Về Nghệ Tĩnh, nghe điệu hò ví, giặm

Một nhà thẩm định của UNESCO đã ví diễn xướng ví, giặm là “bản giao hưởng của dân ca xứ Nghệ”. Nhưng ít ai biết rằng, bản giao hưởng ấy lại được viết lên từ những người lao động bình thường, những nông dân “một nắng hai sương”. Về với xứ Nghệ là về với những câu hò điệu hát ví, giặm, khắp nơi chúng ta đều nghe đâu đó dư âm của những làn điệu ví, giặm mượt mà, sâu lắng. Bởi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ Tĩnh.

Sau những ngày lao động mệt nhọc, cứ tối đến hay những ngày lễ, ngày kỷ niệm, những người nông dân đều quây quần bên nhau xướng lên những điệu ví mang đậm bản sắc dân gian, tình yêu vợ chồng, những câu ca, điệu ví để nói lên cuộc sống thường ngày một nắng hai sương của mình. Họ say mê hát những câu ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa hay sự tự hào về làng nghề truyền thống.

Về với vùng đất Phù Việt, Thạch Hà nơi “Còng lưng làm nón Ba Giang/Tối về chỉ nắm cơm rang lót lòng” để nghe “Hò ơi hò!, Ai mạnh sức thì vô rừng chặt cây, bít lá/ Như tui đây tuổi già thì vuốt lá, vô khuôn/Giữ nghề truyền thống cho quê hương/Nếu trước đây không có nón, có khuôn thì nghèo... Hò ơi hò! Ai về Phù Việt thì về/Nước trong, gạo trắng có nghề cầm tay/Nghề cầm tay xưa nay còn đó/Nón trắng theo câu hò, điệu ví đi xa/ Ai về Phù Việt quê ta/Quê hương cách mạng nở hoa bốn mùa/Là hò dô hò... Người ơi ai về Phù Việt - Ba Giang/Quê hương nón trắng bao năm lưu truyền/Câu ca sâu nặng nghĩa tình/ Sáng đất nhân kiệt, địa linh bao đời”…

Hay về với quê hương Cẩm Xuyên, chúng ta lại nghe âm điệu ví, giặm được các nghệ nhân gắn ghép vào những chính sách của Đảng, Nhà nước, nhu cầu phát triển kinh tế địa phương: “Nhờ chương trình nông thôn mới/Nhờ có Đảng dẫn đường/Lúa nặng hạt trẩy bông/Người nông dân vui phấn khởi làm giàu/Cho huyện Cẩm quê mình chả thua bầu, kém bạn…”.

Cũng bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm đó, mà mỗi lần nghe, một lần cảm nhận để thấy yêu hơn những giá trị quê hương, yêu hơn những người dân xứ Nghệ hiền hoà, chân chất...

Hát ví, giặm ở hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: Internet

 

“Cái nôi” lưu giữ hồn dân ca ví, giặm

Trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hầu như xã nào cũng có những câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm. Hiện nay, cả 2 tỉnh có trên 300 CLB dân ca ví, giặm với hàng ngàn thành viên tham gia.

Đặc biệt, hệ thống các CLB ở cơ sở được thành lập đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở, trở thành một trong những “cái nôi” lưu giữ hồn dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Còn các nghệ nhân dân gian là những hạt nhân của các CLB, thực sự là những “báu vật nhân văn sống”.

Hầu hết các CLB sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình, say mê, nhiều nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tham gia CLB, truyền dạy hát dân ca cho các thế hệ trẻ và tham gia biểu diễn phục vụ dân ca cho các hoạt động văn hoá văn nghệ trên địa bàn dân cư.

Anh Nguyễn Viết Bình, Chủ nhiệm CLB dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc cho biết: Năm 2015, sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, nắm bắt cơ hội này, Ban Chủ nhiệm đã vận động, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu, đam mê ở các thôn xóm, trường học trên địa bàn để xây dựng CLB dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, CLB đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Hàng tuần cứ mỗi thứ 7 và chủ nhật thì lại diễn ra những buổi sinh hoạt CLB.

Cùng yêu dân ca ví, giặm, nhưng CLB dân ca ví, giặm Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, họ có những nét bảo tồn văn hóa riêng như: Ngoài việc áp dụng vào những làn điệu gốc cổ và phát huy thêm những làm điệu cải biên để viết vào đó sự khởi sắc của địa phương, hăng say lao động xây dựng nông thôn mới của người dân, thì những nghệ nhân nơi đây đã biến hóa thành những tác phẩm, những tiểu khúc dân ca, hoặc những tiểu phẩm để tạo niềm say mê công viêc bằng những lời ca, tiếng hát ví, giặm.

Một tiết mục ví, giặm được biểu diễn tại Hội sinh viên Nghệ Tĩnh tại TP HCM. Ảnh nhân vật cung cấp

 

Chủ nhiệm CLB ví, giặm Xuân Giang, ông Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ, nhờ sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của các thành viên, các CLB hoạt động khá đều đặn trong những năm qua. Đặc biệt, từ những hạt nhân chủ yếu là cán bộ xã, giáo viên, nông dân, đến nay, dân ca ví, giặm đã thực sự đi vào đời sống văn hóa văn nghệ các thôn, xóm và các trường học trên địa bàn. Hầu như trong các ngày lễ lớn, các chương trình văn hóa, văn nghệ của mỗi thôn, xóm đều được xây dựng bằng các tiết mục dân ca ví, giặm...

Mang ví, giặm xứ Nghệ bay xa

Ví, giặm cũng đã đến với người Nghệ xa quê và những người ở quê khác nhưng yêu thích ví, giặm xứ Nghệ. Hiện nay, ở một số tỉnh, thành phố đã xây dựng được CLB hát dân ca xứ Nghệ như: “CLB dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội”, “CLB UNESCO ví, giặm xứ Nghệ”…

Không những vậy, ví, giặm còn theo chân các nghệ sĩ, nghệ nhân, đã đến phương Nam như một "món quà quê” hấp dẫn đối với những người con xứ Nghệ nơi đây. Đó là việc thành lập các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh.

Rồi ví, giặm còn theo chân các nghệ nhân về với sông nước Cửu Long "biến tấu lên rừng, xuống biển” để giao thoa với các điệu hò, điệu lý, đờn ca tài tử Nam bộ… Điều đó không chỉ làm cho người Nghệ "yêu hơn chất Nghệ quê mình” mà còn khiến người dân các miền cũng phải hâm mộ. Hiện nay, Hội đồng hương sinh viên Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đang xúc tiến chuẩn bị thành lập một CLB dân ca mới, mong muốn thắp thêm lửa "đưa giới trẻ về với cội nguồn”.

Không những vậy, được biết trong những lần đi lưu diễn, những câu hò ví, giặm lại được các nghệ sỹ mang theo và được xướng lên nơi tuyết trắng trời Âu, nhưng không kém phần lay động, ngân rung chạm đến những cung bậc tình cảm quê nhà thân thương sâu thẳm trong lòng người xa xứ...

Ví, giặm được các nghệ sĩ mang theo biểu diễn tại trời Âu. Ảnh nhân vật cung cấp

 

Ví, giặm không chỉ được bảo lưu, phát huy trong CLB, trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân mà còn được đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung ương và thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh phối hợp cùng với các nghệ nhân thực hiện dưới nhiều hình thức: Sưu tầm, nghiên cứu, ghi âm, ghi hình, sản xuất CD, VCD, DVD về chương trình dân ca ví, giặm tiêu biểu như: “Dân ca xứ Nghệ”, “Tình quê xứ Nghệ”, “Ân tình xứ Nghệ”, “Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Quê mình quê thơ”..., phim video, phim tài liệu “Tìm về câu hát Ví”, “Tục hát phường Vải”...; in sách sưu tầm, sách nhạc và chuyên khảo về ví, giặm, phục vụ truyền dạy, tư liệu hóa, bảo vệ, phát huy, phục hồi và quảng bá, mở các trại sáng tác.

Trong những năm qua, hàng chục vở diễn với đủ các thể loại, nhiều vở tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và đã đạt được nhiều giải thưởng cao, nhiều tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng dân ca ví, giặm xứ Nghệ được ra đời như: “Nhớ về Hà Tĩnh” của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, “Hà Tĩnh mình thương” của Nhạc sĩ An Thuyên, “Mời anh về Hà Tĩnh” của Nhạc sĩ Trần Hoàn, “Câu đợi câu chờ” của Nhạc sĩ Ngọc Thịnh...

Có thể khẳng định, vùng "núi Hồng, sông Lam", mạch nguồn dân ca ví, giặm đã, đang và sẽ chảy mãi không ngừng, như câu ca:

"Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước
Thì đó với đây mới hết tình...
".

Thái Hải