Đó là sự tích bánh chưng, bánh dày với tấm lòng hiếu thảo của vợ chồng hoàng tử Lang Liêu chăm chỉ cày cấy và làm ra sản vật độc đáo từ  lúa gạo, đậu xanh, thịt lợn, lá dong (những nông sản tiêu biểu của văn minh nông nghiệp, văn hóa lúa nước) để dâng lên vua cha.

Tiếp đó là sự tích cây nêu ngày Tết đuổi tà ma quỷ dữ, bảo vệ cho sự bình yên cuộc sống con người.

Đón Tết, người Việt thời phong kiến thường sắm câu đối đỏ (viết trên giấy hồng điều), tranh gà lợn, tranh lý ngư vọng nguyệt, tranh tứ bình Xuân, Hạ, Thu, Đông cùng với những bài thơ Đường tuyệt tác tả cảnh bốn mùa để trang hoàng nhà cửa đón Xuân về, mong muốn những điều tốt lành, nhân khang, vật thịnh.

Hàng ngàn năm qua, những người dân Việt hiền lành chăm chỉ, một nắng hai sương trên đồng ruộng làng quê khi đến đầu tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) là nghĩ về Tết, lo sắm Tết, chuẩn bị kế hoạch đón Tết, lễ Tết, chúc Tết, ăn Tết và truyền bảo nhau phải cẩn trọng coi sóc nhà cửa trong tháng củ mật (tháng 12 là tháng củ mật, tức là phải củ soát cẩn mật, cửa đóng then cài nhà cửa, đề phòng đạo chích).

Vào trung tuần tháng Chạp, thời tiết dần dần thoát khỏi cái giá rét cuối Đông, dân làng sẽ náo nức chờ đón không khí ấm áp của Tết, của mùa Xuân và để ăn Tết với triết lý lạc quan “giàu ba ngày Tết, khó ba tháng hè”. Tết đến nhà ai cũng sẽ là “giàu”, dù quanh năm đầu tắt mặt tối.
Những phiên chợ Tết ở nông thôn bao giờ cũng náo nhiệt. Người đi chợ Tết đông hơn chợ ngày thường, đủ cả già trẻ, gái trai, mọi lứa tuổi kéo đến từ các xóm làng. Hàng hóa đủ loại đầy ngoài chợ: Những cuộn lá dong xanh mướt, những chồng ống giang dài tròn đều (chẻ lạt gói bánh chưng, gói giò lụa, giò mỡ…), bạt ngàn dưa cải xanh, hành củ, đậu xanh, hạt tiêu, gạo nếp cái hoa vàng, gà giò cúng Giao thừa, thịt lợn, củi tre, củi xoan, củi tạ (gốc tre, gốc cây to được “đánh mọ” bổ ra sẵn thành từng thanh lớn) cùng với trấu, mùn cưa… được bày bán la liệt để luộc bánh chưng, để ủ ấm bếp lửa ba ngày Tết.

Chợ Tết thời xưa hay có mưa phùn lắc rắc, thoang thoảng bay mùi trầm, hương trong không gian yên lành của làng quê. Cây cối bắt đầu đâm chồi, nảy lộc xanh non nhu nhú, long lanh những giọt sương đêm. Tiết trời se lạnh, mưa phùn phun rơi nhè nhẹ khắp trời, sau rồi cũng đủ làm lầy lội mặt sân chợ và đường làng, ngõ xóm. Thời ấy, ai ai cũng muốn chợ búa, đường quê khô ráo mà không dễ gì được thế. May mắn lắm thì xóm làng có những con đường gạch xây nghiêng nhiều đời, đi từ xóm này qua xóm khác. Tương truyền mỗi khi lấy vợ, trai làng phải xây cho làng dăm mét đường gạch nung bằng lửa rơm để có màu đỏ tịm như thế. Gạch đặt nghiêng, liên kết mạch bằng vôi, muối và mật rất cứng nên “chịu tải” khá tốt để cho người, xe đi lại thoải mái. Chỉ một nỗi là không thể phẳng nhẵn. Xe kéo đi qua liên tục sẽ có tiếng lộc cộc, lộc cộc - thanh âm của xóm làng nông thôn…

Làng quê xưa có rất nhiều ao làng thả bèo cái, bèo ong, bèo tấm. Cá dưới ao hay quẫy đớp bèo. Ếch nhái, chẫu chuộc kêu ran ran bên bờ ao trong làng là chuyện bình thường quen thuộc ban đêm. Xung quanh làng bao giờ cũng có những lũy tre xanh tốt tồn tại hàng trăm năm, rợp bóng cò trắng khi chiều về. Ngày Tết, bờ ao, cầu ao là nơi diễn ra sinh hoạt xóm làng của người già, trẻ em, nam thanh, nữ tú làm việc chuẩn bị Tết như rửa lá dong, vo gạo nếp, đãi đậu xanh, mổ gà, giết lợn. Người ta cười nói râm ran, đùa nghịch với nhau, kể bao chuyện đời, chuyện người bên bờ ao, bên lũy tre xanh.

Vào khoảng sau rằm tháng Chạp đến cận Tết, dân làng bắt đầu đổ xô đi chợ Tết, sắm Tết, mua quần áo mới cho trẻ em, cho người lớn, người già; hăng hái mua vôi ve màu để quét lại, trang trí nhà cửa đón năm mới.

Chợ Tết xưa bao giờ cũng nhộn nhịp, bán mua, sắm sửa. Ai đi chợ cũng nặng trĩu chiếc rổ cắp cạnh sườn hoặc quang gánh, thúng mủng kĩu kịt đầy ắp chuối xanh, đu đủ, cam, quýt, bưởi, bòng, phật thủ… cho đủ mâm ngũ quả. Tiếng người hỏi mua, mặc cả, rao bán, mời mọc, trò chuyện ồn ào, ầm ĩ nghe như một dàn đồng ca bất tận mà người Việt gọi là tiếng chợ - những thanh âm quen thuộc ấm áp của cuộc sống con người làng quê xưa.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, để chuẩn bị ăn Tết, dân làng thường đi gánh nước, chở nước bằng tất cả các phương tiện. Gánh nước về nhà phải đi hàng cây số. Các cô thôn nữ mặc áo cánh nâu chiết ly, thắt đáy lưng ong, cổ trái tim, xắn quần ngang bắp chân trắng mịn, lội xuống từng bậc đá ong múc nước giếng đất trong veo của làng, rồi hái lá sen, lá chuối đặt trên mặt thùng nước đầy để khi gánh không bị sóng sánh ra ngoài. Trong làng, ngoài xóm nhà nào cũng mong muốn đến ngày ba mươi Tết, chum nước, ang nước, vại nước, bể nước nhà mình phải đầy ắp, đầy phè và trong vắt để mong muốn tài lộc đầu năm dư thừa. Nhà cửa, sân vườn, ngõ xóm phải được quét dọn sạch sẽ để sáng mồng một là kiêng không được quét rác nữa.

Ngày Tết ông Táo, theo quan niệm dân gian, mọi nhà đều sắm sửa mũ, áo, hia, cá chép để Vua bếp - Táo quân về Thiên đình tấu trình mọi việc năm cũ cho gia chủ. Tục lệ ấy được dân gian vẫn lưu truyền mãi cho đến tận bây giờ. Tâm điểm quan trọng bậc nhất của Tết là gói bánh chưng và luộc bánh chưng. Đó là việc làm thu hút mọi người trong gia đình, già trẻ, lớn bé mỗi người một việc: Chẻ lạt, ngâm gạo nếp, vo gạo nếp, đãi đậu, nấu đậu làm nhân bánh chưng, chuẩn bị thịt lợn ướp với hạt tiêu, muối trắng, rửa lá dong và tiến hành gói bánh chưng trên những chiếc nong, nia phẳng phiu, rộng rãi. Cả nhà tập trung vừa làm, vừa xem người cao tuổi nhất cùng với những người khéo tay nhất nhà gói bánh. Và thế nào cũng phải gói một số bánh chưng con dành riêng cho trẻ em.

Bánh chưng được xếp nghiêng trong một nồi to, hoặc thùng phuy, dưới đáy nồi lót nhiều cuống lá dong dày đặc để sức nóng củi lửa không bén trực tiếp vào nền bánh. Dưới nồi được kê bằng ba chồng gạch già, nhóm lửa củi tạ, ủ đầy trấu cháy đượm đỏ rực, đun sôi quãng chừng 12 giờ liên tục, củi lửa phải đều. Trên thùng luộc bánh bao giờ cũng phải có chiếc nùn rơm chặn bánh và đặt chiếc chậu nhôm để nước cho nóng cùng với nồi bánh đang luộc, và để chế thêm nước nếu nước trong nồi luộc bánh chưng bị cạn. Người lớn lấy nước ở chậu thau trên nồi bánh để pha nước ấm tắm tất niên cho trẻ em trong nhà. Dân gian quan niệm dứt khoát phải tắm tất niên bằng nước lá mùi để tẩy rửa, trút bỏ mọi điều không tốt của năm cũ, để cho con người sạch sẽ đón chào năm mới.

Chuẩn bị Tết, con rể bao giờ cũng phải đem rượu và quà đến lễ Tết bố mẹ vợ và gia đình bên ngoại. Trước Tết, con cháu gia đình phải đi ra ngoài đồng thắp hương phần mộ tổ tiên để mời gia tiên về ba ngày Tết cho con cháu thờ cúng.

Đêm ba mươi Tết ngày xưa trời tối lắm. Đường làng ngõ xóm tối om như mực (lúc đó chưa có ánh sáng điện như bây giờ). Người xưa thường ví von “tối như đêm ba mươi” và cho rằng, nếu được như vậy là nhịp đi của thời tiết thuận theo lẽ âm dương, trời đất sẽ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Thời xưa, đi chợ Tết, người ta thường mua hoa hải đường, sắm mâm ngũ quả năm màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho ngũ hành, bày trên bàn thờ cúng gia tiên. Cần phải thắp hương đen (hương xạ), hương vòng, để cho ba ngày Tết lúc nào trên bàn thờ cũng nghi ngút khói hương thơm và đặc biệt là bếp của gia đình lúc nào cũng phải đỏ lửa như là hạnh phúc ấm yên của cả nhà. Kiêng kỵ nhất là ngày Tết, bàn thờ gia tiên hương lạnh, khói tàn, bếp nhà không đỏ lửa và gia đình có người ở xa không về ăn Tết. Chính vì phong tục đặc biệt này mà đến ngày Tết, người Việt dù ăn đâu làm đâu, vẫn tìm mọi cách vượt suối, trèo đèo lặn lội về quê trước lúc giao thừa. Tết là dịp để gia đình sum họp, gắn kết các thế hệ, trao truyền những nét đẹp gia phong cho thế hệ mai sau. Đón Tết, người Việt thêm yêu quý gia đình, đậm đà tình làng nghĩa xóm. Mọi khúc mắc, mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm đều nhân dịp hết năm đều có cơ hội “hóa giải”, cho qua, để khỏi “rông” sang cả năm mới.

Sáng sớm mồng một Tết, trẻ em, người lớn đều ăn vận quần áo mới và cực kỳ coi trọng việc xông đất, xông nhà. Ai đến xông đất được coi là đem vận hội mới đến cho gia chủ và thường được lựa chọn cẩn thận. Gia chủ thường nhờ người có “vía lành”, có gia cảnh đủ ngũ phúc, có “sao tốt” chiếu mệnh và đặc biệt bản mệnh tuổi hợp với gia chủ, thì mới được đến “xông” nhà, “xông” đất. Nhưng cũng có nơi để việc này tự nhiên, ai đến xông đất cũng được, và tất nhiên sẽ được chủ nhà nhiệt tình đón tiếp và dứt khoát phải mời ăn một chút gì để cho chủ nhà khỏi “rông” cả năm.

Người Việt đặc biệt đề cao Tết Nguyên đán như một sự mở đầu quan trọng cho cả một năm, cho nên mới có phong tục chúc Tết (mong muốn cho nhau những điều may mắn, tặng nhau những lời lẽ tốt đẹp nhất), mừng tuổi, mừng sức khỏe, “phát vốn”, “mở hàng” (lì xì) bằng tiền mới, tiền đẹp, không cần nhiều (vì là đồng tiền may mắn).

Người xưa quan niệm rằng: Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy. Xong ba ngày Tết, gia chủ phải làm một mâm cỗ thịnh soạn để hóa vàng và lễ tiễn gia tiên về âm giới theo quan niệm văn hóa tâm linh, và chuẩn bị đón mùa lễ hội ba tháng tiếp theo.

Thế kỷ XXI là thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa ngày càng rộng mở. Những làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ đang lan tràn qua các châu lục, làm thay đổi thế giới từng ngày. Phong tục đón Tết Nguyên đán của dân tộc đang có nhiều biến đổi, nhưng về cơ bản, nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được cộng đồng cả nước trân trọng giữ gìn.

Tết Nguyên đán vẫn được coi là quan trọng nhất trong hệ thống các ngày Tết trong năm. Hàng triệu, hàng triệu người Việt đã, đang và sẽ còn háo hức trở về quê ăn Tết, sum họp gia đình. Đó là một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại ngày nay. Sắm Tết giờ đây như được lập trình bởi sự “phân công” của xã hội “dịch vụ”. Tất cả hàng hóa đều có ở siêu thị (ở chợ quê hay chợ tỉnh) và chỉ trong một ngày là mua đủ những thứ cần thiết như hoa quả trái cây, bánh mứt, kẹo, bánh chưng, hạt dẻ, giò, chả… Nền kinh tế hàng hóa được phát triển sôi động với tốc độ chóng mặt, đủ mọi thứ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Khắp nơi đều có điện sinh hoạt thắp sáng nên trẻ em (nhất là trẻ em thành phố) không thể hiểu được câu nói người xưa về cái tối của đêm ba mươi.

Giờ đây, người ta không chỉ đón Tết ở trong nhà mình với những người thân. Nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi đón Tết ở một nơi khác quê trong tư cách một chuyến du lịch.

Ngày nay, mọi người chúc Tết qua hàng triệu tin nhắn điện thoại đến nghẽn mạng, hoặc trò chuyện suốt ngày trên internet, trên facebook. Thanh niên thì thích đón giao thừa ngoài đường phố đông vui nhộn nhịp và đi hái lộc (bẻ cành cây, mua mía cây ngọt cho là lộc mang về nhà).

Chợ hoa Tết ngày nay rất khác trước với đủ chủng loại hoa, đào, quất, đào rừng… nhiều hơn vô kể so với Tết xưa. Kỳ lạ nhất là đến hôm ba mươi Tết thì người dân cũng “khuân” đào, quất, cây cảnh, thủy tiên, hoa hải đường về hết sạch, chẳng mấy khi có người bán ế hàng.

Có năm đến ba mươi Tết, siêu thị “cháy” hàng, người mua đành chịu “rút kinh nghiệm” cho Tết sau…

Thế mới biết sức mua của con người giờ đây lớn đến mức nào, và đời sống cũng như nhu cầu của người dân bây giờ đã phong phú hơn trước biết bao nhiêu. Tuy nhiên vẫn còn những người vô gia cư, những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa thiếu thốn, những người thiếu may mắn, vẫn rất cần sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng.

Tết Đinh Dậu đang dần đến bên thềm thời gian rực rỡ của Xuân 2017. Chắc chắn một mùa Xuân mới đang về tràn đầy sức sống của dân tộc trong thời kỳ đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế.

Tết nay là hoa thơm trái ngọt của truyền thống ngàn năm Tết xưa và đang bừng nở ngào ngạt hương sắc tâm hồn Việt khao khát vươn lên trong quỹ đạo phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng
Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển