Trong đó đã xây dựng dự thảo các kịch bản, dự kiến danh sách mời dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3; Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 năm Đinh Dậu; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, triển lãm phục vụ lễ hội; kế hoạch tổ chức rước kiệu của các xã, phường, thị trấn về Đền Hùng; kế hoạch tổ chức lễ hội văn hóa dân gian đường phố “Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”; Lễ hội bơi Chải truyền thống và mở rộng; chương trình tổng thể hoạt động Lễ hội Đền Hùng năm 2017…

Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã khảo sát, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự; phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; chống bạo loạn, phân luồng giao thông, tránh tình trạng ùn tắc; tăng cường công tác duy tu sửa chữa, bổ sung các gờ giảm tốc, biển chỉ dẫn giao thông, phát quang đường đảm bảo tầm nhìn.

Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kịp các công trình đưa vào phục vụ lễ hội; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ múa rối nước, trưng bày phong lan, các hiện vật cung tiến; sắp xếp, bố trí lại các khu vực hàng quán, các địa điểm bán hàng dịch vụ, niêm yết giá bán hàng đảm bảo văn minh, mỹ quan; kiểm tra, sửa chữa hệ thống cấp nước, hệ thống điện, các công trình vệ sinh công cộng; tổ chức phân luồng các phương tiện tham gia trong khu vực di tích theo các bến bãi, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách và người dân về tham dự Giỗ Tổ, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tăng cường đảm bảo thông tin liên lạc, bố trí đường truyền Internet tốc độ cao phục vụ Trung tâm báo chí, triển khai việc lắp đặt hệ thống thiết bị phủ sóng wifi miễn phí tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Đã tập trung triển khai lắp đặt mới 96 xe lưu động, 46 trạm BTS lưu động, 72 bộ phát wifi miễn phí, đồng thời nâng cấp 137 trạm BTS 2G và 3G thuộc các địa bàn trọng điểm của thành phố Việt Trì và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng... đảm bảo hạ tầng thông tin an toàn phục vụ Giỗ Tổ.

Theo Ban Tổ chức sẽ có rất đông đồng bào và du khách trên cả nước về tham dự lễ Giỗ Tổ. Ảnh: ND

 

Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu cho biết: Phú Thọ quyết tâm tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là lễ hội mẫu mực của cả nước, đảm bảo an toàn và tạo sự thân thiện, gần gũi đối với du khách khi về thăm Đền Hùng, thắp hương tri ân công đức Tổ tiên.

Ban Tổ chức cũng đã chỉ đạo, giải quyết từng khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị đề xuất của các tiểu ban, các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị. Trên tinh thần đó, ông yêu cầu các cấp, ngành phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc “5 không” mà tỉnh đã cam kết: Không ăn xin ăn mày; không ùn tắc và xảy ra tai nạn giao thông; không nâng giá, chặt chém các loại hình dịch vụ; không có hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì.

Cũng theo Ban Tổ chức, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ du khách, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Chi cục ATVSTP phẩm (Sở Y tế) đã ra quân tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán thức ăn đường phố trên địa bàn 8 phường của thành phố Việt Trì. Thông qua đó nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Chi cục ATVSTP cũng đã chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn chuyên môn về công tác đảm bảo VSATTP cho Trung tâm Y tế thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, UBND xã Hy Cương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Còn đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho hay, trong những ngày chính hội các đội liên ngành bắt gặp bất kỳ đối tượng bán hàng rong nào sẽ tịch thu hàng hóa và nghiêm túc xử lý.

“Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 đang đến gần, bằng sự nỗ lực hết mình, Ban Tổ chức quyết tâm xây dựng Lễ hội Đền Hùng năm 2017 trở thành một trong các lễ hội mẫu mực của cả nước, đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện với nhân dân và du khách thập phương khi hành hương về với cội nguồn”, Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ lễ hội Đền Hùng năm nay, ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ có giá trị lịch sử sâu sắc, là một thành tố quan trọng trong hệ thống Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa được biểu hiện và thực hành qua nhiều hình thức, trong đó, tập trung nhất vào việc tổ chức thờ cúng Mẫu Âu Cơ và các con, cháu của Mẫu. Nghi lễ lớn nhất là cúng lễ Mẫu Âu Cơ hay còn gọi là lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức từ ngày 7 - 9 tháng Giêng hằng năm. Ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày lễ chính, mở đầu là lễ Đức Thánh Thành hoàng làng do đội tế nam thực hiện. Ngay sau khi cúng lễ xong, đoàn rước kiệu Thánh từ đình ra Đền Mẫu Âu Cơ được khởi hành. Tế lễ ở Đền Mẫu được bắt đầu với nghi lễ dâng hương và dâng lễ vật, tiếp đó là lễ tế của đội tế nữ. Tất cả dân làng và người dự hội cùng hướng vào đền, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, ngưỡng vọng Thánh Mẫu. Sau đó, người dân Hiền Lương, Hạ Hòa và du khách thập phương về dự hội bắt đầu vào đền làm lễ Mẫu. Đến chiều ngày mồng 9, sau khi tổ chức cuộc tế nữ, dân làng tổ chức rước kiệu đức Thánh về đình.


Nam Dũng