Cuốn sách là sự tri ân các bậc tiền bối, các nhà nghiên cứu, người dân trong và ngoài huyện đã công gìn giữ di tích lịch sử. Đây cũng là món quà của Phòng Văn hóa huyện kính lên các Thần - Thành hoàng đình Đầm Hà, nhân dịp Tết đến, Xuân về.

Với 252 trang, cuốn sách gồm 3 phần chính và phần phục lục:

 Phần 1: Giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; lịch sử hình thành và tên địa danh qua các thời kỳ; đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, tri thức dân gian và ẩm thực của người Kinh ở Đầm Hà có ảnh hưởng và liên quan mật thiết đến đình và lễ hội đình Đầm Hà.

 Phần 2: Giới thiệu về đình Đầm Hà; quá trình hình thành và tồn tại của đình Đầm Hà qua các thời kỳ; cảnh quan, kiến trúc, cách bài trí hương án, đồ thờ đình Đầm Hà; các vị Thần - Thành hoàng thờ ở đình Đầm Hà; các sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra tại đình Đầm Hà và các ngôi miếu thờ Thần - Thành hoàng làng Đầm Hà.

 Phần 3: Giới thiệu về lễ hội truyền thống đình Đầm Hà trước năm 1957 và phục dựng lễ hội đình Đầm Hà năm 2009.

 Phần phụ lục: Giới thiệu một số tư liệu có giá trị, liên quan đến đình và lễ hội đình Đầm Hà như: 7 sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Thành hoàng làng Đầm Hà; sách Hán Nôm viết tay “Nhất bản văn thần” ghi lại các sự lệ liên quan đến đình và lễ hội đình Đầm Hà; các bài hát cửa đình; các bài xướng đào trong lễ hội đình Đầm Hà và Hương ước xã Đầm Hà.

Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển của tỉnh Quảng Ninh, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nhưng tín ngưỡng thờ Thần - Thành hoàng và nhiều phong tục tập quán của người Kinh ở Đầm Hà lại mang đậm sắc thái của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ.

Căn cứ theo tư liệu Hán Nôm và nhân dân truyền kể lại: Đình Đầm Hà khởi đầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII ở khu vực chợ Đầm Hà cũ, cách đình hiện nay hơn 1 km về hướng Đông. Giữa thế kỷ XIX, đình bị giặc Tàu Ô đốt phá cùng với chùa Đầm Hà. Cuối thế kỷ XIX, dân làng xây dựng lại ở vị trí hiện nay.


Đồng chí Vũ Ngọc Giao, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy gióng trống khai hội đình Đầm Hà năm 2018. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đình Đầm Hà thờ: Không Lộ chi thần; Giác Hải chi thần; Quý Minh chi thần; Thái Lệ linh ứng chi thần; Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần. Ngoài các vị thần trên, dân làng Đầm Hà còn phối thờ Lý Thường Kiệt, 12 vị tiên nhân của dòng họ Hoàng, dòng họ Phan sinh sống lâu năm ở vùng đất Đầm Hà và 15 vị Hậu thần đã đóng góp điền sản xây dựng đình Đầm Hà.

Lễ hội đình Đầm Hà xưa được tổ chức trong 6 ngày 5 đêm, từ 15 đến 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Ngoài các nghi thức rước, tế Thành hoàng như bao lễ hội khác, lễ hội đình Đầm Hà có nhiều nét độc đáo riêng biệt, đó là: Lễ rước 17 mâm cỗ chay trước khi rước Thành hoàng; lễ dừng kiệu xin rút ngắn ngày tổ chức lễ hội trong lúc đi rước Thành hoàng, nếu năm đó không tổ chức đủ 6 ngày như thường lệ; nghi thức chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước; lễ dừng kiệu hát mừng trong lúc rước Thành hoàng về đình; sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế; người dân Đầm Hà làm ăn sinh sống ở xa hay ở tại Đầm Hà nếu được thăng quan tiến chức hay đỗ Sơ học yếu lược (lớp 4 thời xưa), cho dù rất bận cũng phải về dự lễ cáo trạng trong ngày hội đình. Đây là hình thức khuyến học, khuyến tài được dân làng Đầm Hà quy định trong lệ làng từ rất sớm.

Lễ rước thần về đình được thực hiện với nghi thức trang nghiêm.

Ngồi đình vừa là nghi thức bắt buộc của các chức sắc quan viên, vừa là hoạt động ẩm thực trong lễ hội truyền thống đình Đầm Hà diễn ra trong các buổi tối từ 16 đến 19 tháng Giêng; hát cửa đình, múa dâng hương, múa đội đèn, xướng đào mừng Thành hoàng về dự hội đình diễn ra trong suốt thời gian lễ hội. 

Trong tối 19, chỉ dành riêng cho hát, múa cửa đình, được dân làng thể hiện thâu đếm đến sáng và kết thúc bằng điệu múa bông - múa tống Thần vào sáng ngày cuối cùng của lễ hội, trước khi rước Thành hoàng trở về miếu...

Đến với lễ hội, dân làng Đầm Hà không những thể hiện các nghi lễ với thần linh mà còn được nghe hát, xem múa, được vui chơi cộng hưởng các trò chơi dân gian truyền thống do chính mình tạo dựng. Đó là những vần điệu ví von, dí dỏm trong trò chơi bài điếm; sự náo nhiệt trong trò chơi đấu vật; sự dẻo dai, bền sức trong trò chơi đẩy gậy, hoặc sự tinh tế, trầm tĩnh trong trò chơi cờ người, nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng cũng nhờ trò chơi đánh đu dây đầy chất lãng mạn bay bổng...

Từ năm 1957, do nhiều nguyên nhân, lễ hội đình Đầm Hà không được tổ chức. Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Những hình ảnh về Đình và Lễ hội đình Đầm Hà, đặc biệt các điệu múa cổ, các bài hát cửa đình, xướng đào... chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của lớp người cao tuổi và đang có nguy cơ bị thất truyền.

Năm 2009, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, lễ hội truyền thống đình Đầm Hà được phục dựng lại sau 52 năm bị gián đoạn.

Năm 2011, Cụm di tích Đình - Miếu, Chùa Đầm Hà được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Cũng trong năm đó, đình Đầm Hà được tôn tạo, xây dựng lại với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của huyện và nguồn huy động hợp pháp khác.

Ngày 30/01/2013, đình Đầm Hà được khánh thành và đưa vào sử dụng trong dịp đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ và lễ hội truyền thống đình Đầm Hà.

Hiện nay, đình Đầm Hà được xây dựng khang trang, cùng với chùa Đầm Hà (Khánh Vân tự) tạo thành quần thể di tích tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân huyện Đầm Hà và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái.

Trà Vân