Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thị Quốc Hiền cho biết, triển lãm số nhằm giới thiệu đến các thầy, cô giáo và các em học sinh những bản đồ, tư liệu, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển, đảo cũng như giới thiệu những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Triển lãm là hoạt động thông tin, tuyên truyền quan trọng nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng lịch sử pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam thông qua công nghệ thực tại 3D gồm: triển lãm số 3D, Sa bản đồ số 3D. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D, cho phép người xem tự do đi lại và khám phá các tư liệu, hiện vật trong không gian ảo. Bốn mươi tư liệu hình ảnh và hàng trăm tư liệu được số hóa là những thư tịch, châu bản, bản đồ cổ của Việt Nam, tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam từ thế kỷ XVII-XX, khẳng định chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo trường Sa - Hoàng Sa; bộ châu bản của triều Nguyễn từ năm 1820-1945 phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền liên tục dưới triều Nguyễn, bản đồ Việt Nam thời phong kiến (thế kỷ XVI-XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa…; bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XIV-XIX) ghi nhận chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc Trung Quốc; Bản đồ Trung Quốc do Nhà nước Trung Quốc xuất bản (Thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc về Trung Quốc…; các hình ảnh tài liệu liên quan đến quá trình xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa (như: trạm khí tượng được xây dựng trên đảo Hoàng Sa, đảo Ba Bình, Cột mốc chủ quyền được xây dựng trên đảo Hoàng Sa...); các hiện vật trong không gian ảo (mô hình tàu, cáng cứu thương, cột mốc chủ quyền, mô hình tàu Hải đội Hoàng Sa...). Các tư liệu, hiện vật đã được tích hợp các thông tin mô tả bằng âm thanh, văn bản góp phần thông tin đến người xem một cách trực quan, rõ ràng nhất.

Tại triển lãm, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải đáp một số thắc mắc, cung cấp thông tin liên quan đến biển đảo, đặc biệt chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tiềm năng và lợi thế của biển, đảo trong phát triển kinh tế biển; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Bến Tre, triển lãm diễn ra ở 3 điểm trường: Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Bến Tre, ngày 21/10), Trung học Phổ thông Phan Văn Trị (huyện Giồng Trôm, ngày 22/10), Trung học Phổ thông Châu Thành (huyện Châu Thành, ngày 23/10).

Huỳnh Phúc Hậu