Sự "rối ren" quanh những trang viết cặn kẽ chuyện chăn gối được nhìn nhận ở cả hai khía cạnh: bản thân giá trị văn chương của chúng và cả sự lợi dụng như chiêu trò gây ồn ào cốt để bán sách và đánh bóng tên tuổi cho tác giả.

Qua tất cả những chuyện này, nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng viết về bản năng tình dục, chuyện chăn gối, đồng tính..., bản thân nhà văn không có lỗi, độc giả cũng không có lỗi. Lỗi là ở định kiến chật hẹp, là khi nhà văn lợi dụng để mưu cầu chuyện khác ngoài văn chương.
 
Mưu cầu chuyện ngoài văn chương

Tại cuộc họp bàn vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật vừa diễn ra tại TP.HCM, nhà phê bình Nguyễn Hòa lên tiếng cảnh báo tình trạng xô bồ, ngổn ngang các loại ý kiến ngoài văn chương. Ông nói, dường như khiến nhiều người muốn coi đó là các yếu tố đầu tiên để định giá, quảng bá tác phẩm.

Đạo đức trong hoạt động sáng tạo văn nghệ cũng được bàn luận tại hội thảo như khía cạnh không thể tách rời, nhất là khi nó chi phối cái nhìn của người làm văn nghệ đối với đạo đức xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng sự bất lực, không thể tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, đủ sức nâng đỡ, cứu rỗi con người… đã nằm sẵn ngay trong người sáng tạo thuần túy dùng văn nghệ làm bệ phóng đẩy mình vào bầu trời danh vọng và cuộc sống xa hoa.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đặt vấn đề phải chăng chuyện thơ sex, văn sex tràn lan hiện nay là chuyện thường tình, nhưng trước nay không ai quan tâm vì nó không phải là văn học? Bà dẫn chứng các trường hợp thơ của Vi Thùy Linh hay truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu và cho rằng dục tính chứa đựng trong những tác phẩm này còn vượt lên trên cả Vệ Tuệ hay Xuân Thụ về tính chất đồi trụy.

"Tôi cho rằng nếu đi sâu vào giới trẻ tích cực, những người đang làm việc trên các công trường, nhà máy, giảng đường đại học, thì đây là đề tài ngồn ngộn cho các văn nghệ sĩ. Hay dũng cảm hơn, đi về nông thôn để nhìn thấy những cảnh đời cùng cực, những nông dân bị mất đất, mất nguồn sống vì sân golf mọc lên như nấm", bà nêu ý kiến. "Cớ sao cứ phải xoáy sâu vào những cơn thác loạn ở vũ trường, say sưa cùng những mối tình tay ba tay tư vô vọng đầy nước mắt hay những kiểu phá cách nổi loạn phơi bày nhục dục trên trang giấy để gọi tên đó là một cách tự làm mới mình, không đi vào lối mòn...?"

PGS.TS Trần Luân Kim trong tham luận chung về thực trạng sáng tác hiện nay cũng cho rằng: "Các tác giả đương thời không ngần ngại đề cập trực diện các hiện tượng tiêu cực, mặt trái xã hội, khoan sâu vào đề tài phi đạo đức: vị kỷ, phản trắc, cưỡng đoạt... tạo nên mẫu nhân vật lầm lạc, tội lỗi, với những sắc màu khác nhau, chủ yếu trong giới trẻ đô thành hoặc từ nông thôn kéo đến đô thành.

Theo ông, đó là những mẫu nhân vật sẵn sàng phạm tội, suy nghĩ và hành động trái với thuần phong mỹ tục, trái với các giá trị chuẩn mực của cộng đồng. Ở cấp độ nhẹ hơn là những người vô cảm, ỷ lại, bất lực, vô trách nhiệm, coi thường tình người, coi trọng tiền bạc và địa vị. Hương trong Phiên bản hay Thạch trong Nháp là những người như thế, được miêu thuật khá sắc sảo, cụ thể. Dòng sản phẩm này đẻ ra kiểu văn chương thực dụng, xa rời mục tiêu cao cả là bồi đắp đạo đức, một sứ mạng hiển nhiên của văn học.
 

Lê Kiều Như trong hình ảnh được tung ra "hâm nóng" sự kiện "Sợi xích".

 
Định kiến chật hẹp

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe với dòng chảy văn chương mô tả sex một cách táo bạo. Dĩ nhiên ở đây không tính đến những trường hợp non tay nghề, dễ đi tới phản cảm trong lòng người đọc, như Sợi xích hay Dại tình.

Nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng từ quá lâu, chúng ta đã quên đi "một nửa" kia cũng rất quan trọng của con người - tức: nửa bản năng, mà nếu không có nó, con người sẽ lệch lạc, sẽ xơ cứng và vô nghĩa. Ông trích lời cảm thán của nhà văn Nguyễn Khải: "Vậy thì mấy chục năm qua tôi đã viết về những ai nhỉ? Thì vẫn là viết về đồng đội, về bạn bè, về người thân kẻ thuộc, là những người cùng thời với mình mà chính tôi là kẻ sinh ra họ cũng cảm thấy còn xa lạ. Hình như họ sạch sẽ quá, thơm tho quá, như từ khoảng không bước ra chứ không phải từ bùn đất Việt Nam sinh ra...".

Con người tự nhiên réo đòi được giải phóng có thể xem là một phần của bức tranh diện mạo cuộc sống hôm nay, mà văn chương có nhiệm vụ phản ánh. Nhưng song song đó là yêu cầu tác dựng đạo đức trong tác phẩm, thì nhiều ý kiến cho rằng, các cây viết thường xuyên thất bại. Hoặc do non tay, hoặc bị chi phối bởi mục tiêu thương mại.

Có ý kiến cho rằng một số tác giả đang dùng chiêu trò, mánh lới câu khách cực đoan. Được các cơ sở xuất bản, chế tác đồng lòng hỗ trợ, họ đã ra sức quảng bá những hình tượng méo mó, tối tăm, phi đạo đức, gieo mầm độc cho xã hội. Dù không đủ lực để lấn át xu thế sáng tác, quảng bá chính thống, song nó vẫn thừa sức gây "rối ren" cho đời sống văn nghệ cũng như đời sống xã hội.

Theo Khải Trí/VietNamNet