Mùa xuân 2016 này, Tạ Quang Bạo tròn tuổi 75. Sau một cơn tai biến 5 năm trước nên ông đi đứng rất khó khăn, bàn tay trái đã gần như liệt, năm bữa nửa tháng lại phải vào bệnh viện. Được coi là một trong những nhà điêu khắc hàng đầu đất nước đã vài chục năm nay, có đến vài chục bức tượng được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Quân khu 5 cùng hàng chục tượng đài rải khắp hai miền Nam - Bắc, rồi cả trăm bức tượng tròn được đồng nghiệp hết lời ca ngợi bày chật cả 3 tầng trong ngôi nhà 5 tầng ở ngõ 8 Vân Hồ, Hà Nội, sự nghiệp sáng tạo điêu khắc của Tạ Quang Bạo xem như đã quá viên mãn, giới điêu khắc nước ta ít người bì kịp.

Với tuổi tác và tình hình sức khỏe hiện tại, nhiều người nghĩ chắc ông sẽ dừng việc làm tượng, tập trung tĩnh dưỡng, hồi phục sức khỏe. Nhưng thật bất ngờ, Tạ Quang Bạo đã biến tầng trệt ngôi nhà sang trọng của mình thành một xưởng tạo mẫu lấm lem đất sét, thạch cao và hàng ngày ông quẩn quanh ở đó để biến những ý tưởng sáng tạo thao thức trong đầu thành hình thành khối chỉ với một bàn tay.

Tạ Quang Bạo nói rằng, làm tượng là cuộc sống của ông, hạnh phúc của ông, còn sống là còn làm tượng, sức nghĩ, sức sáng tạo của ông vẫn còn rất dồi dào, những bức tượng đẹp nhất, ưng ý nhất của ông vẫn còn phía trước. 4 năm qua, Tạ Quang Bạo đã có thêm vài chục tượng mới và tượng của ông ngày càng mới mẻ, bất ngờ, huyền ảo.

Tác phẩm "Đảo tiền tiêu"

Cho đến bây giờ, cảm hứng chính của nhà điêu khắc từng là người lính trong kháng chiến chống Mỹ dù là trong tượng hiện thực hay siêu thực, trừu tượng, vẫn đến từ những suy tư về thân phận người lính và người phụ nữ Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà hai bức tượng thành công nhất của Tạ Quang Bạo trong những năm 80 của thế kỷ 20, được coi là hai trong những tác phảm kinh điển của điêu khắc Việt Nam hiện đại, lại là “Đảo tiền tiêu” và “Vọng phu”. Đây là hai bài thơ điêu khắc bi tráng về người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc và người vợ chiến sĩ ở hậu phương.

Với “Đảo tiền tiêu”, Tạ Quang Bạo còn là nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên có tượng về đề tài biển đảo. Là người lính của Quân khu 5 từng giải phóng Trường Sa năm 1975, Tạ Quang Bạo sớm nhận ra biển đảo quan trọng thế nào đối với Tổ quốc và sau khi giành được trọn vẹn độc lập tự do thống nhất thì bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ là một thách thức mới đòi hỏi những phấn đấu mới, hy sinh mới đối với người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cảm xúc về người lính đảo ám ảnh Tạ Quang Bạo trong suốt nhiều năm. “Đảo tiền tiêu” là bức tượng gò đồng kỳ công nhất của ông, được ông tỉ mẩn làm trong gần 5 năm trời. Tạ Quang Bạo cho biết ông đã nghẹn ngào hạnh phúc khi bức tượng hoàn thành bởi thấy mình đã tạc được vẻ đẹp lãng mạn của người lính đảo trong nỗi cô đơn nhân hậu làm ấm áp sự mênh mông vô tận của biển trời.

Tác phẩm “Vọng phu”

Đó là năm 1980, còn bây giờ 35 năm sau, Tạ Quang Bạo lại được sống trong cảm giác hạnh phúc đó khi hoàn thành bức tượng “Hoàng Sa”. Đã mấy năm nay, ông ôm ấp ý định thực hiện một bức tượng khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ở Hoàng Sa và sự phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc trắng trợn xâm phạm chủ quyền của chúng ta ở vùng biển Hoàng Sa đã thôi thúc Tạ Quang Bạo nhanh chóng hoàn thành bức tượng đúc đồng này chỉ trong vài tháng. Đối với Tạ Quang Bạo, chủ quyền của Tổ quốc hiện hình trong hình ảnh người lính đảo: Những hùng binh hải đội Hoàng Sa trước đây và các chiến sĩ Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay. Cũng là hình tượng người linh đảo nhưng nếu người lính ở “Đảo tiền tiêu” đang đối diện và chiến thắng nỗi cô đơn của chính mình thì người lính ở “Hoàng Sa” đang ở tư thế đạp bằng sóng dữ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; nếu ở “Đảo tiền tiêu” là những khối tròn đường cong mềm mại thơ mộng thì ở “Hoàng Sa” là những khối vuông nét thẳng dứt khoát quyết liệt.

Bức tượng “Hoàng Sa”

Tôi đến thăm Tạ Quang Bạo vào những ngày đầu năm 2016. Như mọi khi ông lại giới thiệu với tôi các bức tượng nhỏ rất đẹp anh vừa làm trong năm 2015 như “Dòng sông Cái”, “Miền hoang vắng”, “Tiên sa”, “Suối mơ” (đồng), “Mẹ con”, “Tình yêu trong công viên” (gỗ) và bức tượng lớn “Hoàng Sa” (đồng). Anh nói với tôi: “Mình lại được trao giải Nhất cho bức tượng này. Nhưng mình làm tượng đâu để đoạt giải hay chỉ cho các bảo tàng mua. Mình mong ước các bức tượng như “Đảo tiền tiêu”, “Hoàng Sa” hay các bức tượng khác của mình cũng như của các nhà điêu khắc Việt Nam được dựng ở Trường Sa hay các đảo khác trên Biển Đông như một cách để nghệ thuật điêu khắc tham gia khẳng định chủ quyền của Tổ quốc chúng ta! Không biết mong ước của mình có thực tế không?”.

Dựng tượng nghệ thuật ở các đảo trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền vĩnh cửu của Tổ quốc, chắc chắn mong ước của Tạ Quang Bạo là một mong ước hiện thực. Tôi thầm nghĩ thế!

Tố Hoa