Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 42 năm ngày giải phóng, tỉnh sẽ trao tặng hơn 3.000 Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam” cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong 20 năm qua và khởi công, gắn biển khoảng 20 dự án, công trình xây dựng.

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh qua 20 năm, diễn ra từ ngày 22/3 - 24/3/2017, nhằm trưng bày hình ảnh, hiện vật về truyền thống, thành tựu đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh.

Ngoài ra, có các hoạt động tuyên truyền; đền ơn đáp nghĩa, xuất bản tập san, tập ảnh, phim tài liệu, phóng sự truyền hình về các sự kiện, nhân vật lịch sử trong tỉnh trong hai cuộc kháng chiến; các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất giỏi; tổ chức Hội trại thanh niên, các hoạt động về nguồn; Hội thi Tìm hiểu về lịch sử đất nước và tỉnh Quảng Nam dành cho đoàn viên, thanh niên học sinh, sinh viên trong tỉnh…

Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 với chủ đề “Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản”.

Festival Di sản lần thứ VI sẽ diễn ra tại TP Hội An, Tam Kỳ và các huyện như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Tây Giang, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Trà My. Lễ khai mạc được tổ chức vào 20 giờ, ngày 9/6 tại biển Tam Thanh (Tam Kỳ) và bế mạc vào 20 giờ ngày 14/6 tại Quảng trường Sông Hoài (Hội An).

Khởi động Festival Di sản Quảng Nam, từ ngày 27/1 đến ngày 8/2/2017, sự kiện Lễ hội ánh sáng Hội An chào đón Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sẽ tạo cho phố cổ Hội An huyền ảo, lung linh và quyến rũ với sự kết hợp nghệ thuật của ánh sáng và âm thanh.

Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ V - Hội An 2017 diễn ra từ ngày 7-11/6, là một nhạc hội đầy cảm hứng của âm nhạc, văn hóa và tình hữu nghị với sự tham gia của gần 30 đoàn hợp xướng, khoảng 1.500 nghệ sỹ từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Không chỉ là âm nhạc, du khách tham quan phố cổ về đêm trong những ngày này còn được khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các quốc gia qua nhạc cụ, trang phục, phong cách trình diễn mang nhiều cung bậc cảm xúc bất ngờ. Song song là “Festival Diều quốc tế”, với sự tham gia trình diễn của các nghệ nhân đến từ 8 quốc gia gồm khoảng 300 con diều truyền thống và hiện đại trên các bãi biển du lịch tại An Bàng (Hội An) và Tam Thanh (Tam Kỳ) từ ngày 5 - 9/6/2017.

Phố cổ Hội An về đêm

TP Hội An là nơi diễn ra nhiều hoạt động Festival. Điểm nhấn mùa lễ hội năm nay là chương trình “Giao lưu các đô thị di sản thế giới”, bao gồm các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn văn hóa phi vật thể của các đô thị trên các châu lục được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Bên cạnh đó, những ngày Festival ở Hội An sẽ trở thành một không gian lễ hội thực sự hấp dẫn với “Liên hoan Ẩm thực quốc tế” - nơi gặp gỡ của các đầu bếp nổi tiếng trong nước và quốc tế; “Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới” với sự tham gia của các Hiệp hội tơ lụa thế giới cùng các nghệ nhân, các nhà thiết kế thời trang và các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm của trên 10 quốc gia. Hàng đêm có các chương trình nghệ thuật quốc tế và trong nước cùng nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh khác.

TP Tam Kỳ - điểm đến mới của du lịch Quảng Nam với Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng Bích họa Tam Thanh, bãi biển Tam Thanh; sẽ thật sự sôi động với chuỗi các hoạt động chủ đề: “Tam Thanh - Cảm xúc mùa hè 2017” với Triển lãm “Di sản văn hoá biển, đảo Việt Nam”, “Liên hoan dân ca Bài chòi các tỉnh miền Trung Việt Nam” và trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh trong cả nước.

Tháng 6/2017, tại bãi biển An Bàng, Hội An sẽ thêm phần hấp dẫn với các hoạt động thể thao quốc tế: “Giải lướt ván buồm vô địch thế giới” và “Giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng” với sự tham gia của hàng trăm tay đua đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Hồ Phú Ninh sẽ là nơi thể hiện tài năng của các tay chèo xuất sắc đến từ mọi miền cả nước trong “Giải Canoeing các câu lạc bộ toàn quốc”.

Đến với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI/2017, du khách sẽ được khám phá thiên nhiên đại ngàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ, rừng cây Pơmu di sản, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, truyền thống văn hoá đặc trưng của các dân tộc, không gian trình diễn nghi thức dựng cây Nêu của 20 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc với chương trình “Hương sắc vùng cao Quảng Nam” tại huyện Tây Giang. “Lễ hội sâm núi Ngọc Linh” tại huyện Nam Trà My dưới chân núi Ngọc Linh sẽ giới thiệu đến với du khách về giá trị của cây Sâm Việt Nam. Đến với Quảng Nam trong dịp này, du khách có thể tìm hiểu văn hoá Chăm tại không gian trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”, thưởng thức chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Apsara” tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Du khách nước ngoài rất thích thú khi tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên)

Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival Quảng Nam 2017 sẽ diễn ra Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên, Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản các đô thị cổ...

Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 25 tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng, Việt Nam; tỉnh Quảng Nam vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Chương trình tham quan dành cho phu nhân/phu quân của người đứng đầu 21 nền kinh tế APEC và các đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Hội nghị Bộ trường Tài chính APEC dự kiến diễn ra từ ngày 19 – 21/10/2017 tại TP Hội An.

Quảng Nam và TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (1967-2017). Năm 1967, Đặc khu ủy Quảng Đà được thành lập để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của các huyện cánh Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng, đồng thời là nơi đứng chân của các đơn vị quân đội, nơi đây đã ra đời những quyết sách của Đặc khu ủy để tiến công địch trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, binh vận…; đặc biệt họp bàn kế hoạch tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam và Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975. Với những giá trị lịch sử khoa học của di tích, ngày 8/12/2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2164/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích Quốc gia.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có các lễ hội có quy mô lớn được tổ chức nhân dịp đầu Xuân như: Lễ hội Cầu Bông, diễn ra tại các xã Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm An (Hội An). Lễ hội Bà Thu Bồn, diễn ra ngày 12/ 2 Âm lịch hàng năm tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Lễ Cầu Ngư diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm, tại các xã ven biển của tỉnh. Lễ hội rước Cộ diễn ra tại huyện Thăng Bình, gắn liền với truyền thuyết về cuộc đời bà Nguyễn Thị Của thường cho thuốc chữa bệnh cứu nhân độ thế và trị tội những bọn tham quan, ô lại ức hiếp dân lành...

                                                                                           Ngọc Phó