Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… ngày càng ưa chuộng

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu năm 2018 đã vượt mốc 1,4 tỷ lượt, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng gần 6%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đón 342,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,1% so với năm 2017, vượt qua cả châu Âu, chiếm gần 1/4 tổng lượng khách quốc tế toàn cầu. Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng khách quốc tế với 7,4%. 

UNTWO dự báo, hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm 2019. Dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới.

Với sự tăng trưởng nhanh như vậy, du lịch đã trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển.

Cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh, thì những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp… ngày càng được lựa chọn và ưa chuộng hơn.

Du lịch giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ thịnh hành

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh và ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Du lịch trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, đến năm 2025 dự báo sẽ đón 32 triệu lượt khách quốc tế và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 9-11%/năm, đóng góp của ngành du lịch vào GDP khoảng 14%. Nhưng để hiện thực hoá con số trên, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch triển khai cho từng giai đoạn, từng năm. 

Theo dự báo, đến năm 2030, khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Theo đó, nhu cầu trải nghiệm dựa trên giá trị văn hoá truyền thống, cảnh quan nguyên sơ của địa phương hoặc du lịch sáng tạo, dựa trên công nghệ cao (du lịch thông minh) ngày càng cụ thể. 

Công nghệ và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch

Nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến, và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch. Theo nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ nhận định, công nghệ thông tin và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch cũng đang thay đổi rõ rệt. Những năm trước đây, nếu tỷ trọng chi tiêu của khách dành phần lớn cho dịch vụ cơ bản như ăn, uống, vận chuyển, thì nay tỷ trọng này đã nhường chỗ cho các dịch vụ như mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, thăm quan giải trí…

Theo bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, đối với ngành khách sạn đã xuất hiện nhiều xu hướng mới trong kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch. Về hình thức kinh doanh, các mô hình officetel, condotel, shophouse… ngày càng được chú trọng.

Về sở hữu/đầu tư, timeshare (chia sẻ kỳ nghỉ), tức một cơ sở có đa chủ đầu tư, người sở hữu ngày càng phổ biến; về hình thức tiếp cận khách hàng, có sự chuyển dịch từ việc thông qua các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tới các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet; về thương hiệu, các thương hiệu Việt đang dần xuất hiện như chuỗi khách sạn Vinpearl, FLC, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn… để cạnh tranh với các thương hiệu hàng đầu thế giới tại Việt Nam như Marriott, Sofitel, Novotel…

Cần kết hợp các loại du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh

Những xu hướng trên đặt ra yêu cầu các nhà quản lý, các nhà đầu tư nhìn nhận và phân tích đúng tình hình, có giải pháp, dự án, cách vận hành phù hợp. Cơ sở lưu trú du lịch đón đầu xu hướng toàn cầu mới có cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh, đạt hiệu quả cao.

Trong đó, du lịch Việt Nam cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp với tham quan, ngắm cảnh, chèo thuyền, du thuyền trên vịnh, lặn biển, lướt ván… ở vịnh Hạ Long, biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo... 

Bên cạnh đó là loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ, leo núi, nhảy dù, dù lượn, chèo thuyền vượt thác, thám hiểm hang động... ở vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung - Tây Nguyên.
Du lịch chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền Việt Nam, tắm nước nóng, nước khoáng, ngâm thuốc Bắc, tắm bùn, ăn chay ở vùng rừng núi Tây Bắc, Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi...

Bảo Anh