Văn hóa quốc gia với 3 trụ cột quan trọng nhất là văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở.

Văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, là đơn vị an ninh cơ sở và là đơn vị văn hóa cơ sở. Có thể nói mọi sự tốt đẹp của xã hội đều bắt đầu từ gia đình và mọi điều không yên, không vui của xã hội cũng luôn xuất phát từ gia đình. Gia đình tốt thì con người tốt và xã hội cũng tốt.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của kinh tế. Văn hóa của doanh nghiệp tốt thì kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Văn hóa công sở là nền tảng của chính trị. Văn hóa công sở chính là đạo đức công vụ. Một người có đạo đức sẽ luôn phát ra bên ngoài bằng tinh hoa văn hóa. Một người có văn hóa vì họ là người có đạo đức. Vì thế văn hóa chính là đạo đức. Người ta nhìn vào một đảng cầm quyền trước hết là nhìn vào văn hóa ứng xử với công dân, đồng bào của đội ngũ công chức. Vì thế, văn hóa công vụ, đạo đức công chức chính là văn hóa và tín nhiệm của đảng cầm quyền.

Văn hóa gia đình; Văn hóa doanh nghiệp; Văn hóa công sở đều có chung thước đo đầu tiên là văn hóa ứng xử. Để cân đong đo đếm chính xác văn hóa ứng xử của một con người có 3 tiêu chí quan trọng như sau: Một người có văn hóa là một người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu (vì thế nếu làm người khác khó chịu là đồng nghĩa với thiếu văn hóa). Một người có văn hóa là một người mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái và chia tay mong ngày gặp lại (Gặp rồi mà không muốn gặp lại nữa cũng đồng nghĩa là thiếu văn hóa). Một người có văn hóa là một người luôn luôn hưởng thụ bằng thành quả lao động của mình. (Đòi hỏi hưởng thụ nhiều hơn kết quả lao động của mình là đồng nghĩa với tham lam, thiếu văn hóa và sẽ không an toàn).

Cuối năm 2006, khi còn đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, tôi đã sang thăm và làm việc với Nhật Bản. Trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nhật Bản, tôi có đề cập với Ngài Bộ trưởng đồng nhiệm rằng, tôi rất ngưỡng mộ nền văn hóa ứng xử của Nhật Bản, Ngài có thể khái quát cho tôi thành mấy chữ đặc trưng để tôi về dễ triển khai ở Việt Nam.

Ngài Bộ trưởng Nhật Bản hỏi lại tôi, Ngài ngưỡng mộ văn hóa Nhật Bản là ngưỡng mộ những nội dung gì? Tôi trả lời ngay, tôi ngưỡng mộ văn hóa Nhật Bản với 5 giá trị văn hóa cốt lõi là: Người Nhật Bản rất yêu quý trẻ thơ. Đất nước Nhật Bản rất tôn trọng phụ nữ. Nhân dân Nhật Bản rất kính trọng người già. Các triều đại của Nhật Bản rất trân trọng và tôn vinh người giỏi và bộ máy công quyền của Nhật Bản rất nghiêm túc với người không tốt.

Ngài Bộ trưởng Nhật Bản tỏ ra hài lòng về câu trả lời của tôi và Ngài từ tốn nói: Văn hóa là một phạm trù rộng mà khái quát thành mấy chữ sẽ rất khó. Nhưng theo yêu cầu của Ngài tôi tạm nói mấy chữ trước, sau này có dịp gặp lại chắc tôi phải bổ sung thêm.

Mấy từ Ngài Bộ trưởng Nhật Bản khái quát hôm đó cách đây 13 năm rồi vẫn còn nguyên giá trị thời đại: Nếu xét đến mức ngắn nhất, nền văn hóa ứng xử của người Nhật là “không làm phiền người khác. Nếu phải làm phiền ai thì phải biết ơn, ghi ơn và trả ơn”. (Rất tiếc sau này tôi được Quốc hội phân công làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nên không có cơ hội gặp lại Ngài).

Ngài Bộ trưởng Văn hóa Nhật Bản vừa dứt lời, tôi nghĩ ngay đó chính là văn hóa Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của Bác đều không làm phiền cấp dưới. Ngay cả ngày sinh nhật của mình, suốt 24 năm là người đứng đầu đất nước, cứ mỗi năm đến ngày sinh nhật, Bác lại xếp lịch đi công tác xa để không làm phiền cấp dưới. 

Tất cả chúng ta chỉ cần học, đọc, nghe và xem để thấm nhuần phong cách ứng xử của Bác Hồ với mọi người cả trong nước và quốc tế, chắc chắn chúng ta sẽ có các giá trị văn hóa ứng xử bình dị mà cao đẹp, sâu sắc mà lắng đọng, nhẹ nhàng mà thuyết phục, dễ nhớ dễ làm, đó là văn hóa Hồ Chí Minh; Văn hóa của dân tộc Việt Nam.

(Theo Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT/VNN)