Ngày 30/8, tại TP HCM, tác giả Trần Tố Nga ra mắt tự truyện Đường trần - ngọn lửa không bao giờ tắt. Ở tuổi 75, đang mắc bệnh ung thư và là nạn nhân chất độc da cam, bà Tố Nga đã hoàn thành quyển tự truyện trong hoàn cảnh rất khác biệt với nhiều tác giả. Bà chạy đua với thời gian, với những ám ảnh ký ức về thời trẻ tham gia chiến tranh bảo vệ đất nước, với bệnh tật của bản thân để viết nên từng dòng kể lại cuộc đời mình từ khi sinh ra ở Sóc Trăng năm 1942 đến khi dấn thân vào cuộc chiến giành công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam từ năm 2009 ở Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam tại Paris.

Đang sống ở Pháp, ý tưởng viết cuốn sách cuộc đời đến với bà Trần Tố Nga trong một chiều mưa Paris, giai đoạn bà trải cuộc phẫu thuật và đợt xạ trị 5 tuần. Hàng chục lần xạ trị trước đó, cùng tình trạng sức khỏe càng thôi thúc bà phải kể lại mọi chuyện. "Viết để khẳng định trong tất cả những cuộc chiến đấu và công việc đã trải qua, tôi luôn theo đuổi một mục tiêu: Hạnh phúc của những người khổ hơn tôi, công lý cho nhân dân tôi, hòa bình và hữu nghị cho tất cả. Đó cũng là tất cả những gì ông bà, cha mẹ để lại cho tôi" (trích lời mở đầu sách Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt).

Khi bản thảo tự truyện hoàn thành, bà Trần Tố Nga đã từ Pháp về Việt Nam cùng bạn bè tìm nhà xuất bản kịp thời ấn hành tác phẩm. Cuối cùng, Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị thực hiện. "Tôi rất vui khi bản thảo hầu như không bị cắt chút nào", tác giả chia sẻ.

* Bà Trần Tố Nga chia sẻ về nỗi đau của nạn nhân nhiễm chất độc da cam

Cuốn sách dày hơn 400 trang bao quát chặng đường đời 75 năm của bà Trần Tố Nga - từ khi là học sinh miền Nam, học sinh miền Bắc, đi B, là tù nhân chính trị, đến khi đất nước hòa bình, hoạt động 17 năm trong ngành giáo dục nước nhà. Mang trong người chất độc da cam, bà Trần Tố Nga sinh ra ba người con gái đều bị nhiễm chất độc này, trong đó con gái đầu qua đời khi 17 tháng tuổi là nỗi đau của bà. Nhưng vượt qua tất cả, bà Trần Tố Nga bền bỉ với những hoạt động giáo dục, thiện nguyện. Bà được Tổng thống Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh, sau đó, bà sang Pháp định cư và có quốc tịch Pháp.

Những cơ duyên trong cuộc đời đã giúp bà hội đủ các yếu tố cần thiết khởi đầu vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ với tư cách một công dân Pháp. Điều đau đáu trong suy nghĩ và tấm lòng của tác giả là Việt Nam đang đi qua thế hệ nạn nhân thứ tư của chất độc da cam nhưng họ vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Những vụ kiện đòi công lý cho họ gần như bế tắc.

Từ tháng 4/2016 đến tháng 7 năm nay, bà Trần Tố Nga, cùng với sự hỗ trợ của các luật sư ở Pháp, đã trải qua tám phiên tòa. Phía bị đơn luôn tạo ra những sự kiện rắc rối để dừng phiên tòa. Trong hơn một năm qua, mọi việc chỉ dừng lại ở các thủ tục, thẩm vấn... "Tháng 9 tới tôi sẽ dự phiên tòa lần thứ 9 và đây là phiên tòa tranh luận. Tôi rất hạnh phúc vì cuốn tự truyện ra mắt kịp thời trước khi tôi trở về Pháp, chuẩn bị đối mặt với một cuộc giám định khắc nghiệt, chứng minh mình là nạn nhân da cam, đang mắc ung thư...".

tu-truyen-cua-nan-nhan-chat-doc-da-cam-viet-nam-1

Bìa cuốn sách "Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt".

Vượt trên số phận của một cá nhân, Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắtcòn là câu chuyện về một thế hệ sống đúng với lý tưởng họ theo đuổi vì hòa bình của dân tộc, đất nước, về sự khắc nghiệt của chiến tranh và những thăng trầm của một giai đoạn lịch sử dân tộc tác động trực tiếp đến thân phận mỗi người.

Ông Nguyễn Thế Hùng - một người bạn của tác giả và tài trợ bà chi phí in sách - chia sẻ: "Những ngày bạo bệnh, Trần Tố Nga đã miệt mài viết sách mà không lo lắng về sức khỏe. Tôi đã khóc khi đọc đi đọc lại những trang viết này...". Còn đạo diễn Nguyễn Hồ bày tỏ cảm nhận của ông về cuốn sách gói gọn trong các chữ: "Nhân văn, hấp dẫn...".

* Đạo diễn Việt Linh tặng hoa tác giả tự truyện "Đường trần"

Đạo diễn Việt Linh - một người bạn của bà Trần Tố Nga - tâm sự chị cảm phục và thương đến chảy nước mắt khi biết bà dấn thân vào con đường kiện tụng đầy cam go vì nạn nhân chất độc da cam.

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 ở Sóc Trăng, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Sau 1975, bà từng là hiệu trưởng trường Lê Thị Hồng Gấm, hiệu trưởng trường Marie Curie, rồi hiệu trưởng trường Sư phạm - Kỹ thuật TP HCM. Sau khi về hưu, bà đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.

Tháng 5/2009, bà ra làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris (Pháp) trong vụ kiện hàng chục công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Từ đó, bà đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà, con cháu cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất dioxin.

Theo Thất Sơn/VnExpress