Công văn gửi đến Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban Tăng sự TƯ xin ý kiến chỉ đạo và gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Uông Bí và Phòng Nội vụ TP Uông Bí đề nghị phối hợp giải quyết vệc tại chùa Ba Vàng cho Phật tử tự giảng đạo, không có sự đồng ý của Giáo hội và tổ chức gọi vong, bao oán để thu tiền.

Tiếp đó, trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, tập thể Ban Trị sự và nhiều thành viên đã thường xuyên có ý kiến góp ý chân thành về vấn đề này với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng. 

Nhưng, sau gần 4 năm, đến nay Ban Trị sự không nhận được bất cứ ý kiến chỉ đạo xử lý những việc bất cập xảy ra tại chùa Ba Vàng của các cơ quan chức năng.

Công văn số 125/CV - BTS, ngày 26/8/2015

Công văn số 125 nêu rõ: Quần chúng nhân dân phản ánh các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng Phật tử Yến (tên gọi là Yên bắt ma), cư trú tại Hạ Long thường xuyên quyến hóa nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp chùa Ba Vàng giảng Phật pháp, sau khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp thì đều mời cô Yến lên giảng pháp, hóa  giáo cho tăng, ni, Phật tử nghe…

“Vì những lý do trên, thời gian qua đã có hàng chục vị tăng, ni bất bình xin ra khỏi chùa, dẫn đến nội bộ chùa Ba Vàng rối loạn, ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Quảng Ninh”, công văn nêu.

Đại diện GHPGVN cho biết, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ trích một vài câu của kinh Phật để giảng pháp, nhưng lại không giảng hết ý nghĩa của cả bộ kinh. Ví dụ, kinh Phật nói, muốn báo ân, trả nợ tiền kiếp nghìn đời, nghìn kiếp cho cha,  mẹ, thì nhà cửa, bạc vàng không có gì trả được. Thế là, Đại đức Thái Minh bám vào câu ấy giải thích cho Phật tử, tín đồ rằng, muốn giải oan, báo ân cho vong linh gia đình nhà mình thì phải bán nhà, bán đất đi để cúng dàng cho các vị cao tăng, nhờ họ gia hộ cho. Như vậy, là phỉ báng vào kinh Phật.

“Chưa kể, trụ trì chùa đã biến cái tương tự như đạo Phật, thành của riêng mình. Ông ấy (Đại đức) coi mình như Phật, như Tổ, như Thánh ở chùa Ba Vàng. Khi xây được chùa to, dựa vào đó, những lời giảng pháp như “nhả vàng, nhả ngọc”. Bên cạnh đó, chùa tập trung được một lượng tín đồ, và muốn họ là Phật tử, đạo tràng của riêng mình. Vì thế mà Ban Trị sự tỉnh phải nhiều lần nhắc nhở, xin ý kiến của TƯ Giáo hội để xử lý. Quan điểm của Phật giáo tu là tu đức, tu nhân, không phải thờ ma, cúng quỷ thần”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nhấn mạnh.

Phớt lờ các văn bản chỉ đạo của GHPGVN, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Uông Bí, trụ trì chùa Ba Vàng cho rằng, chùa đang bị “ganh ghét, đố kỵ”.

Tối 21/3, trên trang Facebook của chùa, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi livestream trực tiếp để nói rõ về việc gần đây báo chí có những bài báo không hay về chùa.

Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết, vừa qua Báo Lao Động và một số báo có viết bài liên quan đến chùa Ba Vàng, những bài báo này làm cho dư luận rất xôn xao và trở thành "bão mạng".

 Người đứng đầu chùa Ba Vàng vẫn khẳng định oan gia trái chủ hoàn toàn có thật và chùa Ba Vàng có lễ giải oán kết, giải oan gia trái chủ. 

Tiếp sau đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã mời rất nhiều Phật tử ở các đạo tràng khác nhau lên để chia sẻ câu chuyện liên quan tới oan gia trái chủ của mình.

Tuy nhiên, trong chiều 21/3, trả lời PV Báo Thanh tra, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký GHPGVN khẳng định: Không có việc “thỉnh vong” để hóa giải nghiệp, oan gia và thu tiền theo yêu cầu của vong. Đây là hành động không thể chấp nhận được ở chùa Ba Vàng.

Trả lời báo chí, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo khoản 2, 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư, các hoạt động như thỉnh vong, gọi hồn tại ngôi chùa này, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa, tất cả đều là hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi.

"Trừ khi người truyền bá có bệnh lý tâm thần, còn nếu hoàn toàn tỉnh táo thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành tội hành nghề mê tín, dị đoan và thậm chí cưỡng đoạt tài sản", luật sư phân tích.

Trà Vân