Lễ hội được tổ chức vào các ngày từ 12 - 14/3 với nhiều hoạt động như lễ cáo yết, dâng hương, chợ quê, Chương trình Duyên dáng Lê Chân, cờ người, các trò chơi dân gian, biểu diễn võ dân tộc…

Lễ hội đã thu hút được đông đảo người dân tham dự, háo hức hòa mình vào không gian chợ xưa đậm nét Việt

Tại khu vực Tượng đài Nữ tướng Lê Chân diễn hoạt động chợ quê, phục dựng lại hình ảnh chợ Vẻn xưa (tên cổ của làng An Biên, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - nơi Nữ tướng Lê Chân sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ).

Gian hát xẩm tại chợ quê

Chợ có nhiều gian hàng mang đậm dấu ấn của phiên chợ xưa với các món quà quê như bánh đa cua, cá kho, bánh đúc, khoai sắn, cây xanh, gian trưng bày thư pháp, hát xẩm, nặn tò he…

Lễ hội Nữ tướng Lê Chân từ khi nào người dân TP Hải Phòng cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng từ rất lâu rồi, người dân Lê Chân đã tổ chức nhiều hoạt động để tưởng nhớ cũng như bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn đối với vị Đương cảnh Thành hoàng Nam hải Uy linh Thượng đẳng tôn thần Thánh Chân Công Chúa, vị Nữ tướng tài ba đã cùng với Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lược nhà Đông Hán thế kỷ I.

Theo "Hải Phòng An Biên thần tích bi" còn được lưu giữ tại đền Nghè, Nữ tướng Lê Chân nguyên quán ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Bà sinh vào khoảng đầu Công nguyên, trong một gia đình có truyền thống dạy học, làm thuốc. Bố là ông Lê Đạo, mẹ là bà Trần Thị Châu, ông bà thường xuyên làm việc thiện, tu nhân tích đức.

Bà lớn lên, thông minh tài sắc vẹn toàn lên ai cũng quý mến, lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Hán đô hộ, Thái thú Tô Định thi hành chính sách bạo ngược, dân ta sống trong cảnh lầm than, khắp vùng đều biết đến.

Thái thú Tô Định nghe tiếng bà, muốn cưỡng ép làm vợ, nhưng đã bị từ chối. Tô Định oán giận đã sát hại cha bà.

Ôm mối thù cha, thề không đội trời chung với Tô Định, đi thị sát rồi bà phát hiện ở vùng ven biển có nhiều sông rạch tạo thành các đường thủy nối liền, lòng mừng thầm, nghĩ được trời ban cho nơi che chở.

Bà trở về quê cùng người thân đến khai khẩn vùng đất mới, lập nên một làng ven sông gọi là làng Vẻn, là nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay.

Nhớ quê nhà, bà bèn lấy tên quê gốc để đặt tên cho vùng đất mới: Trang An Biên, lại mở một chợ ở bên sông để tiện việc mua bán, tại đây bà thu nạp những người có hoàn cảnh giống như bà và tích cực chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà.

Lúc ấy ở đạo Sơn Tây có hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đang phát hịch kêu gọi tướng sĩ khắp nơi khởi nghĩa giết giặc Tô Định.

Lê Chân được tin, lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây, Trưng Trắc thấy diện mạo khác thường, có chí khí nên đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân Công Chúa, đem quân cùng Bình Khôi Công Chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. 

Tô Định thua to, trốn về Bắc quốc, nước Nam bình định, Trưng Trắc xưng Vua, khao thưởng quân sĩ, ban khen công thần.

Bà được phong là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược.

Khi trở về làng, bà đã dựng đồn, tăng cường triêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chuẩn cấp cho nhân dân nên người dân nơi đây, có cuộc sống ấm no, bình yên, ai ai cũng đội ơn và kính yêu bà như cha mẹ.

Theo “An Biên thần tích bi ký” được lưu giữ tại đền Nghè thì sau khi bà mất và được thờ tại An Biên cổ miếu (đền Nghè ngày nay), bà đã âm phù dương trợ, che chở, ban phước lành cho nhân dân.

Trải qua gần 2.000 năm, qua bao thăng trầm của lịch sử, các di tích thờ Nữ tướng của thời đại Trưng Vương được nhân dân nhiều nơi đời đời hương khói thờ phụng.

Tại Hải Phòng, để ghi nhớ công đức của vị nữ tướng tài ba, người khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay, bà được nhân dân Hải Phòng suy tôn là Thành hoàng làng, là Thánh mẫu, lập đình, đền, miếu mạo... thờ phụng.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của TP Hải Phòng đã thực sự đáp ứng được nhu cầu giao lưu, nhu cầu tâm linh, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo những giá trị truyền thống của dân tộc.

Kim Thành