Trăn trở với văn hóa cội nguồn

Ở xã Tân Dân, bên cạnh các dân tộc Kinh, Tày, Sán Dìu, thì bà con dân tộc Dao Thanh Phán chiếm đa số. Trải qua biết bao thăng trầm, biến động của lịch sử, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn luôn ý thức việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc mình để truyền lại cho con cháu mai sau.

Trong trí nhớ của "thầy Minh", vốn liếng chữ cổ của ông bây giờ có được chủ yếu là do thủa nhỏ “học lỏm” từ ông và bố và lớn lên thì tự tìm tòi. Ông kể: Từ xa xưa, người Dao Thanh Phán có chữ viết gốc Hán được Dao hóa gọi là chữ Nôm Dao và được viết trên giấy đặc biệt do chính họ làm ra. Chữ của người Dao được dùng trong các bài cúng gia tiên, cúng lễ, Tết, cúng bàn cổ (cúng cấp sắc cho những người trưởng thành)...

"Hiện nay, rất ít người trong đồng bào tôi biết chữ cổ của người Dao Thanh Phán. Số người biết đọc và viết được chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các thầy mo, thầy cúng và một số các cụ cao tuổi. Tiếng nói của dân tộc cũng không được sử dụng thường xuyên như trước nữa" - ông Minh trăn trở.

Trải lòng mình, “thầy Minh” kể tiếp, trước đây, mỗi khi thôn bản có việc hay có người được cấp sắc là cả họ, cả bản vui, mọi người cùng lo lắng, chuẩn bị các nghi lễ theo đúng phong tục của dân tộc mình. Nhưng rồi, cuộc sống hiện đại, bà con ai cũng phải nặng gánh mưu sinh, do đó, nét sinh hoạt truyền thống xưa giờ còn ít người biết đến.

Trong tâm niệm, ông luôn mong muốn đồng bào dân tộc mình, nhất là thế hệ trẻ phải biết viết chữ và hiểu nghĩa của tiếng mẹ đẻ. Ngoài tiếp thu tiến bộ văn hóa mới thì cũng cần gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc. Hơn ai hết ông hiểu, chỉ có học được con chữ cổ thì các nghi lễ, nét văn hóa quý báu của dân tộc mình mới không bị mai một, lãng quên theo năm tháng.

Trong thâm tâm, ông chỉ mong lớp trẻ đến học hỏi để được truyền dạy. Ảnh: Trọng Tài

 

Giữ "hồn" dân tộc...

Từ những trăn trở ấy, ông đã mạnh dạn xin ý kiến của lãnh đạo xã để mở lớp dạy chữ của người Dao Thanh Phán cho bà con trong thôn bản. Thấy được sự nhiệt tình, tâm huyết của ông, năm 2010, chính quyền xã Tân Dân đã chọn ngôi nhà cổ nơi gia đình ông đang sinh sống làm địa điểm để dạy chữ.

Kể từ đây, ông bắt đầu dạy chữ Dao miễn phí cho đồng bào dân tộc. Đến nay, lớp học của ông không chỉ diễn ra tại nhà riêng mà còn được tổ chức ở nhà văn hóa thôn, mỗi tuần 3 - 4 buổi, mỗi buổi có khoảng 30 người tham gia học với đủ mọi lứa tuổi.

Học trò trong lớp dạy chữ của ông chủ yếu là nam giới. Bởi, theo quan niệm của đồng bào Dao Thanh Phán, việc học chữ là để đảm nhiệm các công việc cúng bái, xem ngày, giờ phục vụ những nghi lễ, phong tục của cộng đồng dân tộc mình.

Điều đặc biệt trong lớp học của “thầy Minh” là học trò không phải đóng tiền học phí, mà chỉ cần đem theo lòng nhiệt tình và cái tâm với văn hóa cội nguồn. Vậy là đủ!

Trong mỗi giờ học, học trò không chỉ được học đọc, học viết từng nét chữ của dân tộc Dao mà còn được nghe "thầy Minh" nói về đạo lý làm người, về lịch sử, phong tục tập quán, bản sắc của đồng bào mình.

Thấy ông tâm huyết, một số người trong thôn, trong xã cũng chung tay cùng ông chăm lo cho lớp học, những cuốn sách quý được lưu giữ lâu nay trong nhiều gia đình cũng được mang đến để ông tham khảo, nghiên cứu. Hiện tại, ông Minh đã có trong tay kho tư liệu quý với gần 20 cuốn sách cổ. Mỗi cuốn đều ghi lại từng nét lịch sử, văn hoá, phong tục riêng của người Dao.

“Thầy Minh” chia sẻ, học chữ cổ của người Dao Thanh Phán không hề đơn giản, đòi hỏi người dạy phải thực sự kiên trì và người học cũng phải có sự nhiệt tình, quyết tâm. Trung bình một người học từ đầu sẽ phải mất từ 6 - 8 năm mới thành thạo.

Với chữ của người Dao, nếu không hiểu được từng nét, người học sẽ không viết được. Để dạy cho học trò, “thầy Minh” phải đọc các con chữ trước rồi hướng dẫn viết, giải thích nghĩa và dạy cách phát âm. Sau khi học thuộc, biết ghép rồi sẽ dạy đến các bài cúng gia tiên, cúng lễ, Tết hay cao hơn nữa là cúng bàn cổ.

8 năm qua, không chỉ người dân xã Tân Dân mà cả ở các xã, các huyện lân cận, ở đâu người Dao cần học chữ "thầy Minh" đều nhiệt tình đến giúp. Với sự truyền dạy của ông, đã có nhiều người đọc được sách cổ, hát được những khúc ca và thực hiện được những lễ nghi của dân tộc mình. Và quan trọng hơn cả là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Phán tiếp tục được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau.

Giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống nơi núi rừng, "thầy Minh" vẫn ngày ngày miệt mài "gieo chữ". Ảnh: Trọng Tài

 

Tết "thầy" bằng những lời ca cổ...

Đối với đồng bào Dao Thanh Phán ở xã Tân Dân, "thầy Minh" không chỉ là người dạy chữ, người có uy tín trong cộng đồng mà hơn thế nữa còn là người am hiểu về truyền thống dân tộc, là "cầu nối" giữa quá khứ và hiện tại.

Trong câu chuyện của mình, ông chia sẻ, nét văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Dao Thanh Phán thể hiện rõ nhất trong sinh hoạt cộng đồng, trang phục, tiếng nói và chữ viết. Đặc biệt, là tục truyền dạy chữ cổ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Người Dao Thanh Phán thường ăn Tết sớm hơn các dân tộc khác, các gia đình tùy vào điều kiện công việc để tổ chức đón Tết vào các ngày khác nhau, nhưng thường sẽ bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng Chạp ở nhà trưởng họ và kéo dài ở các hộ trong dòng họ cho đến hết tháng. Lễ vật đón Tết của đồng bào nơi đây cũng rất đơn giản, chỉ là những sản vật do chính gia đình mình làm ra, nuôi được.

Năm nay, gia đình “thầy Minh” đón Tết từ 25 tháng Chạp. Anh em, bà con dân bản, học trò cùng tới nhà ông chúc mừng năm mới và cùng trò chuyện, trao đổi về những con chữ. Quà cho "thầy" là những khúc hát cổ của người Dao Thanh Phán để cầu mong cho cuộc sống tốt đẹp, mùa màng tốt tươi và gợi nhớ về truyền thống đạo lý của dân tộc mình.

Nói về việc dạy chữ của “thầy Minh”, ông Trịnh Hồng Quyết - Phó phòng Dân tộc huyện Hoành Bồ cho biết: Việc bảo tồn chữ viết và ngôn ngữ của đồng bào Dao Thanh Phán trong huyện là hết sức cần thiết, bởi có bảo tồn thì mới gìn giữ và lưu truyền được các giá trị văn hóa truyền thống.

Bản thân ông Minh là "con nhà nòi", vừa có thể nói được, viết được lại vừa có thực tế và quan trọng hơn cả ông được sự tín nhiệm cao của đồng bào dân tộc, không chỉ ở xã Tân Dân mà còn ở các xã lân cận.

Trong việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ông là người thực sự tâm huyết; sẵn sàng hy sinh thời gian, công việc gia đình để truyền dạy con chữ, giúp đỡ bà con dân bản trong việc thực hiện các nghi lễ truyền thống đối với tổ tiên.

“Việc làm của ông Minh với đồng bào dân tộc trong những năm qua là rất đáng trân trọng và cần nhân rộng, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đối với người dạy chữ cũng như người theo học. Đó là thiệt thòi và cũng là khó khăn cho những người tâm huyết như ông Minh” - ông Quyết trăn trở.

Một mùa Xuân nữa lại về, giữa những bộn bề khó khăn của cuộc sống, "thầy Minh" vẫn ngày ngày miệt mài "gieo chữ" nơi thôn bản. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn đau đáu hy vọng "hồn" dân tộc mình được tiếp tục lưu giữ. Trong rực rỡ sắc Xuân của núi rừng, nghe học trò đọc sách cổ, hát những khúc ca của dân tộc mình, bao năm nay, với ông vẫn luôn là niềm vui lớn nhất...

Trọng Tài