Trong quá trình thực hiện cuốn sách “Họa sắc Việt” thuộc dự án số hóa họa tiết và màu sắc tranh dân gian Hàng Trống phục vụ thiết kế hiện đại, giảng viên Trịnh Thu Trang (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và cộng sự nhận ra nhiều bức tranh dân gian Việt Nam chịu ảnh hưởng ban đầu từ tranh Trung Quốc song nghệ nhân đã khéo léo tiếp biến văn hóa ngoại nhập để trở thành tranh của người Việt.
 
Lấy điển hình là bức Đám cưới chuột của hai dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ có nguyên gốc từ bức tranh dân gian Miêu thần (Mèo thần) của Trung Quốc. Tranh gốc mang nội dung bảo vệ mùa màng, của cải của gia đình, chống lại nguy cơ tàn phá của loài chuột khi đến mùa giao phối.

Cùng những nhân vật mèo và chuột, tranh của Việt Nam lại hoán đổi hoàn toàn vị thế của cả mèo (con vật có ích) lẫn chuột (con vật có hại) nhằm đả kích trực diện tầng lớp cai trị một cách hóm hỉnh! Nghệ nhân Việt Nam nhân cách hóa đàn chuột (người dân thấp cổ bé họng yếu thế) kéo đàn kéo lũ đến đút lót cho đám tham quan, ô lại (mèo) hòng có cuộc sống yên lành...

Cách xử lý đề tài của nghệ nhân Việt thể hiện tính sáng tạo, bám sát hiện thực xã hội đương thời tại Việt Nam, biến bức tranh trở thành "vũ khí chiến đấu" của người yếu thế và hoàn toàn thoát khỏi ý nghĩa bức tranh gốc của Trung Quốc.

Về nghệ thuật tạo hình, nghệ nhân vẽ bức Miêu thần thể hiện kỹ lưỡng từng chi tiết của đối tượng. Nhân vật và bối cảnh đều tập trung vào tiểu tiết và tuân thủ quy luật phối cảnh xa - gần: Bộ lông mèo được tỉa tót kỹ càng, nhe nanh, giương vuốt được tả rất thực. Đàn chuột được nhân cách hóa cũng được vẽ đầy đủ các chi tiết đến độ tinh vi.

Trái lại, phương châm cơ bản của tranh Hàng Trống và Đông Hồ là cần sống hơn cần giống (cần sinh động hơn là cần đúng như thật). Với cách tạo hình đơn giản, vẽ theo mảng lớn, đi vào tổng quát của bức tranh, hai bức tranh dân gian Đám cưới chuột Hàng Trống và Đông Hồ tạo được cảm giác gần gũi, phóng khoáng. Không tuân theo luật phối cảnh xa – gần, hai dòng nhân vật trên dưới trong tranh Việt tạo không khí tấp nập nhộn nhịp, vui mắt, dáng hình phong phú đa dạng. 

Phong cách tạo hình ở đây cho thấy có xu hướng diễn đạt của nghệ thuật trang trí, rất gần gũi với xu hướng nghệ thuật điêu khắc dân gian trong nhiều đình làng Việt Nam. Đây là một phong cách nghệ thuật có bản sắc dân tộc, không chỉ thể hiện trong hai bức tranh này mà còn thể hiện trong đại đa số tác phẩm của các dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung. 

Về màu sắc, người Trung Quốc chỉ dùng màu xám với các sắc độ đậm nhạt để tả lông chuột. Còn người nghệ nhân Việt Nam sử dụng linh hoạt màu sắc tự chế từ những nguyên liệu bản địa, tạo nên dấu ấn đậm nét cho dòng tranh truyền thống của địa phương mình. Tranh Hàng Trống dùng những màu phẩm đặc trưng vàng, hồng, xanh lam và cam, với cách phệt màu phóng khoáng và những đoạn lé màu rất “duyên” cho thấy cái “thần” bút của người nghệ nhân xưa. Trong khi đó, bức tranh điệp, in bằng các màu tự nhiên xanh, vàng, đỏ và đen đã tạo nên cho bức Đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ một phẩm chất nghệ thuật đặc sắc, được công chúng hết sức yêu quý.

Như vậy, bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng, phong cách nghệ thuật riêng, nghệ nhân dân gian Hàng Trống và Đông Hồ đã xây dựng nên hình tượng nghệ thuật thoát khỏi ảnh hưởng của tác phẩm nguyên gốc. Nghệ nhân dân gian xưa đã tiếp nhận một cách có chọn lọc văn hóa phương Bắc rồi phát triển để cho tác phẩm nghệ thuật Việt Nam phù hợp với cảm nhận thẩm mỹ của người Việt, để tạo nên một bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc.

Trịnh Hiếu