang “Tèo” với Giang “Còi” thành một cặp ăn ý. Trước đây, còn có "Trưởng thôn" Văn Hiệp, chúng tôi là bộ ba không thể thiếu trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" của VTV. Thỉnh thoảng có bà con nông dân gặp tôi cứ hỏi sao anh toàn bị “thằng” Giang “Còi” bắt nạt suốt thế.

+ Nghệ sĩ có thể “tiết lộ” cho độc giả biết những kỷ niệm vui, buồn trong nghiệp diễn?

- Với 33 năm trong nghề, tôi đã đến rất nhiều địa phương, cả vùng biên giới, hải đảo, đã từng diễn trên sân khấu lớn, nhỏ, thậm chí diễn vo (diễn không cần sân khấu, phục trang) nên cũng có nhiều kỷ niệm vui, buồn.

Chuyến đi Trường Sa phục vụ các chiến sĩ ngoài đảo xa là một trong những kỷ niệm đẹp. Sau 13 ngày lênh đênh trên biển, dù to khỏe nhưng có tiền sử say sóng nên vừa đặt chân đến nơi người tôi mềm nhũn. Nhưng trước tình cảm mộc mạc, chân thành của anh em nơi đây đã khiến cho những người nghệ sĩ như tôi thật sự cảm phục.

Lúc chúng tôi đến, có một chiến sĩ trẻ chạy ra, mặt rất phấn khởi, bảo là từ lâu đã mong được gặp anh Quang “Tèo”. Biết hôm nay trong đoàn có nghệ sĩ Quang “Tèo” đến nên đêm qua hồi hộp không ngủ được và tranh thủ viết thơ tặng tôi. Thực sự khi đọc được những câu thơ hồn nhiên của các chiến sĩ tôi đã xúc động rơi nước mắt.

Những chuyến đi quay ở các vùng nông thôn, từ trẻ con đến người già, họ ra bắt tay, ôm mình, có cụ không còn cái răng nào, cười chỉ toàn lợi, tuổi rất lớn cũng nhận ra mình. Họ rất vui, mời mình vào uống nước, mời bắp ngô, củ sắn, củ khoai nướng... Mình chuyên đóng vai nông dân nên đến với bà con như đến với người nhà vậy.

Quang “Tèo” (bìa trái) cùng Giang “Còi” trong một vỡ diễn. Ảnh: TQ

Còn chuyện không vui cũng lắm, nhưng nhớ nhất là dịp lưu diễn tại Quảng Ninh vào đêm giao thừa năm 2005. Nhận được lời mời biểu diễn ở Quảng Ninh và định từ chối vì không có thói quen đi diễn đúng đêm 30 Tết. Tuy nhiên, khi phía đối tác đưa ra mức thù lao 20 triệu đồng/đêm, tôi đã nhận lời. Cùng biểu diễn lần đó với tôi còn có nhiều anh em nghệ sĩ khác như Tấn Minh, Minh Anh, Minh Ánh và nhiều nghệ sĩ khác trong Sài Gòn. Sau khi diễn xong thì bầu sô đột nhiên "mất tích" không rõ lý do. Cả đoàn đã phải ở lại Hạ Long trong hoàn cảnh dở khóc, dở cười. Kết cục là năm đó vừa không được đón Tết ở nhà vừa lại mất tiền thù lao, đón giao thừa trong… đói khát.

+ Nghệ sĩ có thể cho biết về gia đình của mình?

- Tôi lập gia đình khá muộn, nhưng được sự ưu ái của ông trời, món quà đến muộn lại mang một giá trị ý nghĩa bất ngờ. Vợ tôi là một người phụ nữ hiền lành, đảm đang, dù không phải hàng tuyệt sắc giai nhân nhưng chính sự đảm đang, hi sinh vì chồng con của cô ấy đã khiến tôi trân trọng như một báu vật. Tôi đang cảm thấy hạnh phúc khi là bố của hai đứa trẻ sinh đôi, nếp tẻ đều đủ.

Từ khi sinh con (năm 2003), vợ tôi ở nhà để chăm hai con, lo nội trợ, gánh vác việc gia đình nên một mình tôi lo kinh tế gia đình. Để trang trải được cho tổ ấm nhỏ bé của mình, tôi đã phải làm việc gấp nhiều lần người khác. Ngoài việc tham gia các vở diễn của Nhà hát kịch Quân đội, tôi còn tranh thủ nhận thêm các vai diễn bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.

+ Nghệ sĩ có dự định gì sau khi cầm sổ hưu?

- Nghỉ hưu không phải là nghỉ diễn, nên tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả, nghệ thuật không có tuổi. Minh chứng là trong dịp Tết Bính Thân này, tôi và tốp diễn sẽ trình làng một số ấn phẩm đặc sắc như: Đại gia chân đất 6; Thông gia đón Tết; Ván cờ vồ; Tiền đồ; Đón xuân…

+ Xin cảm ơn nghệ sĩ về cuộc trò chuyện này.

Trần Quý (Thực hiện)