Tìm lại chính mình

Những ngày cuối tháng 10 âm lịch hàng năm là dịp để các đoàn khách du lịch nước ngoài, trong đó là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... hành hương về Yên Tử. Với họ, đây là thời điểm có ý nghĩa trong năm vì gắn liền với ngày Giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài không chỉ là một vị Vua, mà còn là vị Phật. Với những nét tương đồng của văn hóa phương Đông, họ hành hương về Yên Tử thắp hương thành kính đối với Phật Hoàng và khám khá, chiêm ngưỡng cái nôi của Trung tâm Phật giáo Việt Nam.  

Anh Park Chehhun (TP Busan, Hàn Quốc) nói: "Chúng tôi chọn Yên Tử để hành hương vào dịp này. Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên huyền bí, mà còn là nơi tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ông là vị Vua, và là vị Phật. Ông không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới về tư tưởng nhân văn của mình, đó là luôn yêu thương con người. Chúng tôi chọn thời điểm này để nhớ về ngày Ngài nhập diệt. Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa".

 

Lượng khách Hàn Quốc tăng đột biến vào ngày Giỗ Phật Hoàng. Ảnh: Trà Vân


Còn anh Nguyễn Hoàng Phương, quận Tân Bình, TP HCM  vượt hàng ngàn cây số bằng đường ô tô, nhiều năm nay cứ đến ngày Giỗ Phật Hoàng, anh cùng các phật tử hành hương về Yên Tử. Với anh, mỗi lần được về đất Phật là dịp để tỏ lòng thành kính, xen lẫn niềm tự hào đối với vị Vua anh minh, vị Phật để lại thiền phái Phật giáo thuần Việt. Trước bảo tượng Ngài, anh cùng các phật tử, phát tâm công đức trang trí khu bảo tượng trang nghiêm, lộng lẫy. “Ngày giỗ Ngài năm nào tôi cũng về Yên Tử. Tôi nguyện cầu quốc thái dân an, gia đình bình an, may mắn. Không tự hào sao được khi đất nước mình có một vị vừa là Vua, vừa là Phật, cả thế giới cũng chỉ có một”, anh Phương nói.

Dòng Thiền thuần Việt

Cùng với các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Xuân Yên Tử, 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh... không khí cho ngày Giỗ Phật Hoàng thêm trang trọng và linh thiêng. Trải qua hơn 700 năm, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã khẳng định, một dòng thiền thuần việt, là Phật giáo hướng nội, nhập thế, khai phóng vị tha. Thiền phái Trúc Lâm chủ trương gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của thiền với việc giữ gìn làng nước của cả dân tộc, nó mang đậm bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước, kết hợp chặt chẽ giữa đạo với đời. Chính vị vậy, hàng trăm ngôi chùa ở Yên Tử, đều có ban thờ Tam tổ Trúc Lâm. Điều đó khẳng định, nơi đây chính là cái nôi của trung tâm phật giáo Việt Nam.

 

Khu vườn Tháp, nơi lưu giữ hàng trăm xá lị của các bậc tu hành ở Yên Tử. Ảnh: Trà Vân

 

Đại đức Thích Đạo Hiển, Chánh Thư ký Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho biết, việc thờ Trần Nhân Tông và Tam tổ, thể hiện đặc biệt nhất đây là dòng thiền thuần Việt. Tất cả các hệ thống thờ tự đã khẳng định điều đó. Giá trị của Thiền phái Trúc Lâm còn trường tồn mãi không chỉ với Việt Nam và cả thế giới...

 

Thiền viện Trúc Lâm, nơi đang lưu giữ nhiều bộ sách quý của Trần Nhân Tông. Ảnh: Trà Vân

 

Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/Đói đến thì ăn mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền”. Cuộc đời của Ngài, là bài học sống động của mỗi con người, phải biết “vui đạo” mới nhậm vận tùy duyên, phải biết “vui đạo” mới chuyển hóa chính mình. Và, Phật ở trong Tâm của mỗi con người. Nếu chúng ta biết chuyển hóa tâm mình làm những việc thiện, lợi lạc thì luôn sống trong cảnh hòa bình, hạnh phúc, an lạc. Đó là giá trị vô giá của Thiền phái Trúc Lâm, cho đến hôm nay, con người vẫn nghiền ngẫm, khao khát và mong ước thực hiện được tư tưởng của Ngài.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính chia sẻ: “Yên Tử chứa đựng 5 giá tri: Lịch sử hào hùng, văn hóa đậm đà, thiên nhiên hùng vĩ, tâm linh huyền bí, đây cũng là nơi chứa trong mình một vũ khí tinh thần bất diệt”.


 Trà Vân