Trong năm nay, Trung tâm giao dịch hoa TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng giai đoạn 1 và từ năm 2018 sẽ mở rộng, đầu tư hoàn chỉnh dự án.

Chợ Bình Điền (quận 8, TP Hồ Chí Minh) sẽ là trung tâm giao dịch hoa, tổng diện tích khoảng 14ha. Tại đây, sẽ phân phối hoa về các chợ nhỏ hơn hoặc đưa thẳng đến các cửa hàng hoa theo đơn đặt hàng. Đồng thời, các đơn hàng tiếp theo và tiền sẽ được chuyển về trung tâm Đà Lạt để thanh toán cho người sản xuất. Mô hình thu mua và xử lý tập trung này được thực hiện dựa trên mô hình chợ đầu mối hoa OTA (Nhật Bản).

Ông Susumu Kiryu, Giám đốc Viện Nghiên cứu hoa OTA, cho biết: “Mấu chốt của chợ hoa này là tiền mua, bán hoa phải được công khai, minh bạch để nông dân được biết. Chợ hoa giải quyết được việc nông dân lâu nay không quyết định được giá bán hoa của mình hoặc mù mờ về giá khi giao cho thương lái trung gian. Đồng thời, tiết kiệm chi phí phân phối nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân và những người tham gia chuỗi cung ứng, phân phối. Dự kiến, chi phí cung ứng và phân phối hoa sẽ giảm tối thiểu 1,5 lần”.

Tại Đà Lạt, Trung tâm giao dịch hoa sẽ được xây dựng ở điểm cuối của đèo Mimosa (cách trung tâm Đà Lạt 10km), là vùng nông nghiệp chuyên canh rau hoa chính của tỉnh Lâm Đồng.

Dự tính, diện tích trung tâm này khoảng 16,6ha, có chức năng thu gom hoa của Đà Lạt và vùng lân cận, sau đó vận chuyển đưa hàng về Trung tâm giao dịch hoa tại TP Hồ Chí Minh.

Trung tâm giao dịch phía Đà Lạt có chức năng tổng hợp đơn hàng từ người mua và thông tin sản phẩm hoa từ người sản xuất, từ đó tiến hành ký kết hợp đồng bán hàng, khâu này được thực hiện dựa trên phân tích của hệ thống công nghệ thông tin.

Ông Đào Như Minh, chuyên viên Phòng dự án Satra cho biết, hai dự án Trung tâm giao dịch hoa TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt có sự đồng bộ giữa tiêu thụ và sản xuất, hướng đến mục tiêu thiết lập hệ thống kinh doanh, phân phối hiện đại.

Nghiêm Lan