Cơ bản không còn những hình ảnh phản cảm

Được đánh giá đông nhưng an toàn, những mặt trái tiêu cực tại các lễ hội lớn ngay từ đầu mùa đã được quyết liệt chấn chỉnh nhằm bảo đảm mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, giàu ý nghĩa.

Ngay từ sớm, nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức, đặc biệt là những giải pháp phân luồng giao thông, tổ chức bãi gửi xe, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… phục vụ du khách. Các hoạt động bán ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, ăn xin, cờ bạc trá hình, chèo kéo, ép giá, ăn mặc phản cảm, hầu đồng không đúng quy định… đều có giải pháp hạn chế.

Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mặc dù lượng khách đổ về các lễ hội lớn, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc, nhiều nơi quá tải, song với công tác chuẩn bị và tổ chức tốt nên cơ bản không xảy ra sự cố về an ninh trật tự hay những hình ảnh chen lấn, bạo lực phản cảm.

Theo ghi nhận, tại chùa Hương, do có phương án tổ chức từ sớm nên đã hạn chế được tình trạng lộn xộn, phản cảm. Bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, những chuyển biến còn thể hiện ở các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu hầu như không còn. Ban tổ chức yêu cầu các chủ đò phải trang bị phao cứu sinh, đồ đựng rác trên toàn bộ 4.000 đò chở khách ở suối Yến; trước đó tiến hành tập huấn cho các chủ đò về công tác cứu hộ, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho du khách…

Gần 200 chiến sĩ công an được huy động để giữ an ninh, trật tự cho lễ hội, xử lý nghiêm tình trạng đeo bám khách; hàng hóa đều được niêm yết giá rõ ràng để tránh tình trạng nâng giá, ép giá, lừa đảo. Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của ban tổ chức. 

Hay tại lễ hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, nơi mọi năm thường xuyên diễn ra cảnh chen lấn, thậm chí giẫm đạp, tranh chấp, ẩu đả để cướp hoa tre thì năm nay nhờ thay đổi cách tổ chức đã không còn cảnh tượng phản cảm này. Sau lễ cung tiến, các lễ vật được di chuyển vào hậu cung, cho nên việc phát lộc diễn ra khá trật tự.

Đêm cầu may ở chợ Viềng Nam Định (đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8 tháng Giêng) cũng ghi nhận lượng khách quá đông đúc cùng lúc đổ về. Dự kiến trước tình trạng này, năm nay có 60 cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động được phân công điều tiết, đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường dẫn về chợ Viềng. Ban tổ chức cũng liên tục phát loa cảnh báo người dân đề phòng nạn trộm cắp, móc túi, lừa đảo có thể xảy ra.

Một số địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... cũng đã tổ chức gặp mặt cộng đồng có lễ hội lớn, lễ hội dễ nảy sinh tiêu cực… bàn giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp. Những lễ hội trọng điểm như Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội Phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc), chùa Hương, đền Sóc (Hà Nội)..., các cơ quan chức năng đều đã tham mưu kịp thời với UBND tỉnh, thành phố về các giải pháp tổ chức, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Đảm bảo một mùa lễ hội an toàn, vui tươi

Có thể xem đây là những điểm sáng đầu tiên ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội; là kết quả từ sự chủ động chuẩn bị nghiêm túc, kỹ càng các phương án nhằm hạn chế tình trạng lộn xộn. Khi các cơ quan quản lý kiên quyết “nói không” với hành vi bạo lực, phản cảm, biến tướng trong lễ hội, những hiện tượng chèo kéo, ép giá, làm phiền du khách… cũng sẽ được xử lý nghiêm.

Mặt khác, sự chuyển biến trong ý thức của người đi dự lễ hội cũng góp phần đưa đến nhiều thay đổi trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Nếu vài năm trước, hình ảnh người đi lễ đổi tiền lẻ rải rắc tràn lan khắp di tích, hay xô đẩy, tranh cướp lộc trên các ban thờ khá phổ biến, thì đến nay, những hình ảnh phản cảm này đã khắc phục được nhiều phần. Chính sự thay đổi trong nhận thức của người dân đã giúp cho công tác quản lý lễ hội đạt được hiệu quả và sự chuyển biến từ gốc rễ. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đã khiến cho nhiều người đi lễ tự nâng cao ý thức và văn minh ứng xử khi tham gia lễ hội.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều nét mới đã ngay lập tức thiết lập một hành lang pháp lý hiệu quả, được hầu hết các địa phương triển khai đồng bộ. Các địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh; tăng cường phối hợp liên ngành, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia; kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội để mùa lễ hội 2019 thực sự đảm bảo an toàn, vui tươi, tạo không khí phấn khởi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu vui, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những biến tướng, hình ảnh không mấy đẹp diễn ra trong các lễ hội vài ngày qua. Đó là cảnh tượng cả thanh niên lẫn ông già, bà già, trẻ con, không ngần ngại leo qua tường, vượt qua rào để đỡ phải xếp hàng chen lấn trong lễ hội chùa Hương; cảnh đốt vàng mã, rải tiền lẻ khá phổ biến tại các điểm thờ tự; đặc biệt là tình trạng “mua chuộc thần linh” bằng mâm cao cỗ đầy để cầu tài, cầu lộc của không ít người tham gia lễ hội… Đây là những biến tướng từ trong nhận thức, việc đẩy lùi không thể chỉ một sớm, một chiều mà cần cả quá trình truyền thông, giáo dục.

Cả nước mới đi qua những ngày đầu của mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi. Một số lễ hội vừa diễn ra đã thu về những kết quả khả quan trong tổ chức, song đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số 8.000 lễ hội dân gian diễn ra trên toàn quốc mỗi năm. Do đó, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần tiếp tục được tăng cường, thắt chặt, không thể lơ là.

Bảo Anh