Theo đó, năm 2019, tỉnh Phú Thọ sẽ trồng trên 463 nghìn cây phân tán, 858,5ha rừng tập trung. Phong trào trồng rừng đã tạo nên chuyển biến trong ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế ngay trên vùng đất trống đồi núi trọc. Hiện tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 39,5%; trong đó có rừng đặc dụng 17.304ha; rừng phòng hộ hơn 33.474ha; rừng sản xuất 29.300ha. Tính riêng năm 2018, tỉnh Phú Thọ trồng mới 10.580ha rừng sản xuất.

Hoạt động trồng cây đầu năm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên. Ngoài việc tạo không khí thi đua lao động còn gắn với giá trị tâm linh, phát huy truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng. 

Ngoài quần thể kiến trúc, nghệ thuật, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng còn có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới, có giá trị về đa dạng sinh học. Rừng quốc gia Đền Hùng có diện tích 538ha, nằm trên địa bàn của các xã Hy Cương, Chu Hóa (thành phố Việt Trì), huyện Phù Ninh và xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao). Riêng trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm 32ha, chủ yếu thuộc khu vực núi Nghĩa Lĩnh; có 13,1ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng bằng các loại cây bản địa, rừng thông và các cây lưu niệm. Cùng với khu rừng tự nhiên, xung quanh núi Nghĩa Lĩnh còn có hàng chục núi và đồi, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình vừa hùng vĩ vừa tôn nghiêm, bốn mùa xanh ngát giống như bức tranh thủy mặc.

Tết trồng cây đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Việc phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2019 có ý nghĩa khởi đầu cho phong trào trồng cây, trồng rừng của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị ngày càng sạch, đẹp, cải thiện môi trường sinh thái.

*Ngày 11/2, trong không khí tưng bừng, phấn khởi đầu xuân, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019.

Trong những năm qua, Ninh Bình luôn phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Bên cạnh việc hạ tầng đô thị được tập trung xây dựng, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới hình thành, diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhưng cùng với đó, các hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ đến cảnh quan sinh thái, môi trường và đời sống. Do vậy, việc trồng cây xanh trên các tuyến đường phố, nơi công cộng, trong các cơ quan, nhà máy, các khu đô thị, khu dân cư có vai trò quan trọng và thiết thực, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho đô thị, hạn chế ô nhiễm, giữ không khí trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, hình thành nét đẹp truyền thống của nhân dân mỗi độ Tết đến, xuân về.

*Cùng ngày, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Kỷ Hợi 2019. Tham dự lễ phát động có lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và thành phố Đồng Hới.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây”. Người đã căn dặn, “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Từ đó đến nay, “Tết trồng cây” đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm, cán bộ và nhân dân thành phố Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của địa phương, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau.

Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, thành phố Đồng Hới và đại diện các sở, ban, ngành địa phương đã tiến hành trồng 410 cây xanh trên tuyến đường Văn Cao (trước trụ sở Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Bình).

Việc trồng cây, trồng rừng là cần thiết trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người. Trong năm 2018, Quảng Bình cũng đã tập trung bảo vệ tốt trên 539.853ha rừng tự nhiên và rừng trồng; trồng được trên 11.086ha rừng tập trung, trong đó trồng mới 502ha rừng phòng hộ và 10.726ha rừng sản xuất.

PV