Chương trình diễn ra quy mô, phong phú với nhiều hoạt động của các dân tộc anh em tham gia.

Để đảm bảo sự đồng bộ và phong phú các tiết mục, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch giao Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; Vụ Văn hoá dân tộc; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và một số địa phương có cộng đồng dân tộc được huy động, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

Tuần lễ sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Chương trình khai mạc Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam; Hội nghị Toàn quốc khu vực phía Bắc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 24/1998/TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư; Hội thảo "Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay"; Trại Sáng tác điêu khắc Tây Nguyên; hội chợ ẩm thực, thả diều; tái hiện chợ nổi Nam Bộ, chợ vùng cao phía Bắc; Hội Đua bò Bảy Núi; tái hiện lễ hội Ok Om Bok…

Đặc biệt lễ khánh thành quần thể chùa Khmer sẽ khép lại hàng loạt các chương trình phong phú, tái hiện các nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc.

Tham gia sự kiện có 17 cộng đồng dân tộc với gần 400 người đến từ 12 tỉnh, thành đại diện các vùng miền của Tổ quốc.

Nguyễn Thanh